Tờ Izvestia dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga cho biết chiếc tàu đầu tiên sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay (hiện đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Rybinsk). Chiếc thứ hai được lên kế hoạch chuyển giao vào năm 2019.
Thời gian chuyển giao có thể thay đổi phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của hệ thống phòng không (Pantsir-M). Một chiếc sẽ được biên chế cho Hạm đội Biển Đen, chiếc còn lại cho Hạm đội Biển Caspian.
Hai chiếc tàu này vốn được đóng để xuất khẩu vào đầu những năm 1990, hợp đồng sau đó đã bị đổ vỡ và chúng phải nằm lại tại nhà máy. Hiện tại, 2 con tàu đang được hoàn thiện và hiện đại hóa.
Một trong 2 tàu tên lửa lớp Molniya đang được hoàn thiện cho Hải quân Nga ở nhà máy đóng tàu Rybinsk.
Điểm đáng chú ý nhất ở 2 tàu lớp Molniya này nằm ở hệ thống phòng không tối tân nhất. Nếu như trước đây các tàu thuộc đề án 1241 được trang bị pháo bắn nhanh (AK-630) và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) thì bây giờ chúng sẽ được bảo vệ hoàn chỉnh hơn.
Hệ thống Pantsir-M (phiên bản trang bị trên tàu của tổ hợp pháo/ tên lửa phòng không Pantsir-S1) sẽ được lắp đặt. Và hiện tại, các cuộc thử nghiệm đối với hệ thống Pantsir-M đang ở trong những giai đoạn cuối cùng.
Vũ khí chính của tàu cũng được thay đổi. Thay vì các tên lửa Moskit lỗi thời, các tàu lớp Molniya nâng cấp sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa Uran với 8 tên lửa Kh-35U2 có tầm bắn lên đến 260km (gấp đôi so với tên lửa Kh-35 và Kh-35E).
Mặc dù có khối lượng và kích thước tương đối nhỏ nhưng các tên lửa này lại có đầu đạn với sức công phá lớn và hệ thống đầu tự dẫn. Kh-35U có thể chống nhiễu tốt, tấn công được mục tiêu theo nhóm và vượt qua hệ thống phòng không của đối phương ở độ cao thấp.
Nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả các hệ thống vũ khí hiện đại, các tàu Molniya nâng cấp sẽ được trang bị radar mới nhất, cũng như radar mảng pha chủ động.
Chuyên gia hải quân Dmitry Boltenkov nhận định, tàu tên lửa Molniya nâng cấp sẽ là tàu chiến đấu mạnh mẽ, có khả năng thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau.
"Hiệu quả của các tàu tên lửa Molniya đã được chứng minh bằng việc nó được xuất khẩu cũng như chế tạo tại nhiều quốc gia khác. Vì vậy, công tác hoàn thiện các tàu đang đóng dở là hoàn toàn hợp lý. Sau khi lắp đặt vũ khí mới, những tàu này sẽ thích hợp để bảo vệ vùng ven biển" ông Boltenkov nói.
Cũng theo chuyên gia này, điểm yếu trước đây của các tàu thuộc đề án 1241 nằm ở vũ khí phòng không.
"Pháo tự động có thể đánh chặn tên lửa nhưng với máy bay hoặc trực thăng thì nó không đủ tầm bắn. Bằng việc lắp đặt hệ thống Pantsir-M, vấn đề này đã được giải quyết" - ông Boltenkov nói.
Ông Dmitry Boltenkov cũng cho biết thêm rằng, các hệ thống điện tử hiện đại ngày nay đã gọn gàng hơn, điều đó có nghĩa các tàu đề án 1241.8 sẽ có nhiều khoảng không gian dành cho thủy thủ đoàn, bên cạnh việc được tăng cường khả năng chiến đấu.
Các tàu tên lửa lớp Molniya được đóng cho Hải quân Liên Xô và các nước đồng minh từ đầu những năm 1980. Chúng được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến mặt nước, tàu vận tải và đổ bộ của đối phương ở vùng nước ven bờ hoặc vùng biển xa. Hiện tại, Hải quân Nga đang vận hành khoảng 30 tàu lớp Molniya, phần lớn trong số đó ở Hạm đội Thái Bình Dương.
Tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-SM