Suýt chết vì nằm than
Anh Tuấn (quê ở Nghệ An) tâm sự, người dân quê anh có thói quen nằm than khi sinh con. Vợ chồng anh kết hôn muộn nên khi vợ anh có bầu ai cũng vui. Vợ anh sinh vào tháng 11 khi thời tiết đã chuyển lạnh.
Mẹ anh từ Nghệ An ra Hà Nội để chăm con dâu. Khi đi mẹ anh còn mang theo than củi đã được các cụ gom lại để ra cho bà đẻ nằm than kiêng. Dù biết đó là tập quán cổ hủ của quê anh nhưng vợ chồng anh không muốn bà buồn nên chẳng ai nói gì, cứ để bà tự xử lý.
Không chỉ có nằm than, mẹ anh còn sắm thêm cái chõng bằng tre để vợ anh nằm lên cho có hiệu quả. Nhà anh Tuấn chỉ có 2 phòng, bên ngoài là phòng khách, phía trong là phòng ngủ. Ban đêm, anh ra phòng khách ngủ nhường phòng ở bên trong cho vợ và bà nội, bà ngoại bé ngủ.
Nằm than khiến cả gia đình suýt chết ngạt. (Ảnh minh họa)
Sau khi mổ sinh ở bệnh viện về, vợ anh nằm than luôn. Nửa đêm, cả nhà đi ngủ, cửa phòng đóng kín anh Tuấn ngủ bên phòng ngoài cứ thấy em bé khóc trong khi mọi người trong phòng nằm im. Anh chạy vào xem thử thì cả ba người lớn rơi vào trạng thái lơ mơ không biết gì, cháu bé khóc ré lên.
Ngay lập tức, anh Tuấn mang chậu than để ra đường, mở cửa phòng, bật quạt lên và đưa mọi người ra ngoài. Một lúc sau cả ba người đều ho và có dấu hiệu buồn nôn và 15 phút sau mọi người mới tỉnh táo.
Sau sự việc này, mẹ anh Tuấn không bao giờ nói lại chuyện nằm than. Anh Tuấn tâm sự nếu không có tiếng khóc của con gái anh, chắc anh cũng không biết và mọi người cứ chìm vào giấc ngủ sâu mà ngộ độc CO. Sau này, mỗi lần về quê, anh Tuấn lại kể câu chuyện của gia đình mình như lời cảnh tỉnh cho những người xung quanh nên bỏ tập tục nằm than.
Sát thủ thầm lặng
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, khí CO là "kẻ sát nhân thầm lặng", bởi vì nó là chất khí không màu, không mùi, không vị, nhưng lại rất tàn độc. Không một ai có thể nhìn thấy, ngửi thấy, hay cảm nhận được khí CO. Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê nào về số ca cấp cứu, tử vong do ngộ độc khí CO.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ: từ năm 1999 – 2010, nước Mỹ có hơn 5,000 ca tử vong do ngộ độc khí CO; trung bình mỗi năm có 430 trường hợp tử vong, số nạn nhân phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc CO lên tới 10.000 người.
Ngộ độc Co trở thành sát thủ thầm lặng với những cái chết êm ái. (Ảnh minh họa)
Khí CO trở thành sát thủ bởi vì bình thường, một người khi hít thở không khí trong lành vào phổi, Oxy đến các phế nang rồi gắn vào một phân tử có trong hồng cầu gọi là Hemoglobin (Hb). Hồng cầu sẽ vận chuyển Oxy đến các mô, tại vị trí cần thiết, phức hợp HbO2 sẽ thực hiện quá trình giải phóng để Oxy để đi vào chuỗi hô hấp tế bào.
Khi cơ thể hít phải một lượng khí CO, nó làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển Oxy của máu. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy Hb thích gắn với khí CO hơn là khí Oxy. Phân tử Hb có ái tính với CO gấp 200 lần so với Oxy.
Trong phổi, CO cạnh tranh với Oxy để hình thành phức hợp gọi là Carboxyhemoglobin (HbCO). Khi hồng cầu vận chuyển HbCO đến các mô, CO không thể tham gia chuỗi hô hấp tế bào, vì thế mà tế bào thiếu Oxy dần dần sẽ chết.
Khi tiếp xúc với không khí có mật độ 200/1.000.000 phân tử CO, khoảng 2 giờ sau sẽ có 10 – 15% HbCO trong máu, các triệu chứng xuất hiện như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn.
Với mật độ 400/1.000.000 phân tử CO, người khỏe mạnh sẽ có nguy cơ tử vong sau 3 giờ. Mật độ 1.600/1.000.000 phân tử CO, thì nồng độ HbCO trong máu nhanh chóng vượt quá ngưỡng 50%, nạn nhân sẽ tử vong trong vài phút.
Theo bác sĩ Phúc các triệu chứng ngộ độ CO theo thứ tự nặng dần gồm:
- Đau đầu.
- Khó thở.
- Chóng mặt.
- Lú lẫn và suy nghĩ khó khăn.
- Mất phối hợp động tác.
- Buồn nôn và nôn.
- Mạch nhanh.
- Ảo giác.
- Không thể làm theo lệnh chính xác.
- Ngã gục.
- Hạ thân nhiệt.
- Hôn mê.
- Co giật.
- Tụt huyết áp.
- Suy hô hấp và suy tim.
- Tử vong.
Đặc biệt, bác sĩ Phúc nhấn mạnh khí CO gây tổn hại tế bào thần kinh cực kì nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Do vậy, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ sưởi ấm bằng than củi, nằm than như nhiều người vẫn làm.
Xem thêm:
Con ngộ độc vì mẹ tự ngâm siro ho