Người Tây có gằm ghè đến sáng cũng không đánh nhau!

Trần Quốc Hưng |

“Tôi lang thang khắp các tụ điểm ăn chơi Thái Lan, Mã Lai, EU, cả Mỹ nữa, hầu như không thấy đánh nhau. Văn hóa Châu Âu phim ảnh là thế nhưng họ ghê tởm bạo lực”.

LTS: Sau khi tòa soạn đăng tải bài báo “Không đánh nhau thì biết làm gì?”, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía độc giả.

Ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng du lịch hành hương công ty Panvin không khỏi bất bình chia sẻ: “Đúng là cần lên tiếng ngay và nhanh. Dân ta thích bạo lực quá!

Trong khi, tôi lang thang khắp các tụ điểm ăn chơi Thái Lan, Mã Lai và EU, cả Mỹ nữa, hầu như không và rất ít thấy đánh nhau. Văn hóa Châu Âu phim ảnh là thế nhưng họ ghê tởm việc động tay, động chân”.

Ngay sau đó, ông Hưng đã gửi tới chúng tôi một bài viết dựa trên những trải nghiệm có thật của ông sau hơn 15 năm công tác trong ngành du lịch và đã từng hướng dẫn du khách thăm quan khoảng 50 nước khác nhau trên thế giới.

Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết so sánh sự khác biệt giữa thói quen, lối sống, văn hóa của Việt Nam và các nước phương Tây để thấy chúng ta cần phải thay đổi như thế nào!

Ở Tây: Ai ra tay trước sẽ bị bắt và phạt tù rất nặng

Một lần đi công tác Châu Âu, ghé thăm nhà mấy người quen ở Hà Lan, được anh em Việt Kiều lấy xe rủ đi chơi khắp nơi, tiếp đãi trọng thị. Họ dẫn tôi vào một vũ trường trung tâm thành phố Amsterdam.

Sau khi phân công ai lái xe chở nhóm về xong (người đó sẽ không uống rượu trong buổi vui này), anh em vui vẻ nâng chén và hát hò nhảy nhót rất linh đình.

Bỗng bàn bên cạnh chúng tôi ồn ào khác thường, tôi tò mò quay sang, thấy 2 anh Tây, to con, xăm trổ đầy người gằm ghè như sắp “đại chiến” đến nơi rồi.

Thấy tôi cứ mải miết nhìn, mấy anh bạn kéo ngay ra nói: “Uống tiếp đi mày ơi, nó có gằm ghè đến sáng mai cũng không đánh nhau đâu. Thằng nào ra tay trước, sẽ bị còng tay, phạt vỡ mặt và ngồi bóc lịch dài dài đấy. Xã hội bên này họ không thích đánh lộn đâu!”.

Ờ nhỉ, sau này nghĩ lại, tôi mới nhớ rất ít khi thấy đánh nhau ở các nước Phương Tây này.

Khác với người Việt, người Tây ghét đánh nhau, họ coi đánh nhau là vô học, là cục súc và quê mùa.
Khác với người Việt, người Tây ghét đánh nhau, họ coi đánh nhau là vô học, là cục súc và quê mùa.

Ngay như bộ phim “Lính bắn tỉa Mỹ” mà tôi vẫn thường xem, anh chàng đặc nhiệm Chris Kyle – nhân vật chính, tôi rất thích vì chất anh hùng hiệp sĩ và gan dạ.

Khi thấy con chó dữ định tấn công lũ trẻ trong một buổi dã ngoại, anh ta lao đến túm cổ và định đập vỡ sọ nó bằng vỏ một chai bia.

Một việc làm rất dũng cảm, nhưng bạn bè lại quay ra nhìn anh đầy sợ hãi và xa lánh anh ta như quỷ dữ, đủ nói lên một điều rằng: Ở Tây người ta nghét bạo lực như thế nào!

Việt Nam: Đánh nhau để ra oai “ta đây là nhất”

Tại Việt Nam, thật buồn khi người Việt rất thích đánh nhau hay thích sử dụng bạo lực.

Nhìn đểu nhau cũng đánh nhau (2 nữ sinh tại Cà Mau), chê một cốc nước mía đắt cũng mất mạng (nam thanh niên tại Đà Nẵng), rồi vì sợ hãi mà một ông bố lái taxi phải nhảy cầu vượt đến chết ngay trước mặt mẹ và con nhỏ (Hà Nội)…

Mới đây, Bộ Y tế vừa công bố công khai, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua trên cả nước có 5.121 trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau. Một con số lớn khủng khiếp, đáng báo động về lối sống của chính chúng ta!.

Con số này chắc chắn chỉ là một tảng băng nổi của sự thật, vì rõ ràng còn bao nhiêu vụ xô sát hay đánh nhau mà chưa đến mức phải nhập viện, hay bao nhiêu nạn nhân đã nhập viện mà còn dấu đi cái nguyên nhân bạo lực nữa.

Nguyên nhân đánh nhau do đâu?

Có lẽ nguyên nhân đầu tiên mà tôi muốn nói đến là văn hóa nông thôn, ẩn sau lũy tre làng. Thanh niên trai tráng suốt ngày cứ ở làng, chẳng làm gì, sau lũy tre nhỏ bé này thì ta là nhất làng, ta là nhất tổng.

Cứ thấy ai hơn tí, cái gì lạ khác mình, ghen ghét là đánh cho nó một trận cho biết tay để ra oai.

Tác giả bài viết - ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng du lịch hành hương công ty Panvin.
Tác giả bài viết - ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng du lịch hành hương công ty Panvin.

Làng tôi (Thủy Nhai, Giao An, Giao Thủy, Nam Định) ngày xưa cũng vậy! Mỗi dịp văn nghệ, Quốc khánh, diễu hành, hay xem chiếu bóng xem kịch ở sân văn hóa xã y như phép là sẽ có đánh nhau.

Thanh niên trai tráng đầy làng chẳng đi đâu xa, tối tối cứ ngồi đầy cầu, đầy các ngã ba ngã tư, cứ thấy ai lạ lạ, hay anh chàng nào vô phúc đến tăm tia cô gái nào trong làng mình thì chắc là no đòn.

Thậm chí lũ trai làng tôi còn bắt phải lội xuống sông, vác xe đạp mà đi về nhà, nên danh từ “mò tôm” bây giờ đã trở nên khá phổ biến khắp đồng bằng miền Bắc.

Đấy là quê mình, nhưng cái tính làng xóm, yếm thế và anh hùng địa phương này, chắc chắn vẫn còn rất phổ biến ở không ít nơi trên đất nước Việt Nam ta.

Tây "nếm" rượu còn người Việt “nốc” rượu

Nguyên nhân thứ 2, có lẽ là do rượu bia. Tết là dịp người Việt tiệc tùng nhiều nhất, thay vì vui vẻ chào hỏi giao lưu đón xuân mới. Có lẽ “con ma men” đã làm cho chúng ta hung hãn hơn rất nhiều.

Dân ta uống rượu bia nhiều quá, về quê, ra đường thấy khắp nơi hò hét: “Uống… Uống… Uống…”. Tết ra đường nhìn ai, mặt cũng đỏ phừng phừng mà tôi lạnh hết cả xương sống. Mà uống rượu theo kiểu ở xứ Việt ta có lẽ phải gọi là “nốc” rượu thì đúng hơn.

Thay vì nhâm nhi nhẹ nhàng tí hơi rượu thơm nồng, làm tê lưỡi, nóng cơ thể, bữa ăn đậm vị hơn như các nước phương Tây vẫn làm, hoặc nếm vị men, vị gỗ sồi hun cháy trong hương rượu…, chủ yếu để phục vụ cho bữa ăn ngon hơn.

Thì người Việt ta cứ phải “hết 100%” dù là phùng mang, trợn mắt cũng phải uống cho bằng hết, chẳng biết rượu ra sao và ẩm thực trong bữa ăn ngon ngọt như thế nào nữa.

Nhiều lúc có chai rượu ngoại hay đặc biệt hiếm, quý, tôi muốn mở ra để thiết đãi khách trong dịp này cho sang trọng, sau đó lại cứ tiếc hùi hụi, vì chả nhẽ lại dùng từ đúng với cái cảm giác của mình là: “Đã trót cho trâu ăn hoa mẫu đơn” mất rồi!.

Trong khi ở và sống quen với các bạn Tây, vào quán ai thích uống gì cứ nói và cứ gọi, lâu lâu cũng uống chung một vài chén với anh em nhưng tuyệt nhiên không ép nhau bao giờ.

Bởi vì họ cho là lãng phí và có thể hiểu là hơi thô lỗ vậy!

Các cụ Việt Nam thì nói “Rượu vào lời ra”, hay “Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm - Rượu vào lòng như cọp vào rừng!”.

Còn ngạn ngữ Phương Tây thì lại nói khác: “Rượu là kẻ phản bội, trước là bạn sau là thù”, hay “Hãy đứng xa con voi bảy bước, cách con trâu mười bước và cách thằng say ba mươi bước”….

Thấy đánh nhau: Chỉ đứng xem, chẳng biết gọi ai

Thứ chúng ta cần là: Một pháp luật nghiêm minh và một xã hội không bàng quan.

Tôi xin được hỏi: Các bạn sẽ làm gì khi chứng kiến một vụ đánh nhau, thay vì can ngăn, gọi cho cảnh sát đến, hay đứng bu vào tò mò xem như làng mở hội vui vậy!?

Thú thực câu trả lời sẽ rất mông lung trong xã hội ta bây giờ. Gọi công an có lẽ sẽ đến rất muộn, vì 2 từ “đánh nhau” có lẽ là quá quen với đồng bào ta rồi. Hoặc công an thì vẫn còn ở xa trong khi các vụ bạo lực có thể lại diễn ra cực nhanh và không ai lường trước được.

Nhiều trường hợp đánh nhau ngay trong gia đình, ngay trong xóm làng, dòng họ… nên lực lượng hành pháp đến chưa chắc đã có hiệu quả.

Nhìn đểu cũng đánh nhau, va quệt xe cũng đánh nhau, chê một cốc nước mía đắt cũng mất mạng... (Ảnh minh họa)
Nhìn đểu cũng đánh nhau, va quệt xe cũng đánh nhau, chê một cốc nước mía đắt cũng mất mạng... (Ảnh minh họa)

Còn lại, một thực tế rất buồn và lạ lùng là: Cứ nghe đến đánh nhau ở đâu, đa phần chúng ta cứ tò mò chạy xô đến xem, lao qua đường cao tốc, lao qua đám đông người, bất chấp cả sự an nguy với câu nói các cụ xưa đã dặn rằng “chẳng phải đầu cúng phải tai”.

Mọi người lao đến chỉ để được xem họ… đánh nhau.

Xem vì tò mò, xem vì thích thú, sau đó nó ăn sâu vào máu và không thấy ghê tởm trước các cảnh bạo lực này.

Trong khi ở phương Tây, chẳng mấy khi thấy cảnh đánh nhau, đã vậy, khi thấy lộn xộn trong khu phố hay ngoài đường, bao giờ họ cũng tránh xa, lặng lẽ vào nhà đóng cửa lại, gọi cho cảnh sát đến can thiệp ngay.

Họ ghét đánh nhau, họ lạnh lùng cô lập, bạo lực nó sẽ bị “cô đơn”, bị lẻ loi và không có cơ hội phổ biến trong xã hội…

Xin các vị hãy anh hùng theo cách khác

5.121 trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau và chắc còn hơn rất nhiều số đó nữa gia đình đã ăn Tết mất vui, cùng bao nhiêu người phải ôm tủi hờn, căm hận đến suốt đời vì những cuộc bạo lực này?!

Đã đến lúc phải kêu gọi rằng, xin các vị: Hãy anh hùng theo cách khác, bằng trí tuệ, nhân ái và thương trường, xây dựng đất nước giàu đẹp hơn, vươn ra tầm thế giới.

Thay vì chỉ là những trò yếm thế, ghen ghét nhỏ nhoi, thị uy ngay trong lũy tre làng tối tăm suốt bao năm rồi.

Vấn đề sẽ còn nhiều khía cạnh và hiểu theo chiều hướng cá nhân của mỗi người. Nhưng với cá nhân người viết bài này, tôi chỉ xin được góp phần cổ vũ cho một XÃ HỘI KHÔNG BẠO LỰC, văn minh và yên bình cho mọi người và mọi nhà.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại