Hôm 2/9, hãng tin TASS của Nga đăng tải bài viết nhan đề: "Press review: US concocts Asian NATO and Azerbaijan said to get Erdogan’s Syrian militants" (tạm dịch: Mỹ thiết lập NATO của Châu Á và Azerbaijan tuyên bố muốn có được các tay súng Syria của ông Erdogan).
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều liên kết giữa các điểm nóng như chiến sự Syria, xung đột Armenia - Azerbaijan và khu vực tây Thái Bình Dương tới thế đối đầu giữa Mỹ và Nga, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Washington đang tìm cách thiết lập "NATO của Châu Á"?
Mới đây, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã ám chỉ rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần hình thành một liên minh giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Mục đích của Mỹ là tạo ra một liên minh để kiềm chế các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và trong tương lai sẽ thu hút các quốc gia có chung mục tiêu nói trên từ khắp nơi trên thế giới", ông Biegun nhấn mạnh.
Đây được cho là kế hoạch mà các nhà ngoại giao ở Washington đã nung nấu từ lâu với việc Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ là "những lá cờ đầu" trước khi lôi kéo các quốc gia "cùng chung lợi ích" khác ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun (Ảnh: AP).
Ông Vinay Shukla cũng nói thêm rằng các nhà sản xuất vũ khí Mỹ là những người đang đứng ra kêu gọi thành lập một khối quân sự mới vì họ sẽ được hưởng lợi khi "không bị kiểm soát" và thâm nhập vào thị trường vũ khí của Ấn Độ.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) Sergey Lunev cho rằng Washington đang muốn phá hoại chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được nước này tuyên bố kể từ khi độc lập vào năm 1947.
Ông Lunev cũng chỉ ra rằng bên cạnh việc các "thành viên" khác như Nhật Bản và Australia phải cân nhắc vì không muốn làm suy yếu các quan hệ thương mại với Trung Quốc, quyết định "ngả theo Mỹ" của Ấn Độ cũng đồng nghĩa với việc đảo ngược mối quan hệ với Nga, nhà cung cấp vũ khí chính cho New Delhi.
Khác với Nhật Bản và Australia đều đã ràng buộc với Mỹ bằng các thỏa thuận quốc phòng, Ấn Độ vẫn tiếp tục trung thành với chính sách không liên kết. Vậy liệu New Delhi có thay đổi chính sách của mình hay không?
Biên tập viên Vinay Shukla của tạp chí India Strategic cho rằng trong lúc New Delhi đang tìm cách giảm thiểu rạn nứt với Trung Quốc thông qua đối thoại thì Washington muốn sử dụng tâm lý chống Bắc Kinh nảy sinh sau đụng độ biên giới như một lợi thế.
"Một số nhà phân tích (Ấn Độ) cho rằng Nga có nền kinh tế tương đối yếu và New Delhi cần hợp tác với Washington. Trong khi đó, một số khác thì nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ không gia nhập NATO, vì Mỹ chưa bao giờ giúp đỡ họ trong thời điểm khó khăn".
Chính vì vậy, tờ Nezavisimaya Gazeta nhận xét rằng kỳ vọng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về sự tham gia của Ấn Độ trong "NATO của Châu Á" khó có khả năng xảy ra vào mùa thu năm 2020.
Căng thẳng biên giới Trung Ấn có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của New Delhi?
Phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã xâm nhập Azerbaijan?
Theo một số nguồn tin chưa được xác thực của tờ nhật báo Nezavisimaya Gazeta, khoảng 500 tay súng phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thuộc các nhóm như Sư đoàn Sultan Murad, Quân đội Syria Tự do (FSA) và Lữ đoàn al-Hamza đã được triển khai tới Azerbaijan.
Trước đó tại Baku, thủ đô Azrbaijan đã chứng kiến một cuộc biểu tình kêu gọi Ankara "cứu Azerbaijan khỏi người Armenia và người Nga", đồng thời kêu gọi chính phủ nước này đồng ý để Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) thiết lập một căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ.
Thông qua ứng dụng Telegram, Igor Dimitriev, một chuyên gia về khu vực tiết lộ: "Hiện đang có tin đồn rằng sau cuộc tập trận quy mô lớn giữa Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 và 8/2020), Thổ Nhĩ Kỳ đã để lại một số binh lính và khí tài bao gồm tiêm kích F-16".
Tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tập trận tại Azerbaijan.
Cũng thông qua Telegram, Telman Abilov, người đứng đầu tổ chức "Military Lawyers" của Azerbaijan cho rằng căng thẳng leo thang ở biên giới với Armenia - Azerbaijan có thể liên quan đến thương mại khí đốt giữa Moscow và Ankara:
"Căng thẳng leo thang ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ giảm lượng mua khí đốt của Nga xuống mức tối thiểu và Ankara tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng - cụ thể là bằng cách mua khí đốt của Azebaijan.
Nếu khí đốt của Azerbaijan vào miền nam Âu, nó sẽ cạnh tranh trực tiếp với khí đốt của Nga, và một số người Azerbaijan đang cho rằng Nga và Armenia đang tìm cách phá hoại việc thiết lập một hành lang vận tải (khí đốt) giữa Biển Caspi và Biển Đen".
Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự Shamil Gareev thì cho rằng Moscow quan tâm đến sự mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông hơn là với hành lang khí đốt nói trên vì Ankara là quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO:
"Thực tế là việc thêm một căn cứ quân sự và các tay súng Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chỉ làm gia tăng căng thẳng và không thể giải quyết được cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan".
Lực lượng pháo binh Azerbaijan tấn công phá hủy các vị trí của quân đội Armenia ngày 14/7