Chủng ngừa là bảo vệ cho mình và cho cả cộng đồng
Vaccine là những thuốc để tăng cường hệ miễn dịch chống các bệnh nhiễm trùng (virus, vi khuẩn…). Vaccine được chế từ một thành phần của virus/vi khuẩn, hay là virus/vi khuẩn đã được làm biến tính không còn khả năng gây bệnh.
Mỗi vaccine đều phải được qua quá trình nghiên cứu, thẩm định nghiêm ngặt trước khi đem ra sử dụng đại trà. Vaccine được đưa vào cơ thể thông qua động tác gọi là chủng ngừa hay tiêm chủng.
Vaccine là thứ vũ khí cực kỳ quan trọng để chống dịch bệnh. Từ khi nhân loại phát minh ra nguyên lý vaccine, các dịch bệnh giết người hàng loạt như đậu mùa, dịch hạch, thương hàn…, làm con người tàn tật như bại liệt, quai bị… lần lượt bị đẩy lui hoặc triệt tiêu.
Đối với những virus/vi khuẩn gây ra nhiễm bệnh hàng loạt (bệnh dịch), vaccine tạo ra miễn nhiễm cộng đồng, nghĩa là khi đa số các cá nhân trong cộng đồng được miễn nhiễm thì mầm bệnh bị chặn đường lan tỏa. Nói cách khác, khi bạn đi tiêm chủng thì bạn không những bảo vệ cho chính mình, mà còn bảo vệ những người xung quanh.
Lên bàn cân phân tích
Bất cứ can thiệp y học nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định. Đối diện với bệnh tật bạn có thể chọn uống thuốc hay không uống thuốc. Không uống thuốc thì nhiều khả năng bệnh nặng hơn là khả năng tự khỏi.
Uống thuốc thì khả năng khỏi nhiều hơn, nhưng có kèm rủi ro vì thuốc không phải là thực phẩm ăn hàng ngày. Vấn đề là đặt lên bàn cân phân tích, cân nhắc giữa lợi và hại mà hành động.
Vaccine cũng vậy, các biến chứng do chủng ngừa vẫn đôi khi xảy ra. Nhưng khi cân nhắc giữa lợi và hại, thì lợi nhiều hơn. Đặc biệt có lợi nhiều hơn nếu đứng trên quan điểm cộng đồng thay vì chỉ nghĩ cho riêng mình.
Có một số người (antivaxxers) chống đối quyết liệt vaccine và các chương trình chủng ngừa. Phần đông họ do lý do tôn giáo, nhưng cũng có một số trí thức viện cớ các khả năng rủi ro khi chủng ngừa mà phản đối vaccine.
Bệnh nhà nghèo và bệnh nhà giàu
Trong công nghiệp dược, nghiên cứu chế tạo và sản xuất vaccine mang lại lãi suất đầu tư THẤP HƠN NHIỀU so với các lĩnh vực khác. Dịch bệnh truyền nhiễm thường xảy ra nhiều hơn ở xứ nhiệt đới và các nước nghèo, nơi người dân và các chính phủ ít có khả năng chi trả hơn là ở các nước giàu.
Để có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng, chi phí chủng ngừa phải thấp và thường cần có tài trợ một phần từ các chính phủ.
Ví dụ mỗi mũi chủng ngừa BCG (phòng lao) tại Anh Quốc người ta phải trả khoảng 30 bảng, tương đương hơn 882K (ngàn đồng), trong khi ở Việt Nam, người dân chỉ phải trả khoảng 100K (khác nhau tùy theo địa phương, theo Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia).
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Một mũi BCG tác dụng hàng chục năm bảo vệ đặc hiệu với bệnh lao và không đặc hiệu với nhiều bệnh hô hấp khác, kể cả Covid-19, mà giá chỉ là khoảng 800K ở nước giàu hay 100K ở nước nghèo.
Ở Anh Quốc chương trình chủng ngừa BCG đại trà chấm dứt từ 2005 do bệnh lao được coi là đã bị đẩy lui, bây giờ người ta chỉ chủng ngừa BCG cho các trẻ em nào có người trong gia đình bị bệnh lao. Nhưng các nước nghèo như Việt Nam ta thì bệnh lao còn phổ biến nên BCG vẫn được đưa vào chương trình chủng ngừa mở rộng.
Đã có thông tin cho biết BCG có tác dụng tăng miễn dịch không đặc hiệu với Covid-19 và đây có thể là một trong những nguyên nhân Covid-19 gây tỷ lệ tử vong ở các nước giàu cao hơn so với các nước nghèo.
Bệnh tim mạch bị coi là ‘’bệnh nhà giàu’’, vì có tỷ lệ bệnh tăng lên cùng với thu nhập quốc dân. Lấy ví dụ một người bệnh huyết áp, mỗi ngày thường phải uống một viên thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu không muốn bệnh tiến triển mạnh hơn.
Một thuốc kháng thụ thể angiotensin II thường dùng hiện nay tại Australia như Olmersartan có giá 15 đô một hộp 30 viên, nghĩa là mỗi ngày bệnh nhân phải chi ra 50 cents, tương đương 7,5K đồng Việt Nam.
Mỗi năm 365 ngày chi phí là 2,7 triệu, nếu sống thêm 20 năm nữa thì tổng số tiền mua thuốc (giả sử bệnh không nặng hơn, không phải đổi thuốc hay tăng liều) thì tiền mua thuốc là tương đương 54,75 triệu đồng.
Ấy là tính với Australia là một nước giàu. Tại Việt Nam, thuốc tương đương Micardis (Telmisartan) nhập từ Boehringer (Đức) được bán với giá khoảng 10k đồng/viên, hơi đắt hơn so với Olmesartan ở Australia một chút. Có nghĩa là với bệnh ‘’nhà giàu’’, thì phí tổn cho bệnh nhân ở nước nghèo chưa chắc đã thấp hơn ở nước giàu.
Các con số so sánh nói trên chỉ là ví dụ ước lệ. Tôi không có các con số cho biết chi phí nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm một vaccine mới hay một thuốc tim mạch mới là bao nhiêu và xin đề nghị các nhà chuyên môn hóa dược góp ý. Giả sử chúng là tương đương, thì đầu tư vào một thuốc tim mạch mới có thể mang lại lãi suất hàng chục lần cao hơn đầu tư vào một vaccine mới.
Có nhiều lý do vì sao dịch bệnh sốt sét và nhiều bệnh nhiễm trùng khác cứ dai dẳng mãi không dứt được ở các nước nghèo, nhưng ở đây có phần nguyên nhân do đầu tư ngành dược quá chênh lệch giữa lĩnh vực vaccine và lĩnh vực các bệnh ‘’nhà giàu’’ như tim mạch, béo phì, tiểu đường…
Làm sao mà thay đổi được? Chẳng lẽ thế giới có quyền bắt buộc các nhà tư bản phải đem tiền của họ đầu tư vào lĩnh vực ít lợi nhuận hơn để giúp đỡ các nước nghèo?
Người giàu hay người nghèo đều có nước mắt
Có nhiều nhà tư bản, trong đó có vợ chồng Bill và Melinda Gates, đã có suy nghĩ và hành động ngược lại. Họ đem phần lớn tài sản của mình cống hiến lại nhân loại. Và khi đã cống hiến cho nhân loại thì phải xem sao cho có ích nhất cho nhân loại.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Đó là lý do vì sao Quỹ Bill & Melinda Gates chú trọng vào phát triển cộng đồng, và riêng trong lĩnh vực y tế thì họ ưu tiên cho các bệnh nhà nghèo như sốt rét, sốt xuất huyết, lao phổi, sởi… Và đương nhiên, vaccine là lĩnh vực được ưu tiên.
Thế nhưng có một số kẻ xấu không muốn như vậy. Chúng tìm cách tấn công vào vaccine, và tấn công cả những người như Bill và Melinda.
Nhiều tin đồn nhảm đến mức phi lý được liên tục tung ra ám hại Bill Gates. Hãng thông tấn Reuter đưa bài nói rằng tin nhảm phát ra ngày 19/3/2020 về ‘’phát minh’’ của Bill Gates dùng con chip cấy dưới da để theo dõi định vị người nhiễm coronavirus đã được chia sẻ ít nhất 1.000 lần trên Facebook và 3.600 lần trên Twiter (1).
Gần đây hơn, ngày 27/3/2020 một tin nhảm khác nói rằng bác sỹ người Pháp Didier Raoult đã cảnh báo trên Facebook rằng "châu Phi có thể bị tiêu diệt bởi một vaccine do Bill Gates chế tạo!’’.
Bốn ngày sau đó, AFP đã đăng tin vạch trần sự lừa dối, còn bản thân công ty chủ của BS Raoult cũng thay mặt ông ta cải chính rằng BS Raoult không phải là người tung ra tin giả đó. Mặc dù tin giả được phát hiện và loại bỏ chỉ trong vài ngày, nó đã được chia sẻ đến 47.000 lần!
Tai hại hơn, tin giả đã kịp lọt vào một trang chuyên đăng tin giật gân, rồi tin này lại được cựu hạ nghị sỹ Mỹ Cynthia McKinney Tweet lại.
Rất đáng buồn, các tin giả như trên nhằm vào các nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19, như một con virus đồng lõa với virus SARS-CoV-2, đã lọt vào Việt Nam, đã được chuyển qua tiếng Việt và phát tán trên Facebook của một vài người trong danh sách bạn bè của tôi.
Hay cả tin, dễ dàng chia sẻ các tin giả là đặc tính của nhiều người, không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng khi mức dân trí càng thấp thì người ta càng ít tư duy phân tích và suy nghĩ độc lập, càng dễ nhấn nút share các tin giật gân mà coi đó là vô hại.
Vì sức khỏe của cộng đồng, mỗi cư dân mạng chúng ta hãy tự tạo cho mình sức đề kháng với các tin giả. Hãy suy nghĩ một lúc trước mỗi lần nhấn nút share, đặc biệt là khi tin ấy có liên quan đến sức khỏe.