Người làm chủ thế trận ở Syria
Đầu tuần này, quân đội Syria đã bao vây thành phố phía tây nam Daraa, một trong những nơi đầu tiên bắt đầu cuộc nổi dậy năm 2011 chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Đó là một thành công quân sự đáng kể đối với chính quyền Damascus trong vài tuần gần đây khi chiếm lại lãnh thổ mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng này.
Trong nhiều tháng qua, vùng lãnh thổ tây nam được đặt trong thỏa thuận "ngừng leo thang" giữa Nga, Jordan và Mỹ. Nhưng cuộc chiến nơi đây đang bùng nổ trở lại và Nga một lần nữa vẫn là người dẫn đầu, theo Washington Post.
Chính quyền Damascus bắt đầu tấn công ở tỉnh Daraa bắt đầu vào tháng trước với một đợt oanh tạc cả trên không lẫn mặt đất. Các chiến binh đối lập đã phải bàn giao lại vũ khí hạng nặng cho phía Nga và Syria, đồng thời kết thúc một cuộc khủng hoảng tị nạn mà Jordan lo sợ.
Từ quan điểm của Moscow, mọi thứ đang diễn ra đúng theo kế hoạch. Sự can thiệp của Nga tại Syria vào tháng 9/2015 đã làm đảo ngược cuộc chiến nơi đây. Được hỗ trợ bởi không quân Nga, chính quyền Syria đã có thể lật đổ các thành trì nổi dậy và khẳng định quyền kiểm soát đối với tất cả các thành phố lớn của đất nước.
Lập trường phản ứng gay gắt của liên minh phương Tây với chính quyền Assad cũng phai nhạt, với một sự chấp nhận miễn cưỡng rằng Nga thực sự đang làm chủ tình hình ở quốc gia Trung Đông.
Các nhà phê bình Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama, từng cảnh báo về một sự sa lầy của Nga, nhưng rốt cuộc điều đó không làm cho sứ mệnh cản bước Mỹ ở Syria của Moscow trở nên sai lệch.
Với việc Tổng thống Trump muốn rút khỏi đống lộn xộn ở Syria, người Nga có thể mong chờ về một ngày chính họ có thể rút khỏi quốc gia này với một chiến thắng khải hoàn.
Những quan điểm chỉ trích sự can thiệp của Nga từng tố cáo rằng Moscow đã kích hoạt một chiến dịch bạo lực chống lại các khu vực nổi loạn, bao gồm cả việc cho phép chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào từ phương Tây có thể chứng minh được những lời tố cáo của mình.
Qadri Jamil, nguyên Phó Thủ tướng của Chính phủ Assad từng lên tiếng: "Báo chí phương Tây đưa ra những cáo buộc mà không có bất kỳ bằng chứng nào - đó là những cáo buộc chính trị và không hề khách quan".
Nói với tờ WorldView Today, ông lập luận rằng quyết định của Moscow trong việc tiến vào Syria đang giúp chấm dứt một cuộc chiến tàn khốc. "Tôi nghĩ rằng nếu không có các hoạt động của quân đội Nga, số lượng thương vong sẽ cao hơn nhiều", Jamil khẳng định.
"Số nạn nhân hiện nay là khoảng hàng trăm ngàn người, nhưng nếu không có Nga số lượng có thể lên tới hàng triệu".
Nga tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tây nam Syria.
Chiến thắng của Nga ở Trung Đông
Các nhà bình luận khác lại nhìn thấy quyết định của Moscow trong việc tìm tới Syria như một sự chứng minh tầm nhìn chiến lược.
"Người Nga hiện đang chứng minh các kỹ năng chính trị của mình đang mang đến thành công như thế nào trên chiến trường", Kamal Alam, một thành Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (RUIS), có trụ ở tại London cho biết . "Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một sự can thiệp quân sự của nước ngoài đã giành chiến thắng ở Trung Đông."
Câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Syria vẫn còn mơ hồ trong cuộc họp giữa Tổng thống Putin với Tổng thống Trump vào tuần tới ở Helsinki.
Các quan chức chính quyền Trump từ lâu đã tìm cách chia rẽ hai quốc gia ủng hộ chính quyền Assad là Nga và Iran. Trong đó, sự hiện diện của Iran ở Syria bị cả Washington và Israel phản đối.
Nhưng trong khi có rất nhiều yếu tố đang ngày càng ngăn cản Moscow và Tehran tiếp tục sát cánh gần nhau, sự tan rã của liên minh hai nước không phải là điều nằm trong kế hoạch của người Nga .
"Người Nga không thể chấp nhận để người Iran rút khỏi Syria", Maxim Suchkov, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông giải thích .
Ông nói thêm rằng Nga có thể không muốn mạo hiểm trong quan hệ với Iran trên nhiều lĩnh vực khác. "Mối quan hệ của họ không chỉ về Syria," Suchkov nói với WorldView Today.
"Iran là một đối tác quan trọng với Nga ở Afghanistan, Trung Á và Caspian, và họ có tầm nhìn tương tự ở Trung Đông về chiến đấu chống lại phong trào Salafi", Suchko nói, đề cập đến nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni gia nhập IS và các nhóm phiến quân khác.
Tuy nhiên, trong những động thái gần đây, người ta đang được chứng kiến những dấu hiệu của các biện pháp ngoại giao hiệu quả. Cuộc tấn công vào Daraa được bắt đầu bởi một thỏa thuận rõ ràng giữa Nga và Israel đã làm dịu đi nỗi lo ngại của Tel Aviv về việc các lực lượng liên kết Iran xuất hiện dọc theo biên giới nước này.
Phương Tây sau đó đã chấp nhận cuộc tiến công của quân đội chính phủ ở phía tây nam Syria, bỏ mặt phiến quân mà họ từng hỗ trợ. Cảnh sát quân sự Nga cũng được thiết lập để tuần tra miền Nam Syria trong một nỗ lực để đảm bảo rằng quá trình hòa giải với phiến quân nơi đây sẽ diễn ra ổn thỏa.
Bình luận về diễn biến hiện tại, chuyên gia khu vực Trung Đông Michael Sharnoff cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói về sự bình ổn ở khu vực tây nam vào lúc này, nhưng nhấn mạnh rằng "giới lãnh đạo của Syria sẽ làm những gì phù hợp với ý chí của mình chứ không phải những gì mà người Mỹ hay người Nga đòi hỏi".
Và cuối cùng, lập luận của chuyên gia Suchkov đánh giá, Tổng thống Putin có khả năng "tạo ra hình ảnh" của một quyền lực thành công ở Trung Đông, đặc biệt trái ngược với hình ảnh của Mỹ hiện tại.
"Đối với Mỹ, vấn đề ở Syria hiện tại chỉ là Iran", ông nói. "Còn đối với Nga, vấn đề Syria hiện tại chỉ là Mỹ".