Mắc sán lá gan vì 1 thói quen ăn uống
Khi nhập viện vào Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh nhân Nguyễn Thị Hải (*), 54 tuổi tại Bắc Giang được chẩn đoán sán lá gan. Nhiễm ký sinh trùng đã gây ra những tổn thương trong gan và khiến bệnh nhân bị đau bụng.
"Ngày hôm đó tôi nấu cơm trưa xong thấy đau bụng dữ dội. Người nhà đưa tôi tới bệnh viện tại Bắc Giang khám, bác sĩ chỉ định chụp CT, thử máu, siêu âm… có nghi ngờ u ác ở gan. Cả nhà biết tin ai cũng khóc. Tuy nhiên, 2 ngày sau khi có hết các kết quả, bác sĩ nói tôi bị sán lá gan", bà Hải chia sẻ.
Vẫn cảm thấy lo lắng với kết quả bác sĩ thông báo nên bệnh nhân đã ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và được chẩn đoán sán lá gan. Bác sĩ giới thiệu bà tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.
Bệnh nhân cho biết bản thân rất bất ngờ khi nhận kết quả nhiễm ký sinh trùng vì bình thường trước khi ăn uống bà cũng phải dùng nước sôi để tráng bát.
Ở nhà, bà Hải có ăn rau sống nhưng chỉ dám ăn rau nhà trồng không ăn rau mua ngoài chợ. Cách đây một vài tháng bà Hải có ăn gỏi cá chép.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho hay, bệnh nhân Hải được chẩn đoán nhiễm cùng lúc 2 loại ký sinh trùng: sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ.
Vật chủ chính của bệnh sán lá gan nhỏ là người và một số động vật như: chó, mèo, hổ, báo, cáo, chồn, rái cá, chuột. Vật chủ trung gian truyền bệnh là các loài ốc Bythinia, Melania và cá nước ngọt...
Người nhiễm bệnh do ăn cá, ốc có chứa ấu trùng sán và chưa được nấu chín kỹ thì sau khi ăn, ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan phát triển thành ký sinh trùng và gây bệnh ở đường mật.
Đối với sán lá gan lớn vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò; người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.
Ngoài ra những người thường hay ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã cũng có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán.
Theo bác sĩ Phương, đối với trường hợp của bệnh nhân Hải, do đã từng ăn gỏi cá nước ngọt, rau sống nên đây có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhiễm cùng lúc 2 loại sán lá gan lớn và nhỏ.
Bệnh nhân Hải chia sẻ khi vào bệnh viện thăm khám và điều trị, biết được nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng, bà cũng rút ra được kinh nghiệm cho bản thân. Bà cho biết, khi điều trị xong về nhà bà sẽ khuyên mọi người cùng thực hiện ăn chín uống sôi.
Phòng bệnh sán lá gan
Người bệnh được chẩn đoán nhiễm sán lá gan cần được điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu theo chỉ định. Bên cạnh đó, người bệnh cần được bồi dưỡng nâng đỡ thể trạng.
Để phòng ngừa bệnh sán lá gan bác sĩ Phương lưu ý người dân cần:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn các loại cá, ốc chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, không ăn các loại rau sống mọc dưới nước.
- Thực hiện rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải ...
- Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau.
- Sử dụng nước sạch để ăn uống.
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Bệnh sán lá gan là một bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, bệnh có thể gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người bệnh phải đến cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.