Từ dơi móng ngựa, lạc đà một bướu đến sự 'bí ẩn' của nguồn lây COVID-19: Đại dịch nào mạnh nhất?

Lê Thị Ánh Kim - Hà Xuân Nam |

Trước đây, virus corona gây ra cảm lạnh thông thường ở người cũng xuất hiện giống như đại dịch COVID-19, tuy nhiên, chúng không có khả năng lây truyền nhanh chóng trên toàn cầu.

Trong khi cả thế giới đang nỗ lực chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hai đại dịch trước đó cũng do virus corona gây ra là SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp vùng Trung Đông).

Virus corona có đặc điểm di truyền là ARN, thường gây bệnh ở chim và các loài động vật có vú. Ở người, chúng có thể gây nhiễm trùng nhẹ ở đường hô hấp trên, với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh, nhưng nếu nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới thì mức độ bệnh lại nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, có thể tiến triển nặng hơn như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe Acute Respiraory Syndrome – SARS), hội chứng suy hô hấp vùng Trung Đông (Middle East respiratory syndrome - MERS), hay đại dịch COVID-19.

Vậy dịch SARS, MERS và COVID-19 giống và khác nhau như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tiến hành tìm hiểu và phân tích, đánh giá các vụ dịch trước đó cũng như các nghiên cứu liên quan.

Dịch SARS

Virus corona gây nên đại dịch SARS có tên là SARS-CoV. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xảy ra ở Tỉnh Giang Đông, Trung Quốc vào tháng 11/2002.

Nhiều nghiên cứu đã xác định được vật chủ của SARS-CoV là dơi móng ngựa. Bên cạnh đó, cầy hương và các động vật hoang dã ở các khu chợ bán thịt sống cũng góp phần lây truyền virus này từ động vật sang người.

Từ dơi móng ngựa, lạc đà một bướu đến sự bí ẩn của nguồn lây COVID-19: Đại dịch nào mạnh nhất? - Ảnh 2.

Đến 10/02/2003, theo báo cáo của WHO, đã có hơn 100 người chết. Ngay ngày hôm sau, Bộ Y tế Trung Quốc đưa ra báo cáo chính thức số người nhiễm là 300 và có 5 người chết.

Tiếp đó, vào 12/3/2003, WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu về dịch bệnh. Chỉ 3 ngày sau, WHO đặt tên cho dịch bệnh này là SARS và yêu cầu khẩn cấp khách du lịch trên toàn cầu tìm hiểu về các triệu chứng của chúng. WHO cũng nghi vấn về việc dịch bệnh đã lan ra khắp thế giới bằng con đường du lịch.

Cuối tháng 3, WHO khuyến cáo các sân bay ở các khu vực có người nhiễm SARS phải sàng lọc bắt buộc đối với khách du lịch. Đến tháng 4, WHO lại đưa ra cảnh báo yêu cầu mọi người tạm dừng di chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi SARS, bao gồm: Hồng Kông, Toronto, một vài tỉnh của Trung Quốc, và Đài Loan.

Một nghiên cứu xuất bản ngày 15/5/2003 trên Tạp chí Y học Anh quốc (The New England Journal of Medicine) xác định nguyên nhân của vụ dịch là một loại virus corona mới.

Mãi cho đến tháng 5/2003, WHO mới chính thức tuyên bố đã ngăn chặn được đại dịch SARS. Kể từ đó, chỉ có 4 trường hợp nhiễm SARS được phát hiện. Ba trong số họ bị nhiễm khi làm việc tại phòng thí nghiệm, trường hợp còn lại lây nhiễm từ động vật.

Mặc dù WHO lo ngại về khả năng SAR sẽ bùng phát trở lại nhưng từ đó đến nay chưa phát hiện thêm bất cứ trường hợp nào nữa.

Từ dơi móng ngựa, lạc đà một bướu đến sự bí ẩn của nguồn lây COVID-19: Đại dịch nào mạnh nhất? - Ảnh 3.

Ở Trung Quốc, canh dơi được xem là một món đặc sản. Ảnh từ năm 2017, phát hành trên internet.

Số liệu về SARS:

- Tên virus: SARS-CoV

- Tổng số ca bệnh: 8.439, nhân viên y tế chiếm 21%.

- Tổng số ca bệnh tại Mỹ: 73

- Tổng số ca bệnh tại Việt Nam: 63

- Tổng số người chết: 812

- Tỷ lệ tử vong: 9,6%

- Phương thức lây truyền: Qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc thở

- Thời gian ủ bệnh: 5 ngày

- Triệu chứng chính: Ho khan, sốt, tiêu chảy từ một đến hai tuần đầu sau khi nhiễm bệnh

- Đối tượng nguy cơ: Đang có các bệnh lý nền trong cơ thể

- Điều trị: Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu

- Vắc xin: Chưa có

Dịch MERS

Do virus MERS-CoV gây ra.

Ngày 20/9/2012, chương trình theo dõi các bệnh mới nổi ( Program for Monitoring Emerging Diseases ) đã báo cáo một chủng virus corona mới được phân lập từ mẫu đờm của một bệnh nhân nam người Ả Rập. Người này đã chết 3 tháng trước đó.

Trong tháng tiếp theo, số lượng các trường hợp nhiễm MERS tăng lên 9 người, 5 người trong số đó đã tử vong.

Trên toàn cầu, vào năm 2012 đã có 27 nước báo cáo có người nhiễm MERS, 80% các trường hợp đều xảy ra ở Ả Rập.

MERS-CoV là virus lây truyền từ động vật sang người. Theo WHO, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lạc đà một bướu là con đường lây nhiễm phổ biến nhất. Trong khi sự lây nhiễm giữa người với người hiếm khi xảy ra, trừ trường hợp trong cùng một gia đình hoặc một cơ sở y tế.

Virus MERS-CoV có đặc điểm di truyền tương tự với loài virus corona ở loài dơi Châu Âu.

Từ dơi móng ngựa, lạc đà một bướu đến sự bí ẩn của nguồn lây COVID-19: Đại dịch nào mạnh nhất? - Ảnh 5.

Lạc đà một bướu, vật chủ của virus MERS-CoV lây bệnh MERS sang người

Số liệu về MERS:

- Tên virus: MERS-CoV

- Tổng số ca nhiễm: 2519

- Tổng số ca ở Mỹ: 2

- Tổng số người chết: 866

- Tỷ lệ tử vong: 34.3%

- Phương thức lây truyền: Qua giọt bắn từ người sang người, từ lạc đà sang người (Không rõ ràng)

- Triệu chứng chính: Sốt, ho, khó thở

- Đối tượng nguy cơ: Nam trên 60 tuổi, đặc biệt đã có các bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp và suy thận

- Điều trị: Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu

- Vắc xin: Chưa có

Dịch COVID-19

Do virus SARS-CoV-2 gây ra, tương tự với virus SARS-CoV gây bệnh SARS.

Trường hợp đầu tiên được báo cáo ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Ngày 05/01/2020, WHO thông tin về dịch bệnh mới nổi chưa rõ nguyên nhân. Cuối tháng 1, WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Ngày 11/02/2020, WHO đặt tên cho dịch bệnh là COVID-19. Sau đó một tháng, WHO tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu.

Từ dơi móng ngựa, lạc đà một bướu đến sự bí ẩn của nguồn lây COVID-19: Đại dịch nào mạnh nhất? - Ảnh 7.

Virus SARS-CoV-2

Cho đến nay, các trường hợp COVID-19 đã được phát hiện ở mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực. Các chính phủ trên khắp thế giới đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao, trong khi các nhà nghiên cứu cũng nỗ lực tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả cũng như điều chế vắc-xin nhằm khống chế đại dịch này.

Số liệu về COVID-19: Tính đến ngày 14/4/2020 theo số liệu ĐH Johns Hopkins

- Tên virus: SARS-CoV-2

- Tổng số ca nhiễm: 2.019.230

- Tổng số người nhiễm ở Mỹ: 547.627

- Tổng số người chết: 119.483

- Tỷ lệ tử vong: 1,38% đến 3,4%

- Phương thức lây truyền: Qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện, bằng chứng về các con đường lây nhiễm khác còn hạn chế

- Thời gian ủ bệnh trung bình: 5 ngày

- Triệu chứng chính: Sốt, ho khan, khó thở

- Đối tượng nguy cơ: Người già trên 65 tuổi, hoặc những người đang mắc các bệnh lý nền.

- Điều trị: Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, một số loại thuốc tiềm năng đang được thử nghiệm

- Vắc xin: Chưa có, các vắc xin mới đang trong quá trình thử nghiệm

Từ dơi móng ngựa, lạc đà một bướu đến sự bí ẩn của nguồn lây COVID-19: Đại dịch nào mạnh nhất? - Ảnh 8.

Giọt bắn mang virus được hình thành qua ho, hắt xì hơi (nguồn: capradio.org)

Virus Corona: Trước kia và bây giờ?

Từ đầu thế kỷ 21, mỗi chủng loại virus corona đã cho thấy những đặc điểm riêng biệt giúp nó gây ra các dịch bệnh đường hô hấp khác nhau.

SARS và MERS có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với COVID-19, tuy nhiên, COVID-19 dễ lây nhiễm hơn nên có số mắc bệnh lớn hơn. Tổng số ca tử vong do COVID-19 cũng vượt xa so với SARS hoặc MERS.

Trong hơn một thập kỷ qua, chưa phát hiện thêm bất cứ trường hợp SARS nào nhưng vẫn có một số báo cáo lẻ tẻ các trường hợp nhiễm MERS.

Một yếu tố có thể góp phần vào mức độ ảnh hưởng của các dịch bệnh cho virus corona gây ra là xu hướng toàn cầu hóa.

Giáo sư David Heymann, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là cố vấn của WHO, nhận định rằng: "Trước đây, virus corona gây ra cảm lạnh thông thường ở người cũng xuất hiện giống như đại dịch COVID-19, tuy nhiên, chúng không có khả năng lây truyền nhanh chóng trên toàn cầu. Chúng chỉ có khả năng lưu hành tại địa phương, dần dần lan sang các nước láng giềng và lan ra khắp thế giới."

* Theo medicalnewstoday

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại