Thổ Nhĩ Kỳ "ra giá lần cuối", Nga sắp xếp máy bay đưa S-400 trở về

Trương Mạnh Kiên |

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thỏa hiệp vấn đề tên lửa S-400 với Mỹ trong trường hợp nước này đáp ứng một điều kiện ở Syria.

Điều kiện tiên quyết

Kể từ khi lô hàng hệ thống phòng không S-400 đầu tiên hạ cánh ở bên ngoài thủ đô Ankara vào năm 2019, thương vụ vũ khí Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành vấn đề tranh cãi trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Washington đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ tên lửa S-400 với lo ngại rằng hệ thống của Nga sẽ là mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quốc phòng của NATO. Tuy nhiên, các quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hệ thống phòng thủ được cho là rất cần thiết để củng cố an ninh trong nước.

Thổ Nhĩ Kỳ ra giá lần cuối, Nga sắp xếp máy bay đưa S-400 trở về - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar.

Về phần mình, mối quan tâm an ninh hàng đầu đối với Ankara là sự hợp tác của Washington với lực lượng người Kurd ở Syria, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là cái gai trong mắt.

S-400 vẫn là bế tắc lớn nhất giữa hai đồng minh NATO. Nhưng sau gần ba tuần nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, một quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ đã gợi ý về cơ hội có thể giải quyết vấn đề S-400 bằng cách liên hệ với vấn đề người Kurd ở Syria.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hurriyet hôm 9/2, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã gửi tín hiệu rằng Ankara sẵn sàng thỏa hiệp vấn đề S-400 nếu Washington xem xét lại lại sự ủng hộ của mình đối với người Kurd ở Syria.

“Vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ của chúng tôi với Mỹ là sự ủng hộ của nước này đối với người Kurd ở Syria. Chúng tôi có thể tìm ra giải pháp cho S-400 trong các cuộc đàm phán với Mỹ nhưng chúng tôi mong họ xem xét lại vấn đề người Kurd. Nếu không có giải pháp về người Kurd, chúng tôi không thể đi đến đâu trong quan hệ với Mỹ”, ông Akar cho biết.

Đây là tuyên bố thẳng thắn đầu tiên của Ankara kể từ khi mua S-400, tạo nên những suy đoán về việc liệu các cuộc đàm phán như vậy có thể mang đến cách giải quyết mâu thuẫn hay không.

Tuy nhiên, nhận định với Al-Monitor, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Aaron Stein cho rằng Ankara cần phải cung cấp nhiều hơn nữa để “thỏa mãn một Quốc hội Mỹ đang rất giận dữ”.

“Tuyên bố này rất đáng chú ý. Tuy nhiên, chưa thể kỳ vọng về việc thiết lập lại quan hệ nhanh chóng. Trước tiên, chúng ta cần nghe điều này từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông ấy mới là người có tiếng nói quan trọng”, chuyên gia Stein nêu quan điểm.

Vẫn còn mơ hồ

Thổ Nhĩ Kỳ ra giá lần cuối, Nga sắp xếp máy bay đưa S-400 trở về - Ảnh 3.

Chưa có giải pháp nào phù hợp để giải quyết bế tắc S-400.


Trong tuyên bố hôm 15/1, ông Erdogan hy vọng chính quyền Joe Biden sẽ thực hiện "các bước tích cực” trong các cuộc đàm phán liên quan đến S-400 và chương trình máy bay chiến đấu F-35.

“Mặc dù đã trả một khoản phí lớn cho những chiếc F-35, nhưng máy bay này vẫn chưa được trao cho chúng tôi. Đây là một sai lầm nghiêm trọng mà Mỹ đã làm trong việc chống lại chúng tôi với tư cách là một đồng minh NATO”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby hôm 5/2 cho biết Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm F-35 đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức này nói rằng thương vụ S-400 là "không phù hợp với các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đồng minh của Mỹ và NATO", đồng thời thúc giục Ankara từ bỏ hệ thống S-400.

Bình luận với tờ Hurriyet, Bộ trưởng Akar cho biết không có quốc gia đồng minh NATO nào đặt nặng vấn đề S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng lưu ý rằng một số quốc gia thuộc Khối Warszawa sau khi gia nhập NATO vẫn giữ lại các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô mà không bị áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự.

Ông Akar cho biết việc chuyển giao tên lửa S-300 do Nga sản xuất năm 1998 từ Cộng hòa Síp đến đảo Crete của Hy Lạp là một ví dụ. Ông nói rằng các tổ hợp S-300 ở Crete hiếm khi hoạt động và chủ yếu được cất giữ, tương tự như kế hoạch hiện tại của Ankara đối với S-400.

Mặc dù tham khảo mô hình Crete có thể cho thấy sự linh hoạt từ phía Ankara, nhưng chuyên gia Ozgur Unluhisarcikli từ Quỹ Marshall của Đức, lưu ý rằng Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) chưa có vào thời điểm xảy ra khủng hoảng S-300.

Một thỏa thuận khả thi có thể phụ thuộc vào việc liệu S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ có kích hoạt hay không.

"Điều này phụ thuộc vào việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cất S-400 vào trong kho hay sẵn sàng kích hoạt chúng?", chuyên gia Unluhisarcikli đặt câu hỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại