Hỏi: Thưa ông, tôi cứ nghĩ nước tăng lực cùng nhóm với các loại nước giải khát công nghiệp, nhưng xem chừng không phải như vậy. Xin ông cho biết 2 loại nước này có gì khác nhau không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nước tăng lực (energy drink) là loại nước giải khát có chứa chất caffeine, nhưng không phải nước giải khát nào có chứa caffeine đều là nước tăng lực. Các loại nước giải khát Cola, Pepsi, Cocacola,… đều có chất caffeine, nhưng không gọi là nước tăng lực, vì lượng caffeine rất ít.
Nước tăng lực có thể có gas carbonic hoặc không, tùy hãng sản xuất.
Hỏi: Nước tăng lực, như cái tên gọi của nó, có phải là một loại thức uống bổ dưỡng không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nước tăng lực có nhiều loại, nhiều công thức khác nhau. Có hãng còn cho thêm thảo dược, và cả sâm nữa. Nhưng nước tăng lực có thực sự bổ dưỡng hay không sẽ bàn sau.
Nước tăng lực gồm 3 thành phần chính là: chất caffeine, đường và các chất khác được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe.
(Ảnh minh họa)
Hỏi: Caffeine chính là chất có trong cà phê phải không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng vậy, nhưng chất caffeine không chỉ có trong cà phê, mà còn có trong lá trà, hạt cacao,… Chất caffeine có trong hạt, lá cây và quả của vài loài thực vật có tác dụng làm côn trùng bị "phê", bị tê liệt, thậm chí bị tiêu diệt luôn, do đó caffeine được xem là chất diệt côn trùng tự nhiên.
Ở người, caffeine là chất gây kích thích hệ thần kinh trung ương, chống lại cơn buồn ngủ, làm tỉnh táo hơn. Lượng caffeine cao có thể làm tăng huyết áp, hồi hộp và đi tiểu nhiều.
Một lon nước tăng lực (250 ml) có khoảng 80 mg caffeine, ngang ngửa với lượng caffeine trong một tách cà phê. Thực ra với lượng caffeine cỡ đó thì không đáng ngại. Uống 2-3 ly cà phê/ngày cũng chẳng ăn thua gì.
Cơ quan An Toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) và Hoa Kỳ (FDA) đưa ra ngưỡng 400 mg chất caffeine mỗi ngày là an toàn, tương đương khoảng 4-5 ly cà phê (thứ thiệt).
Hỏi: Vậy còn đường trong nước tăng lực thì sao, thưa ông? Liệu có phải là đường hoá học không mà tôi uống thấy rất ngọt?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đường trong nước tăng lực là đường ăn mà chúng ta hàng ngày, hoặc dùng chung với sirô bắp cao fructose (HFCS). Đường là chất duy nhất trong nước tăng lực sinh năng lượng, nghĩa là cung cấp calo cho cơ thể.
Nước tăng lực mà không có đường (thiệt) thì không thể tăng lực được đâu. Tôi nghĩ là họ không sử dụng đường hóa học, trừ nước tăng lực thuộc loại "uống kiêng" béo...
Hỏi: Tôi tìm hiểu thông tin trên mạng thì thấy thành phần của nước tăng lực cũng "ghê" lắm, toàn các loại vi chất có lợi cho sức khoẻ.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Các thứ khác trong nước tăng lực có thể là (tùy hãng): taurine, cholin, inositol, các vitamin nhóm B,… Mấy thứ này có đầy trong thực phẩm ăn hàng ngày (thịt, cá, rau, củ,…). Gọi chung mấy thứ này là vi chất thì không đúng lắm đâu, như taurine chẳng hạn, có cả ngàn mg trong một lon nước tăng lực, trong khi chất caffeine chỉ khoảng 100 mg.
(Ảnh minh họa)
Hỏi: Tôi thấy rất nhiều người sử dụng nước tăng lực với mục đích phục hồi sức khoẻ sau khi hoạt động mệt mỏi. Thậm chí, cách đây vài năm, tôi còn gặp các cụ già dành dụm tiền thỉnh thoảng mua một lon nước tăng lực để uống như một loại thuốc bổ. Có lẽ nước tăng lực cũng có tác dụng tăng lực thật.
Nhưng tôi nghĩ, tác dụng đó chắc không phải do caffeine và đường đâu vì 2 thứ đó chúng ta vẫn dùng hàng ngày rồi. Có lẽ nào tăng lực là do taurine?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Hầu như nước tăng lực nào cũng có taurine, và các nhà xuất xem taurine là niềm tự hào của nước tăng lực nên quảng cáo bốc lắm.
Taurine là một acid amin được tìm thấy nhiều trong não, và có vai trò quan trọng trong việc phát triển não, nhất là với tiểu não và võng mạc (mắt). Tuy nhiên, giới y học cho rằng nếu đưa taurine vào cơ thể qua ngõ thực phẩm, thì Taurine sẽ bị thải ra ngoài sau khi đã chuyển hóa thành acid mật.
Uống một lon nước tăng lực, người ta không biết được bao nhiêu phần taurine lên được tới não. Và tác dụng hưng phấn của taurine có thể bị nhầm lẫn với chất caffeine có trong nước tăng lực.
Mới đây, một hãng chuyên sản xuất nước tăng lực báo cáo rằng, taurine trong nước tăng lực tốt cho tim và làm giảm mỏi cơ. Báo cáo này đã bị Ủy Ban Châu Âu (European Commission) bác bỏ vì thiếu chứng cớ khoa học.
Hầu như nước tăng lực nào cũng có taurine (Ảnh minh họa)
Hỏi: Nói như vậy có nghĩa tác dụng tăng lực là do chất caffeine và đường sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng vậy. Chất caffeine trong nước tăng lực tạo hưng phấn, chống buồn ngủ. Còn đường thì sinh năng lượng.
Hỏi: Vậy tại sao mấy bác tài xế lại thường dùng nước tăng lực để cho tỉnh ngủ? Tại sao họ không uống cà phê có hơn không, lại còn được gia giảm độ đắng ngọt tuỳ ý nữa?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nghề tài xế tuy ngồi yên một chỗ, trông nhàn nhã, nhưng lại rất vất vả, nhất là khi phải chạy xe đường dài. Lúc nào cũng chân thắng, chân ga, hai tay xoay vô lăng. Đầu óc lại phải tập trung cao độ. Tài xế làm việc phản xạ liên tục như thế cả 3-4 tiếng đồng hồ, nên mức tiêu hao năng lượng rất cao. Họ cần cần đồ ngọt cung cấp nhanh năng lượng, nhất là cho não.
Đường tiếp năng lượng rất nhanh, chứ không tà tà cung cấp năng lượng như cơm gạo thịt cá. Một lon nước tăng lực (250 ml) chứa 30g đường chứ không ít đâu. Nước tăng lực ngọt… xé họng là vì thế.
Còn chống buồn ngủ thì đã có chất caffeine trong nước tăng lực. Mấy ông tài xế hay la cà các quán cà phê dọc đường. Uống phải cà phê dỏm, cà phê đậu nành thì làm gì có chất caffeine trong đó mà chống buồn ngủ.
(Ảnh minh họa)
Hỏi: Người ta khuyên không nên lạm dụng nước tăng lực quá 5 lon/ngày dựa vào mức caffeine có trong mỗi lon nước tăng lực. Thực sự, tôi cảm thấy băn khoăn, vì chưa thấy loại nước công nghiệp nào có liều lượng dùng tối đa nhiều đến như vậy.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Dựa trên hàm lượng caffeine mà khuyên uống không quá 5 lon/ngày là ẩu. Chất caffeine trong nước tăng lực không đáng ngại, nhưng ngại nhất chính là đường.
Về mặt dinh dưỡng, đường là loại củi rẻ tiền nhất cung cấp năng lượng. Nhưng năng lượng đâu phải là tất cả, nên cơ thể mới phải cần đến củi "chất lượng cao" như thịt cá, chất béo,… để có thêm những chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thế. Người ta gọi đường tạo calo rỗng là vì thế.
Một lon nước tăng lực chứa 30g đường. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên dùng không quá 50g đường mỗi ngày. Uống 1 lon tăng lực là đã quá nửa quota (hạn mức) về đường rồi còn gì. WHO có bằng chứng rất "cứng" rằng, xài trên 50g đường/ngày là dễ bị tăng cân, béo phì và sâu răng, so với những người dùng dưới mức này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nước tăng lực chẳng bổ béo gì cả. Người bị tiểu đường, cao huyết áp, ăn kiêng giảm béo coi như không nên uống nước tăng lực rồi. Phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú cũng được khuyên không nên uống.
Hỏi: Một số thanh niên tôi gặp, không uống nhiều nước tăng lực như con số trên kia nhưng giữ thói quen ngày 1 – 2 lon. Như vậy có nên không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ở Mỹ và Châu Âu, các hãng tăng lực quảng cáo dữ lắm, nào là nước tăng lực "chấp cánh bay xa". Quảng cáo nhắm vào giới trẻ và thiếu niên.
Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo thanh thiếu niên, nhất là trẻ em không nên uống nước tăng lực.
Họ sợ chúng béo phì, rồi sau này phát sinh lắm bệnh không truyền nhiễm (NCDs – Non communicable diseases) như các bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp mãn tính,… Trẻ em, tuổi teen không nên uống thường xuyên, quá 1 lon/ngày
Hỏi: Gần đây, có một số hãng tung ra loại nước tăng lực dành cho người ăn kiêng. Loại này có tốt và an toàn hơn nước tăng lực thông thường không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Chỉ là trò chơi markeing ảo giác thôi. Loại nước tăng lực này bỏ đường ra, thay bằng đường hóa học, rồi tăng thêm hàm lượng caffeine cho… mạnh mẽ hơn. Bỏ đường ra thì còn gì là tăng lực!
Xin cảm ơn ông!