Sự lợi hại của “Thợ săn Tomahawk” Buk-M3

TUẤN SƠN |

Với đạn tên lửa mới thông minh hơn, hệ thống điều khiển hỏa lực đa kênh được số hóa, khả năng chiến đấu của tổ hợp tên lửa phòng không nâng cấp Buk-M3 được tăng cường đáng kể so với các thế hệ tiền nhiệm.

Căn cứ vào các thông số được công khai của tổ hợp Buk-M3 được trưng bày tại triển lãm quân sự Army-2018 mới đây, giới chuyên gia quân sự đánh giá, phiên bản mới nhất của tổ hợp Buk có đủ khả năng ngăn chặn các mục tiêu bay hiện đại nhất, trong đó có các loại tên lửa hành trình được áp dụng sâu công nghệ tàng hình.

So với phiên bản Buk-M2, Buk-M3 là bước cải tiến kỹ thuật lớn trong suốt lịch sử 30 năm phát triển của dòng tên lửa phòng không lục quân này.

Thêm đạn tên lửa trên bệ, giảm thời gian triển khai-thu hồi

Một điểm khác biệt dễ nhận biết nhất của tổ hợp Buk-M3 so với phiên bản tiền nhiệm là việc nó được trang bị 6 đạn tên lửa đặt trong khoang bảo quản kín (các phiên bản cũ là 4 đạn tên lửa lắp ngoài). Với tính năng kỹ thuật nâng cấp, đạn tên lửa 9M317M trên Buk-M3 được đánh giá có tính năng đánh chặn hiệu quả gấp đôi so với dòng tên lửa trước đó trên các tổ hợp Buk.

Tên lửa 9M317M được thiết kế để bắn chặn các mục tiêu bay hiện đại ở khoảng cách từ 2,5 tới 70km; trần cao đạt 40km và tốc độ bay của đạn chạm mốc 3km/giây. Giới chuyên gia quân sự đánh giá, tỷ lệ bắn chặn thành công của 9M317M đối với các mục tiêu khí động học thông thường đạt tới 99%, cao hơn nhiều so với tổ hợp S-300.

Cơ chế dẫn đường, bám mục tiêu bán chủ động cho phép tên lửa 9M317M hoạt động tốt trong môi trường nhiễu, đối kháng điện tử mạnh. Ngoài ra, tên lửa của Buk-M3 cũng có chế độ “bắn và quên”, khi tên lửa sẽ tự chủ bám theo mục tiêu mà không cần tín hiệu từ đài dẫn mặt đất. Đây là yếu tố quan trọng giúp Buk-M3 có khả năng cơ động, phòng tránh-đánh trả tốt hơn.

Một điểm mới nữa của Buk-M3 là thay vì phóng tên lửa theo mặt phẳng nằm ngang, tên lửa được phóng nguội thẳng đứng tương tự như S-300 và S-400. Điều này giúp giảm thời gian phản ứng của tổ hợp và mở rộng góc bắn.

Đánh giá về Buk-M3, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhận định: “Đây là tổ hợp tên lửa phòng không toàn diện. Phương thức phóng thẳng đứng giúp giảm thời gian triển khai thu hồi. Điểm cải tiến lớn nhất của Buk-M3 chính là sử dụng đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản.

Điều này giúp giảm tỷ lệ hư hại cho đạn tên lửa trên bệ mỗi lần phóng đạn. Khi cần thiết, xe chở đạn cũng tham gia chiến đấu được. Đó chính là lợi thế của “gia đình” tên lửa Buk”.

“Trung tâm chỉ huy phòng không khu vực”

Một điểm cải tiến khác của Buk-M3 chính là hợp nhất hệ thống ra-đa cảnh giới và dẫn bắn trên một hệ thống đa chức năng. Ra-đa này có thể phối hợp với các ra-đa dẫn bắn đặt trên xe phóng để tăng cường khả năng kháng nhiễu và hoạt động độc lập.

Sự lợi hại của “Thợ săn Tomahawk” Buk-M3 - Ảnh 1.

Ở phiên bản M3, tổ hợp Buk có thể kết nối với các tổ hợp Tor-M2 để tạo ra lưới lửa phòng không đa tầng trong khu vực tác chiến.

Công nghệ điện tử mới, chuẩn số hóa cho phép hệ thống ra-đa trên Buk-M3 có thể theo dõi cùng lúc 36 mục tiêu và đồng thời điều khiển tên lửa tấn công nhiều mục tiêu. Buk-M3 vẫn giữ được tính năng của tổ hợp tên lửa phòng không lục quân là khả năng hành tiến tốt trên khung gầm xe bánh xích, hoạt động bất kể ngày đêm trong dải nhiệt độ từ -50 độ tới 50 độ C.

Với gói nâng cấp mới, phiên bản Buk-M3 có thể dễ dàng kết nối với các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2U để tạo ra lưới phòng không đa tầng trong vùng tác chiến. Với vai trò này, Buk-M3 đóng vai trò như trung tâm điều khiển, chỉ thị và điều phối mục tiêu cho cả nhóm. Việc này không chỉ giúp mở rộng tầm bắn, mà còn nâng cao đáng kể tỷ lệ đánh chặn mục tiêu.

“Thợ săn Tomahawk”

Vốn là dòng tên lửa phòng không lục quân được Liên Xô thiết kế thay thế cho tổ hợp Kub hay còn được biết tới với biệt danh “Ba ngón tay tử thần” từ những năm 1980, sau 30 năm phát triển, Buk-M3 không chỉ kế thừa khả năng chiến đấu của dòng tên lửa phòng không chiến trường này, mà còn được nâng cấp để đối phó tốt với các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình hiện đại.

Dù khả năng chiến đấu của Buk-M3 chưa được kiểm chứng bằng thực tế chiến trường, nhưng phiên bản tiền nhiệm Buk-M2E của Syria, dù là biến thể xuất khẩu, nhưng đã thể hiện tốt vai trò khi ngăn chặn đợt tập kích bằng tên lửa hành trình hiện đại do Mỹ và đồng minh thực hiện hồi tháng 4-2018.

Sự lợi hại của “Thợ săn Tomahawk” Buk-M3 - Ảnh 2.

Phiên bản Buk-M2 đã chứng minh được khả năng tác chiến chống lại cuộc tập kích đường không bằng tên lửa hành trình hiện đại tại Syria.

“Trong khi hệ thống phòng không Syria vất vả đối phó với đợt không kích của Mỹ và liên quân, thì Buk-M2E vẫn làm tốt vai trò của mình. Ở hướng thung lũng Beqaa, dù các tên lửa hành trình hiện đại của Mỹ và liên quân, trong đó có Tomahawk MK IV, bay ở độ cao thấp để tránh bị phát hiện, nhưng phần lớn chúng bị các tổ hợp Buk đánh chặn. Ngoài ra, đã ghi nhận việc Buk bắn hạ thành công tên lửa hành trình tàng hình phóng từ máy bay ném bom B-1B ở ngoại vi Thủ đô Damascus”, chuyên gia Alexei Leonkov cho biết.

Như vậy, với tính năng chiến đấu vượt trội hơn phiên bản M2, Buk-M3 chắc chắn đáp ứng tốt khả năng ngăn chặn các đợt tập kích đường không sử dụng tên lửa hành trình hiện đại, trong đó có Tomahawk.

Theo Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và An ninh Nga, Buk-M3 đã có biến thể xuất khẩu và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các quốc gia Cận Đông và châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại