6 yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh
Theo BSCKI Phó Minh Tín, Khoa Tiết Niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ung thư thận chiếm khoảng 2% tất cả các loại ung thư. Ung thư thận thường gặp nhiều ở nam giới hơn ở nữ giới. Độ tuổi thường gặp là 60 - 70.
Cũng như một số căn bệnh ung thư khác, ung thư thận vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ của ung thư thận được ghi nhận như:
- Tuổi cao
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Cao huyết áp
- Điều trị suy thận với chạy thận kéo dài
- Một số hội chứng di truyền...
Ung thư thận có nguy cơ mắc ở người có thói quen hút thuốc lá, ảnh minh hoạ.
Bác sĩ Tín cho hay: "Đa số các trường hợp bệnh phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Ung thư thận ở các giai đoạn sớm thường không có biểu hiện lâm sàng.
Ở các giai đoạn muộn hơn, ung thư thận có các triệu chứng và dấu hiệu sau đây: tiểu máu, đau hông lưng, sụt cân, mỏi mệt, sốt từng lúc, thiếu máu, chán ăn, tăng men gan và tiểu cầu trong máu, huyết áp cao".
Tam chứng cổ điển của ung thư thận - gồm tiểu máu, đau hông lưng và sờ thấy khối u ở thận - hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% số trường hợp ung thư được phát hiện. Khi người bệnh đã có triệu chứng thì đồng nghĩa với bệnh đã ở giai đoạn muộn và thường đã có di căn xa. Có thể có triệu chứng đau xương hoặc ho kéo dài khi ung thư đã di căn đến xương và phổi.
Bác sĩ Tín khuyến cáo, để tránh xa căn bệnh ung thư thận cần thay đổi lối sống, quan trọng nhất: Bỏ hút thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh để giữ một thể trọng khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư thận.
Cắt bỏ thận là phương pháp điều trị hiệu quả
Bác sĩ Tín cho biết, ung thư thận là loại ung thư không nhạy cảm với hóa trị và xạ trị nên đến nay phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chuẩn và triệt để nhất cho đa số các ung thư thận, từ giai đoạn sớm của bệnh đến giai đoạn bướu đã di căn xa.
Các phẫu thuật điều trị ung thư thận bao gồm: cắt thận triệt để, cắt thận bán phần và cắt thận giảm số lượng tế bào ung thư tùy theo giai đoạn bệnh. Có thể thực hiện bằng mổ mở hay mổ nội soi.
Cắt thận triệt để: là cắt bỏ toàn bộ một thận có bướu và các mô mỡ quanh thận, chỉ định cho ung thư thận khu trú có kích thước bướu lớn hơn 7 cm hoặc bướu đã xâm lấn mô xung quanh. Người bệnh có thể sống bình thường nhờ thận còn lại có chức năng tốt.
Cắt bỏ khối ung thư hay cắt thận bán phần: Cắt bỏ khối u và một mép nhỏ mô lành xung quanh cứ không phải cắt bỏ toàn bộ một thận. Có thể mổ mở hay mổ nội soi. Được chỉ định cho bướu có kích thước nhỏ hơn 7 cm và còn nằm giới hạn trong thận, chưa xâm lấn mô xung quanh. Hoặc bướu to hơn 7 cm trên người bệnh có thận độc nhất hoặc chức năng thận đối bên không bình thường hoặc bướu xuất hiện trên cả 2 thận.
Cắt thận giảm số lượng tế bào ung thư: Trong trường hợp bướu đã di căn sang các tạng khác như gan, phổi... Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một thận cũng được khuyến cáo để làm giảm số lượng tế bào ung thư và làm giảm triệu chứng, cũng có thể cắt bỏ thêm các tạng lân cận bị di căn (ruột, tụy, lách, một phần gan).
Có thể kết hợp với liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm trúng đích. Thời gian sống thêm được khoảng 3 tháng – 1 năm.
Các điều trị không phẫu thuật áp dụng cho các trường hợp không thể phẫu thuật do quá chỉ định hay do thể trạng người bệnh kém không chịu đựng được phẫu thuật, hoặc cho các trường hợp bướu nhỏ hơn 4 cm.
Bệnh nhân sau điều trị ung thư thận cần theo dõi từ 3 - 6 tháng/lần về các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Theo dõi lâu dài, ít nhất là 5 năm, thông thường siêu âm bụng, chụp x-quang phổi và các xét nghiệm đánh giá chức năng thận...
Phát hiện ung thư thận sớm bằng cách đi khám sức khoẻ và siêu âm thận định kỳ. Ung thư thận nếu phát hiện sớm tiên lượng điều trị sẽ rất khả quan.