Gần đây, công ty thuốc VN Pharma khi ra toà khai báo có chi tiền hoa hồng cho các bác sĩ 7,5 tỉ VND để kê toa thuốc làm dư luận dậy sóng. Trong các thông tin qua lại, có một số tranh luận cho rằng chính các bác sĩ ngoài nước cũng hay nhận tiền hoa hồng trong việc khám chữa bệnh và kê toa chứ không chỉ riêng bác sĩ tại Việt Nam.
Bài viết này nhằm giải thích rõ chuyện bác sĩ hành nghề tại Mỹ có được nhận tiền hoa hồng trong khai toa khám bệnh, nhất là các loại thuốc đặc trị và mắc tiền hay không.
Câu trả lời là KHÔNG.
Có nhiều lý do vì sao bác sĩ tại Mỹ không nhận tiền hoa hồng trong kê toa và khám bệnh, nhất là các thuốc đặc trị (như ung thư).
Ảnh minh họa, nguồn: NLĐ
Sức mạnh của thu nhập và luật pháp
Thứ nhất, về mặt chủ quan, lương của các bác sĩ Mỹ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung nên họ không cần phải nhận tiền hoa hồng để kê toa. Một bác sĩ gia đình lương trung bình 200.000 USD/năm; bác sĩ chuyên khoa 300.000 USD/năm hoặc hơn.
Và mặc dù có nhiều loại thuốc đặc trị rất mắc tiền nhưng các bác sĩ Mỹ không cần thiết phải kê những loại này nếu không cần thiết. Ví dụ như thuốc Humira (trị các bệnh tự miễn) một năm khoảng 48.000 USD hoặc thuốc Harvoni (trị viêm gan siêu vi C) 87.000 USD.
Thứ hai, luật pháp Mỹ CẤM bác sĩ ăn tiền hoa hồng kê toa. Các hội đoàn Y khoa, bao gồm Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) cũng cấm bác sĩ nhận tiền hoa hồng trong kê toa (1).
Thậm chí, AMA còn làm mạnh tay hơn là cấm hẳn các công ty dược tặng quà quảng cáo (dù là giá trị rất nhỏ như bút, tách cafe, giấy viết văn phòng...v..v) cho bác sĩ.
AMA cũng quy định rất trong bộ luật Y đức (AMA Code of Medical Ethichs) bác sĩ được và không được làm gì. Vì luật pháp mạnh tay nên các bác sĩ không dám chấp nhận rủi ro khiến có thể mất bằng hành nghề nếu vi phạm. Tuy nhiên, một số quà tặng (gifts) của công ty dược nếu có lợi cho bệnh nhân thì bác sĩ có thể nhận.
Có nhiều lý do vì sao bác sĩ tại Mỹ không nhận tiền hoa hồng trong kê toa và khám bệnh.
Thứ ba, giáo dục y đức là một phần bắt buộc trong trường Y khoa, chương trình nội trú, và kỳ thi hành nghề cho bác sĩ. Điều này được giáo dục thường xuyên để khắc sâu vào cảm xúc và lý trí của các thầy thuốc.
Ngay từ những năm đầu tiên trường y, các sinh viên y đã phải học y đức (medical ethic) song song với cách giao tiếp với bệnh nhân. Trong chương trình nội trú cũng đan xen giảng dạy các case y đức có liên quan đến công ty dược hoặc tiền hoa hồng.
Thứ tư, việc điều trị bệnh và việc buôn bán thuốc là hoàn toàn riêng rẽ. Tại Mỹ, buôn bán và phân phối thuốc tại bệnh viện là do các dược sĩ làm chủ. Trong một số trường hợp, dược sĩ có thể liên lạc với bác sĩ và gợi ý đổi sang thuốc khác nếu tiệm thuốc không có loại thuốc mà bác sĩ kê trong đơn, miễn là có lợi cho bệnh nhân.
Vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan như vậy nên bác sĩ tại Mỹ không nhận tiền hoa hồng để kê toa.
Vì sao kê toa thuốc từ bác sĩ có thể ảnh hưởng đến doanh thu của công ty dược?
Về mặt lý thuyết, bác sĩ có thể dùng nhiều loại thuốc cho một bệnh và có thể có kết quả tương dương. Vì vậy, chọn thuốc nào để kê toa có thể ảnh hướng ít nhiểu đền doanh số loại thuốc đó. Ví dụ như thuốc trị cao huyết áp, có rất nhiểu thuốc trong thị trường có thể có tác dụng như nhau.
Và có một thực tế nữa là trong kinh doanh thuốc, sẽ có một số thuốc có thể không sản xuất được nếu không đủ nhu cầu.Vì vậy, nhiệm vụ của các trình dược viên là làm sao có thể tác động đến bác sĩ để họ có thể kê toa loại A (nếu có cùng tác dụng với các loại B, chẳng hạn).
Hiệp hội AMA và các bác sĩ đều trị đều biết rõ điều này nên AMA và các tổ chức đã ra tay trước bằng các biện pháp nêu trên.
Tuy nhiên, bác sĩ tại Mỹ vẫn có thể nhận tiền từ công ty dược bằng các kênh hợp pháp
Tuy vậy, mặc dù AMA và nhiều tổ chức y khoa cấm, các công ty dược và các bác sĩ vẫn có cách để ủng hộ hoặc khuyến khích một loại thuốc thông qua các hình thức hợp pháp như giảng dạy hoặc nghiên cứu.
Giảng dạy vể thuốc (lunch lecture hoặc dinner lecture) là hình thức phổ biến khi các bác sĩ (thường là chuyên khoa) nói về một loại thuốc mới ra thông qua các bữa ăn tối hoặc ăn trưa miễn phí.
Các bác sĩ tham dự sẽ được cập nhật và học về một loại bệnh hoặc một sản phẩm trị liệu mới từ sản phẩm của công ty dược.
Dĩ nhiên, mục tiêu chính là mang lại lợi ích cho bệnh nhân (bác sĩ được học thêm) và mục tiêu phụ là quảng cáo thuốc.
Thường các bác sĩ giảng dạy kiểu này nhân khoảng 200 USD-1.000 USD cho mỗi buổi nói chuyện khoảng 2 giờ. Đây là số tiển vừa phải nếu tính ra tiền công của bác sĩ Mỹ khoảng 100 USD-300 USD/giờ.
Chính phủ Mỹ cũng có hẳn một trang web (https://openpaymentsdata.cms.gov/) đế mọi người có thể kiểm tra xem bác sĩ có nhận tiền từ các công ty dược hoặc các nguồn thu khác ngoài thu nhập từ nghề nghiệp chuyên môn hay không.
Việc này nhằm tăng tính minh bạch và hạn chế các bác sĩ nhận tiền từ các công ty dược hoặc tổ chức khác.
Mọi người chỉ việc nhập tên họ vị bác sĩ nào đó là có thể biết người này đã này đã nhận bao nhiêu tiền từ các công ty dược hoặc nhận quà từ các tổ chức khác. Ví dụ như nhập tên bác sĩ nổi tiếng của show truyền hình Mỹ Mehmet Oz (3) sẽ thấy ông đã nhận 1.173.000 USD từ các nhà đầu tư.
Một cách khác để bác sĩ nhận tiền từ các công ty dược là nghiên cứu và phát triển (R & D-Research and Development, tức Nghiên cứu và Phát triển). Thường các căn bệnh phức tạp đòi hỏi các nghiên cứu lâm sàng để thử nghiệm.
Trong các nghiên cứu đó cần các bác sĩ đóng một vai trò như một nghiên cứu viên và họ sẽ được nhận thù lao hợp pháp. Bằng cách ngày, các bác sĩ có thể kiếm thêm từ 20.000 USD đến 100.000 USD một năm.
Tham khảo
1. http://journalofethics.ama-assn.org/2003/07/hlaw1-0307.html
2. http://journalofethics.ama-assn.org/2014/04/coet2-1404.html
3. https://openpaymentsdata.cms.gov/physician/1240536/summary