Cách phòng tránh tử vong do ngạt khí khi sưởi than, chạy máy phát

BS Yên Ninh |

Một tai nạn xảy ra chiều ngày 8-9-2014, tại quán karaoke ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh khiến 7 người chết, 6 người nguy kịch do ngạt khí xăng máy nổ.

Những tai nạn như thế này không hiếm gặp. Hàng năm, chúng ta tiếp nhận rất nhiều những thông tin đau lòng về các vụ tai nạn do người dân dùng máy phát điện trong nhà, hoặc dùng than củi sưởi ấm, đun nấu trong phòng kín...

Làm sao cấp cứu nạn nhân ? Phòng tránh những trường hợp  tương tự xảy ra thế nào? Câu trả lời có trong bài viết sau đây.

6 nạn nhân chết tại chỗ do ngạt khí xăng máy nổ

Ngày 8-9-2014, tại quán karaoke ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, người dân phát hiện có 12 nạn nhân trong đó 6 người đã chết, 6 người còn lại rất nguy kịch. Nguyên nhân do các nạn nhân bị ngạt khí xăng máy nổ.

Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: 6 người còn sống nhưng bị suy hô hấp đều trong tình trạng hết sức nguy kịch, được chuyển về các bệnh viện ở Bãi Cháy và Hạ Long để có điều kiện điều trị tốt hơn. Tỉnh đã mời các bác sĩ chống độc của bệnh viện Bạch Mai để có phương án cứu chữa tốt nhất. Nhận định về nguyên nhân gây tử vong và suy hô hấp, ông Diện cho rằng, chủ yếu do ngạt khí xăng, “còn việc sử dụng chất kích thích hay không, chúng tôi đang xét nghiệm để sớm có kết quả cụ thể”.

Ngộ độc do hít phải khí CO sinh ra từ máy nổ

Ngộ độc khí carbon monocyd (CO) là một tai nạn thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh tâm thần nặng. Một nghiên cứu của Hoa Kỳ cho biết : hấu hết các ca tử vong do ngạt khí CO xảy ra tại nhà do dùng máy phát điện trong nhà, còn lại do dùng than củi để sưởi vào mùa đông.

Cấu trúc phân tử CO2.

Cấu trúc phân tử CO. (Nguồn: Internet)

Khí CO là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Cho nên khi bị ngộ độc thường khó phát hiện, đến khi người bệnh nhận biết được mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa. Khí CO gây ngạt toàn thân do nó tranh chấp với oxy gây giảm oxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể, những cơ quan sử dụng nhiều oxy nhất sẽ bị tổn thương năng nhất đặc biệt là não và tim.

Khí CO được tạo ra do cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon. Các trường hợp nhiễm độc khí CO thường gặp là chạy máy phát điện, dùng các loại than để đun nấu, sưởi ấm, khói từ các vụ cháy nhà, khói xả từ động cơ ô tô, xe máy, ở phòng kín, ít lưu thông khí.

Cách phát hiện người bị ngộ độc khí CO

Mọi người có thể phát hiện nạn nhân ngộ độc khí CO khi có các dấu hiệu sau: nạn nhân  có tiếp xúc với nơi đốt than, củi, chạy động cơ xăng dầu trong phòng kín…Nếu trong nhà có nuôi chó, mèo mà chúng bị chết chứng tỏ là bị ngộ độc khí CO nặng.

Các vật dụng dễ sinh ra khí CO gây ngộ độc cho người.

Các vật dụng dễ sinh ra khí CO gây ngộ độc cho người. (Nguồn: Internet)

Ở người bị ngộ độc khí CO, lúc đầu triệu chứng tản mạn và không rõ. Nếu ngộ độc nhẹ nạn nhân thường đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, có thể da đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.

Khi ngộ độc vừa: nạn nhân bị đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.

Trường hợp ngộ độc khí CO nặng có các triệu chứng: nạn nhân bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân. Co giật, bất tỉnh co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường. Nếu đo thấy tụt huyết áp. Đau ngực chiếm tới 1/3 bệnh nhân bị ngộ độc CO vừa và nặng. Tổn thương cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim. Nạn nhân khó thở, trào bọt hồng ra mép. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và đi tiểu ít dần.

Cách cấp cứu nạn nhân

Nếu phát hiện ra nạn nhân ngộ độc khí CO, người cấp cứu cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự như sau:

Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn  nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.

Gọi thêm người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân, đồng thời gọi cấp cứu 115.

Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay.

Cách hà hơi thổi ngạt: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

Nếu nạn nhân ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Khi chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2- 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10- 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.

Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.

Phương pháp phòng tránh ngộ độc khí CO

Thiết bị phát hiện cảnh báo khí CO. (Nguồn: Internet)

Thiết bị phát hiện cảnh báo khí CO. (Nguồn: Internet)

Để phòng tránh ngộ độc khí CO có thể xảy ra, mọi người dân cần thực hiện: 

Không chạy máy phát điện ở nơi có không gian kín như tầng hầm, nhà để xe, phòng kín cửa.

Không nổ máy xe máy, xe ô tô trong phòng, trong gara kín gió, đóng kín cửa.

Không dùng các loại than để sưởi trong phòng kín.

Không dùng lò nướng, bếp gas để sưởi.

Định kỳ kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi. Trong gia đình, nên mua thiết bị phát hiện khí CO để trong nhà. Ở cơ sở sản xuất phải  đo nồng độ CO thường xuyên, đảm bảo nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.

Lưu ý: Khí CO thường có ở đáy những giếng cạn, đáy các bể làm mắm để khô kín gió lâu ngày vì tỷ trọng của khí này lớn hơn không khí. Do đó khi muốn xuống các nơi này làm vệ sinh cần phải thông gió trước bằng cách dùng quạt điện quạt trước 15 -20 phút mới cho người xuống. Phải có người ở trên để theo dõi và sẵn sàng ứng cứu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại