Trong cuộc trao đổi với phóng viên về câu chuyện giới y bác sĩ nhận hoa hồng từ các công ty dược, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư Đại học New South Wales (Australia) thẳng thắn nói rằng ông từng nhận tài trợ từ các công ty dược cho tư vấn, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, và các lớp học liên tục.
Tuy nhiên, GS Tuấn rất minh bạch, có lúc công ty đòi sửa bài và ông không đồng ý, cùng với đó nói với họ "nếu sửa đừng tài trợ cho tôi".
PV: Thưa GS, mấy ngày này, dư luận trong nước bức xúc vụ việc công ty VN pharma nhập khẩu thuốc ung thư không rõ nguồn gốc và đặc biệt số tiền mà các đối tượng của VN pharma khai đã chi hoa hồng cho bác sĩ 7,5 tỷ đồng càng khiến cho dư luận "cay đắng". Ông có bình luận gì về câu chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ với các hãng dược?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Ở nước ngoài, tôi chỉ đọc tin tức từ báo chí trong nước, chứ không có điều kiện kiểm chứng. Tuy nhiên, câu chuyện bác sĩ nhận "hoa hồng" từ các công ty dược để ra toa thuốc thì đã râm ran rất lâu, chứ không phải là vấn đề mới.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước đang phát triển khác ở Đông Nam Á cũng có tình trạng hoa hồng cho bác sĩ, và đã có những nghiên cứu khoa học về tình trạng này.
Nhưng ở vài nước đang phát triển, một hướng khác cũng cần phải đề cập đến là các công ty dược nhiều khi cũng chịu áp lực phải "chi" cho không chỉ bác sĩ mà còn cho các quan chức y tế.
Một số quan chức y tế xem các công ty dược như là những con "bò sữa" và họ cứ khai thác những con bò sữa này cho các mục tiêu tư lợi lẫn công vụ.
PV: Cá nhân ông nghĩ gì về việc bác sĩ nhận hoa hồng để kê đơn thuốc?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Câu trả lời phụ thuộc vào luật pháp và y đức của một quốc gia.
Ở Mỹ và Australia, bác sĩ nhận hoa hồng từ công ty dược để ra toa thuốc là một hành động vi phạm luật pháp. Hơn 10 năm trước ở Mỹ xảy ra một vụ mà bác sĩ nhận hoa hồng hơn 1 triệu USD từ công ty thuốc chuyên về thuốc giúp trẻ em tăng trưởng, và việc làm này được xem là bất hợp pháp.
Hành động đó cũng vi phạm qui ước về y đức. Nhưng y đức là quy ước, chứ không phải quy định, do đó bác sĩ có thể không bị ảnh hưởng nhiều khi không làm theo qui ước.
GS Nguyễn Văn Tuấn đang công tác tại Trường Đại học New South Wales (Australia).
PV: Thu nhập của BS Việt được xem là thấp và người ta cho rằng các khoản ngoài thu nhập như tiền chi "hoa hồng" dù là khoản không vui vẻ gì nhưng vẫn nhận vì lương thấp? Quan niệm như này có đúng không thưa GS?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Một cách chính thức thì lương của bác sĩ ở Việt Nam quả là thấp, có lẽ thấp nhất thế giới. Đó là vấn đề Nhà nước phải giải quyết. Không thể nào để cho một thành phần ưu tú về tri thức và tinh hoa của xã hội nhận đồng lương "chết đói" trong nền kinh tế thị trường như vậy được.
Nhưng nếu biện minh rằng vì đồng lương thấp nên phải nhận hoa hồng thì tôi e rằng có sự lẫn lộn giữa y đức và tham nhũng.
Thật ra, chẳng có một mối liên hệ nào giữa thu nhập của bác sĩ và hoa hồng từ các công ty dược. Ở Mỹ, nơi bác sĩ có thu nhập cao, nhưng bác sĩ Mỹ vẫn ngửa tay nhận tiền từ các công ty dược qua nhiều hình thức.
Bác sĩ cấp thấp nhận tiền "cấp thấp", bác sĩ cấp cao (hàng giáo sư) nhận tiền càng "cao cấp". Không ít giáo sư y khoa bên Mỹ nhận tiền hàng trăm ngàn USD từ các công ty dược mỗi năm dù tiền lương của họ không bao giờ thấp. Đây là vấn đề y đức.
PV: Ở Australia, nơi GS công tác, việc "chi hoa hồng" từ các hãng dược được thực hiện như nào?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Các công ty dược là thành viên của xã hội và các công ty có quy chuẩn đạo đức đều tỏ ra có trách nhiệm với xã hội.
Các công ty dược lớn và đa quốc gia có những qui định về y đức của họ và họ làm theo những quy định của tập đoàn và của địa phương.
Gần như là một truyền thống y dược, cách họ thể hiện trách nhiệm xã hội là các công ty dược thường xuyên tài trợ cho các hội nghị khoa học, các lớp học mang tính cập nhật kiến thức, tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Và những hoạt động này hoàn toàn hợp pháp và hợp y đức chứ không thể xem là "hoa hồng".
Những hội nghị và công trình nghiên cứu nhận tài trợ của các công ty dược hay bất cứ tổ chức nào cũng phải công bố nguồn tài trợ, hoàn toàn không có giấu diếm.
Chẳng có một mối liên hệ nào giữa thu nhập của bác sĩ và hoa hồng từ các công ty dược (Ảnh minh họa).
PV: Theo GS, vấn đề hoa hồng cho bác sĩ ngành y tế Việt Nam cần minh bạch như nào? Có những bác sĩ họ tâm sự họ chỉ mong minh bạch trong y tế bởi vì họ cho rằng minh bạch mới giúp đời sống bác sĩ tốt lên.
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ rất khó để phát hiện những mối liên hệ giữa bác sĩ và kĩ nghệ dược. Không có quy định pháp luật nào có thể điều chế hành vi mang tính đạo đức cả.
Ở Australia, người ta ghi nhận sự thật này nên Ủy ban về Cạnh tranh và người tiêu dùng (Australian Competition and Consume Commission) ra quy định rằng tất cả các công ty dược tài trợ hay trả hoa hồng cho bác sĩ phải công bố danh sách của bác sĩ.
Nhưng quy định này chỉ dành cho những trường hợp bác sĩ nhận hơn 120$ quà cáp, còn con số dưới 120$ thì sẽ không cần công bố.
Chính phủ Australia sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu công cộng và công chúng có thể truy cập để biết bác sĩ nào nhận tiền từ công ty nào. Đó là một sự minh bạch thông tin, và người đánh giá sẽ là công chúng. Việt Nam có thể tham khảo cách làm này.
PV: Xin cảm ơn ông!