Căn bệnh chỉ uống và đi tiểu
Suốt ba năm qua, anh Bùi Văn Hà trú tại Hoàng Mai, Hà Nội sống trong lo âu bởi căn bệnh khó có thể giãi bày của mình.
Anh Hà kể anh đang khoẻ mạnh bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng đi tiểu nhiều lần, những ngày đầu cứ nửa tiếng anh lại phải vào nhà vệ sinh một lần rồi về đêm tần suất càng dày hơn.
Anh lo lắng đi khám bệnh ở tất cả các bệnh viện lớn nhưng mỗi nơi chẩn đoán một bệnh khác nhau, nơi thì bảo viêm bàng quang, viêm tiết niệu, nơi thì nói không viêm. Bao nhiêu thuốc anh uống cũng không khỏi.
Anh Hà chuyển sang điều trị lao bàng quang gần cả năm trời vì thuốc trị lao phải lâu dài, kết qủa chỉ là những đêm không ngủ chờ đi vệ sinh.
Chán nản, anh cáu bẳn, không muốn đi làm. Chỉ triệu chứng muốn đi vệ sinh đã ngốn của anh hàng tá thời gian và tâm lý không lúc nào được chuẩn xác. Có lúc, anh nghĩ tiêu cực sống không bằng chết. Mắc bệnh nào cũng khổ bệnh đó.
Đang độ tuổi 30 sung sức nhất thì phần lớn thời gian anh dành cho việc đi tiểu. Mất ngủ, cơ thể anh gầy sụp. Anh chuyển sang uống thuốc đông y rồi lại đi chữa trầm cảm với hi vọng có thể do stress dẫn đến đi tiểu nhiều.
Nhưng cứ hi vọng lên rồi lại tắt xuống tất cả bài thuốc đều trở thành vô nghĩa với anh.
Anh đã nghĩ sẽ ra nước ngoài khám xem nó là bệnh gì. Giữa lúc đứng chấp chới ở biển thông tin bệnh tật, anh như người chết đuối vớ phao ai mách gì anh cũng chữa.
Dù kết quả tại Bệnh viện là âm tính với lao bàng quang nhưng anh vẫn tin bởi không biết bệnh gì, thuốc vào người cả tá. Anh Hà trở nên bế tắc.
Hay như trường hợp của chị Trần Thị Nhài trú tại Gia Viễn, Ninh Bình cũng tương tự. Gần 2 năm nay, chị mắc bệnh đi tiểu rắt như các cụ vẫn nói nhưng thực chất đó là bệnh.
Cứ nửa tiếng chị lại vội đi nhà vệ sinh một lần, tương đương với số lần đi vệ sinh chị cũng luôn trong trạng thái khát nước nhưng đi kiểm tra trong nước tiểu không có đường, không có đạm.
Vì chứng bệnh "nghiện nhà vệ sinh" chị không dám đi xa vì mót tiểu không đi được sẽ rất khó chịu, có thể đi cả ra quần không kiểm soát được. Nỗi khổ không biết tả cùng ai, có lúc chị rơi vào trầm cảm vì bệnh này.
Bệnh ít được chú ý
Theo lương y Vũ Quốc Trung phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Chùa Cảm Ứng Hà Nội, bệnh lý trên là đái tháo nhạt. Bệnh này không được người ta chú ý.
Theo nghĩa đen đái tháo nhạt là bài tiết ra nước tiểu không có vị gì cả, y học dùng thuật ngữ này để chỉ 1 bệnh có đặc điểm là uống nhiều và đái nhiều.
Bệnh khác với đái tháo đường ở chỗ không có tăng đường huyết, và không có đường trong nước tiểu.
Đái tháo nhạt có thể do tuyến yên bị khối u, do hậu quả của chấn thương sọ não, di căn, thâm nhiễm, nhưng không ít trường hợp đái tháo nhạt không có nguyên nhân được xếp vào nhóm đái tháo nhạt vô căn.
Bệnh nhân thường đái từ 4 đến 20 lít nước tiểu một ngày, bệnh nhân rất khát.
Đái cả ngày, cả đêm làm bệnh nhân mất ngủ, nước tiểu nhạt màu, không có đường, không có protein, tỷ trọng rất thấp, uống ít chỉ làm cho bệnh nhân khó chịu, không giảm đái, tỷ trọng nước tiểu không tăng.
Do đái nhiều nên bệnh nhân rất khát và uống nước rất nhiều. Do khát quá nên có khi uống bất kỳ chất lỏng nào có cạnh người, lượng uống vào tương đương với lượng đái ra.
Theo y học cổ truyền, chứng đái tháo nhạt có liên quan đến phế, tì, vị và thận mà có thể hiểu cơ chế sinh bệnh.
Phế chủ khí, thông điều thuỷ đạo, trường hợp phế âm không đủ, phế cơ mất chức năng thăng giáng, thuỷ dịch trong cơ thể không được phân bổ đều khắp cơ thể mà xuống trực tiếp bàng quang dẫn đến tiểu nhiều lần và lượng nhiều.
Tì chủ, vận hoá, tì khí kém chức năng vận hoá, thuỷ dịch suy giảm, nước không giữ được trong cơ thể mà thoát xuống bàng quang ra ngoài.
Mặt khác tì khí kém cũng dẫn đến phế khí suy mà không điều được thuỷ đạo. Thận chủ thuỷ, thận khí suy thì chức năng khí hoá rối loạn, bàng quang không được chế ước nên tiểu nhiều.
Sách Cảnh nhạc toàn thư có ghi: "Dương không hoá khí thì thân dịch không phân bổ trong cơ thể, thuỷ không có hoả thì chỉ có giáng mà không thăng nên chảy trực tiếp vào bàng quang".
Nguyên tác chung điều trị bệnh đái tháo nhạt, theo lương y Trung là âm hư nhưng trường hợp mắc bệnh lâu ngày có thể dẫn đến dương hư.
Trên lâm sàng, lương y Trung cho biết tuỳ từng trường hợp sẽ bốc các bài thuốc khác nhau cho người bệnh sử dụng dựa trên thể phế vị âm hư, thận âm hư, thận dương hư…