Triệu chứng rất thường gặp nhưng là dấu hiệu sớm 1 loại ung thư: Biết sớm để kịp cứu!

Hiền Nguyễn |

Ung thư bàng quang dễ phát hiện với triệu chứng đi tiểu nhiều, tiểu ra máu, đau lưng. Nếu thấy triệu chứng này hãy đi khám để được chẩn đoán kịp thời.

Đi tiểu nhiều: Dấu hiệu cảnh báo ung thư bàng quang

Cách đây 3 tháng, anh Trần Văn Đường, 43 tuổi, trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội đã trải qua cơn phẫu thuật u bằng quang. Hiện anh vẫn đang thực hiện phương pháp điều trị ung thư bàng quang bằng hoá chất truyền và xục bằng quang.

Anh Đường kể cách đây 4 tháng, anh luôn có cảm giác đi tiểu nhiều hơn bình thường. Mỗi lần đi được rất ít không như trước nhưng chỉ được 45 phút đến 1 tiếng là anh lại chạy vào nhà vệ sinh.

Tình trạng này kéo dài hơn 1 tháng. Nhưng do ngại đến bệnh viện kiểm tra nên anh Đường cứ âm thầm chịu đựng.

Chỉ đến khi đi tiểu phát hiện có tia máu tươi chảy ra cùng với nước tiểu, anh giật mình lo lắng và đến bệnh viện ngay lập tức.

Triệu chứng rất thường gặp nhưng là dấu hiệu sớm 1 loại ung thư: Biết sớm để kịp cứu! - Ảnh 1.

Anh Đường vẫn không chịu đi khám dù tình trạng đi tiểu nhiều diễn ra hơn 1 tháng.

Bác sĩ siêu âm phát hiện có u ở bàng quang, với kích thước lên tới 3 cm và khuyên anh làm phẫu thuật để cắt bỏ u.

5 ngày sau có kết quả sinh thiết tế bào học, anh Đường được bác sĩ gọi riêng vào phòng nói về bệnh của anh cũng như biện pháp điều trị. Cuộc sống đang hừng hực khí thế, tưởng u lành nên anh Đường chẳng mảy may suy nghĩ.

Chỉ đến khi nhận "án" ung thư, anh như người rơi lạc vào không trung. Cảm giác bơ vơ, lạc lõng và hụt hẫng. Vợ anh thì khóc không tin vào điều đó.

Hai đêm liền, hai vợ chồng anh thức trắng cùng nhau suy nghĩ nguyên nhân dẫn đến ung thư. Anh khóc,vợ anh khóc. Tình cảm vợ chồng mặn nồng 10 năm qua chẳng lẽ giờ đây như "cá nằm trên thớt".

Triệu chứng rất thường gặp nhưng là dấu hiệu sớm 1 loại ung thư: Biết sớm để kịp cứu! - Ảnh 2.

Ung thư bàng quang.

Cũng rơi vào hoàn cảnh ung thư bàng quang như anh Đường, anh Vũ Văn Long, 35 tuổi trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng nhăn nhó vì vừa trải qua đợt xục hoá chất tiếp theo.

Anh Long cho biết anh phát hiện ung thư bàng quang cách đây 1 tháng, cũng với các triệu chứng đi tiểu nhiều lần và xuất hiện có máu kèm theo nước tiểu.

Ban đầu, anh còn ngại nghĩ viêm tiết niệu nặng nên mua ít kháng sinh về uống. Triệu chứng cũng hết nhưng khoảng 2 tuần sau lại tái phát. Lúc này đi kiểm tra thì khối u đã to và phải phẫu thuật gấp.

Chuyên gia khuyến cáo các tác nhân gây ung thư bàng quang

Triệu chứng rất thường gặp nhưng là dấu hiệu sớm 1 loại ung thư: Biết sớm để kịp cứu! - Ảnh 3.

Tiến sĩ Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt.

TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết ung thư bàng quang là một loại ung thư bắt đầu trong bàng quang, một cơ quan hình cầu ở vùng xương chậu và chứa nước tiểu.

Ung thư bàng quang bắt đầu thường xuyên nhất là các tế bào lót mặt trong của bàng quang. Ung thư bàng quang dễ phát hiện với triệu chứng đi tiểu nhiều, tiểu ra máu, đau lưng.

Đa số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn đầu nên tỷ lệ điều trị thành công cao. Tuy nhiên, bệnh lại rất dễ tái phát nên người bệnh thường phải sống chung với nó.

Theo tiến sĩ Chân, đàn ông có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn phụ nữ. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi.

Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hiếm khi được tìm thấy ở những người trẻ hơn tuổi 40.

Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư bàng quang chưa tìm ra được nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.

Nhưng TS Chân khuyến cáo hút thuốc lá, xì gà có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư này vì các hóa chất độc hại có thể tích tụ trong nước tiểu. Những hóa chất độc hại có thể gây hại niêm mạc của bàng quang, có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Triệu chứng rất thường gặp nhưng là dấu hiệu sớm 1 loại ung thư: Biết sớm để kịp cứu! - Ảnh 4.

Hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra ung thư bàng quang.

Tiếp xúc với hoá chất cũng là tác nhân gây bệnh bởi bình thường trong cơ thể mỗi người, thận đóng một vai trò quan trọng trong lọc hóa chất độc hại từ máu và di chuyển chúng vào bàng quang.

Do đó, một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Hóa chất liên quan đến nguy cơ mắc ung thư bàng quang bao gồm arsen, hóa chất dùng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn.

Với những bệnh nhân ung thư bàng quang, tiến sĩ Chân cho rằng cách tốt nhất là sống chung với nó và người bệnh phải biết chăm sóc sức khoẻ cho mình để có sức đề kháng chống lại nguy cơ tái phát của bệnh.

Chăm sóc bản thân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần. Ngủ đủ để đánh thức cảm giác nghỉ ngơi là cách tốt nhất để bệnh ung thư ít tái phát hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại