Đánh cắp... mây: Israel bị "bắt quả tang" dùng vũ khí thời tiết tấn công Iran?

QS |

Tướng Gholamreza Jalali – Người đứng đầu Tổ chức QP Dân sự Iran – đã cáo buộc Tel Aviv can thiệp vào thời tiết tại Iran bằng cách "đánh cắp" các đám mây đang bay về hướng nước này.

"Israel, cùng với một quốc gia khác trong khu vực, đang tác động vào các đám mây tạo mưa bay về phía Iran, ‘vắt kiệt’ nước của chúng. Chúng ta đang phải đối mặt với kẻ trộm mưa và tuyết. Quốc gia này (tức Israel) không có quyền đánh cắp các đám mây" – ISNA dẫn lời ông Jalali cho hay.

Vị tướng này viện dẫn rằng trong 4 năm qua, tuyết đã phủ đầy tất cả các đỉnh núi trong khu vực, từ Afghanistan cho tới Địa Trung Hải, ngoại trừ Iran.

Trước tuyên bố trên của ông Jalali, hãng tin Sputnik Iran đã liên hệ với các chuyên gia Nga và Israel để tìm hiểu xem liệu cáo buộc từ phía Tehran có cơ sở hợp lý hay không.

Chuyên gia nói gì?

Ông Vladimir Semenov – Phó Giám đốc Viện Vật lý Khí quyển A.M. Obukhov, trực thuộc Học viện Khoa học Nga (RAS) đồng tình với giả thuyết cho rằng có thể thay đổi thời tiết cục bộ.

"Để phân tán các đám mây thông thường và mây dông, người ta có thể sử dụng máy bay trang bị súng phun hóa chất đặc biệt", ông Semenov nói, "Nước Nga đã áp dụng phương pháp này khi chuẩn bị cho lễ duyệt binh và màn trình diễn trên không của máy bay, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5 hoặc Ngày nước Nga 12/6".

Đánh cắp... mây: Israel bị bắt quả tang dùng vũ khí thời tiết tấn công Iran? - Ảnh 1.

Minh họa quá trình gieo mây. Ảnh: Wiki

Trước khi những đám mây tạo mưa xuất hiện trên một khu vực cụ thể, các chất đặc biệt thân thiện với môi trường sẽ được phân tán vào không khí để tăng mức độ ngưng tụ dưới dạng mưa hoặc tuyết.

Ông Semenov cho biết, các chất như đá khô, ni-tơ lỏng bay hơi và bạc iodide được sử dụng trong một quá trình gọi là "gieo mây". Quá trình này thường được tiến hành cách khu vực cần được tác động thời tiết khoảng 50-100km.

"Gieo mây" sẽ có hiệu quả theo hướng gió, vì thế những vùng đón hướng gió có thể nhận được mưa nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc ở những khu vực khác, mưa sẽ trở nên khan hiếm. Công nghệ này đã gây ra một số tranh cãi khi nó được ví von như vùng này "ăn cắp" nước của vùng khác.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nghi ngờ giả thuyết cho rằng Israel đã "vũ khí hóa" quá trình gieo mây để tác động tới điều kiện thời tiết ở Iran.

"Israel khó có thể tác động thành công tới thời tiết Iran khi cách nước này tới hơn 1.000km.

Chiến dịch như vậy chỉ có thể thực hiện được ở mức độ cục bộ. Một điều quan trọng nữa là việc sử dụng công nghệ trên (máy bay trang bị súng phun hóa chất) hoàn toàn có thể bị phát hiện trong không phận Iran và thậm chí là từ không phận các nước láng giềng" - ông Semenov nhấn mạnh.

Israel dùng "vũ khí thời tiết" trong chiến tranh phức hợp?

Về phần mình, ông Simon Tsipis – chuyên gia tại Viện Các chính sách An ninh Quốc gia (INSS) Israel cho biết ông không loại trừ khả năng Israel đã sử dụng các thiết bị đặc biệt hoặc "vũ khí thời tiết" để tác động tới tình hình ở Iran. Đây có thể là một phần kế hoạch chiến tranh phức hợp mà Tel Aviv đang nhằm vào Tehran.

"Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh phức hợp có mức độ vượt trên chiến tranh thông thường: tức là sử dụng bất cứ phương thức nào, kể cả các biện pháp tác động tới khí hậu và thời tiết" – ông Tsipis nói.

Đề cập tới tuyên bố của Tướng Jalali rằng Israel đang hợp tác với "một quốc gia trong khu vực" nhằm tác động tới thời tiết Iran, ông Tsipis nhận định Tel Aviv có thể đang bắt tay với Washington.

"Mỹ có cơ sở hạ tầng quân sự tại Trung Đông, bao gồm các căn cứ tại vùng lân cận Iran (như ở UAE, Qatar, Saudi Arabia, Kuwait).

Khả năng cao nhất là quá trình này được thực hiện ở lãnh thổ Saudi Arabia. Israel được hỗ trợ bởi Mỹ - quốc gia có các trang thiết bị cần thiết để điều khiển các đám mây ở mức độ cục bộ và nhờ thế, tác động tới tình hình thời tiết tại Iran.

Tác động cục bộ từ một khoảng cách gần như vậy hoàn toàn khả thi về mặt lý thuyết và kỹ thuật" - ông Tsipis nói.

Đánh cắp... mây: Israel bị bắt quả tang dùng vũ khí thời tiết tấn công Iran? - Ảnh 2.

Các an-ten phát sóng trong chương trình HAARP của Không quân Mỹ là nơi tạo ra nhiều thuyết âm mưu nhất về siêu vũ khí thời tiết.

Bình luận về lý do Tel Aviv làm vậy, ông Tsipis lưu ý rằng Iran vẫn là đối thủ lớn của Israel trong khu vực. Không quân Israel đã tiến hành các vụ tấn công được cho là nhằm vào cơ sở hạ tầng của Iran tại Syria.

Mặt khác, Tel Aviv có thể tìm cách kích động các cuộc biểu tình tại Iran để gia tăng áp lực lên chính phủ Teheran và thậm chí xúi giục đảo chính.

Theo vị chuyên gia, việc tác động vào thời tiết trong bối cảnh một số vùng tại Iran đang khan hiếm nước như hiện nay có thể là công cụ của Tel Aviv nhằm "đổ thêm dầu vào lửa".

"Do đó, tôi không loại trừ khả năng Israel tác động vào điều kiện thời tiết của nước Cộng hòa Hồi giáo để đạt được mục tiêu lật đổ chính quyền đương thời tại Iran" – ông Tsipis kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại