Sống thọ không khó như bạn tưởng: 5 bí quyết ‘cực chất’ từ bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ

Vũ Hùng |

Tuổi thọ của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Dưới đây là 5 bí quyết sống lâu, sống khỏe từ bác sĩ Mỹ.

Chuyên gia tuổi thọ, bác sĩ, tác giả Kien Vuu

Chuyên gia tuổi thọ, bác sĩ, tác giả Kien Vuu

Theo bác sĩ Kien Vuu, chuyên gia về tuổi thọ, để có được một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, ngoài sức khỏe thể chất thì sức khỏe tâm thần cũng đặc biệt quan trọng. Ông lưu ý các bệnh nhân của mình hãy quan tâm đến sức khỏe tâm thần nhiều hơn, bao gồm cả cảm xúc và các vấn đề liên quan đến tinh thần. 

Bác sĩ Vuu cho rằng căng thẳng có thể dẫn tới hình thành tình trạng viêm mạn tính, tác nhân góp phần gây ra các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường loại 2 và ung thư, đồng thời rút ngắn tuổi thọ.

Thế nên, việc kiểm soát trạng thái cảm xúc và thể chất càng sớm sẽ càng có lợi cho tuổi thọ. 

Bác sĩ Vuu ưu tiên giấc ngủ, dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần

Bác sĩ Kien Vuu đang làm việc tại Mỹ và chuyên về các ca phẫu thuật cho các bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối, cao huyết áp và ung thư. Tuy nhiên, ông đã nghỉ việc cách đây 5 năm khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

“Tôi đã phải nhìn nhận lại cuộc sống của chính mình với tư cách là một bác sĩ điều trị bệnh mạn tính nhưng lại vô tình mắc bệnh mạn tính”, bác sĩ Vuu nói.

Bác sĩ Vuu đã dành thời gian để tìm ra các biện pháp điều trị tự nhiên. 

“Trong vòng 6 tháng, từ việc thay đổi lối sống, tôi đã có thể đảo ngược tình trạng bệnh mạn tính của mình”, bác sĩ Vuu cho biết.

Thông qua hành trình chăm sóc sức khỏe của mình, bác sĩ Vuu đã áp dụng các giải pháp ‘sức khỏe tự nhiên’ cho hơn 100 bệnh nhân. 

Những điều trên cũng được ông đúc kết trong quyển sách với tiêu đề ‘Thrive State’, cuốn sách là những hướng dẫn chi tiết về cách để có sức khỏe và tuổi thọ tối ưu.

5 bí quyết sống lâu và khỏe mạnh của bác sĩ Vuu

    1. Đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định trong ngày 

Sống thọ không khó như bạn tưởng: 5 bí quyết ‘cực chất’ từ bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ - Ảnh 1.

Đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm trong ngày giúp nhịp sinh học luôn ổn định. Ảnh minh họa

Bác sĩ Vuu giải thích rằng để có sức khỏe tối ưu, bạn phải có một nhịp sinh học tốt, nghĩa là bạn phải đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm. 

“Cơ thể hoạt động theo chu kỳ ngày và đêm và các hormone giúp điều chỉnh các chức năng của cơ thể, vì vậy nếu nhịp sinh học bị đảo lộn thì các hormone này cũng bị ảnh hưởng”, bác sĩ Vuu giải thích. 

“Kết quả là các tế bào của cơ thể sẽ không nhận được các tín hiệu phù hợp, các hormone sẽ liên tục bị gián đoán và cơ thể nghĩ rằng mình đang gặp nguy hiểm”, từ đó, dẫn đến căng thẳng tăng cao.

Khi cơ thể gặp nguy hiểm, các dấu hiệu phản ứng viêm tự nhiên gia tăng và do đó, cơ thể dễ mắc bệnh mạn tính hơn, bác sĩ Vuu giải thích.

“Khi nói về giấc ngủ, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định mỗi ngày”, bác sĩ Vuu cho biết thêm.

    2. Tắm nắng 20 – 30 phút mỗi sáng 

Sống thọ không khó như bạn tưởng: 5 bí quyết ‘cực chất’ từ bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ - Ảnh 2.

Ánh nắng vào buổi sáng có chứa vitamin D. Ảnh minh họa

Một cách hiệu quả để thiết lập lại đồng hồ sinh học của cơ thể là ra ngoài vào mỗi buổi sáng và đón ánh sáng mặt trời. 

Bạn nên làm điều này kết hợp với tập thể dục, nhưng hãy chú ý nhìn về phía ánh sáng mặt trời, nhắm mắt và ngâm mình trong tia nắng để bắt đầu một ngày mới.

Bác sĩ Vuu nói: “Tôi để ánh nắng tự nhiên chiếu vào mắt và da vì điều đó giúp thiết lập lại đồng hồ sinh học”. 

Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sẽ giúp bạn tỉnh táo và ngủ ngon hơn vào buổi đêm, đặc biệt, giúp cải thiện tâm trạng vào ngày hôm sau.

    3. Tập thể dục thường xuyên và xây dựng cơ bắp 

Theo các nghiên cứu, tập thể dục thường xuyên mỗi ngày sẽ làm tăng tốc độ trao đổi chất, cải thiện giấc ngủ và giảm mức độ căng thẳng trong nhiều giờ sau đó. 

Theo Mayo Clinic, bất kỳ hình thức tập thể dục nào cũng có thể giúp giảm bớt căng thẳng, đó là lý do tại sao bác sĩ Vuu khuyên bệnh nhân nên vận động mỗi ngày. Tập thể dục cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và miễn dịch, ngoài ra, nó cũng giữ cho mức độ căng thẳng luôn ở mức thấp và cải thiện tâm trạng bằng cách giải phóng endorphin chống lại căng thẳng trong nhiều giờ sau khi tập luyện.

Một khi bắt đầu xây dựng cơ bắp, bạn sẽ cảm nhận cơ thể vận động tốt và giảm mỡ dễ dàng hơn vì cơ bắp hoạt động nhiều hơn về mặt trao đổi chất, bác sĩ Vuu giải thích. 

“Tôi không nói rằng bạn phải trở thành một vận động viên thể hình, nhưng xây dựng cơ bắp săn chắc chắc chắn rất tốt cho chúng ta”, bác sĩ Vuu nói thêm.

Sống thọ không khó như bạn tưởng: 5 bí quyết ‘cực chất’ từ bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ - Ảnh 3.

Các bài tập thể dục giúp tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ảnh minh họa

4. ‘Lười’ ăn đường và thực phẩm chế biến sẵn – ‘chăm’ ăn thực vật

Bác sĩ Vuu khuyên bạn nên đa dạng bữa ăn bằng các thực phẩm có màu sắc cầu vồng. 

“Hãy đặt mục tiêu 75% đĩa ăn của bạn được tạo thành từ các loại rau có màu sắc khác nhau. Màu sắc của rau và trái cây càng phong phú thì càng chứa nhiều polyphenol và những chất chống oxy hoá này rất tốt cho cơ thể”, bác sĩ Vuu nói. 

Thêm vào đó, hãy bổ sung các nguồn chất béo thực vật có lợi cho tim mạch như quả bơ, dầu dừa và dầu ô liu, đồng thời ăn thịt và sữa vừa phải. 

Thay vào đó, hãy ăn ‘thanh đạm’ nhất bằng cách tránh thực phẩm chế biến sẵn và thường xuyên ăn các thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc thực vật.

Sống thọ không khó như bạn tưởng: 5 bí quyết ‘cực chất’ từ bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ - Ảnh 4.

Các thực phẩm màu sắc cầu vồng chứa nhiều chất chống oxy hoá. Ảnh minh họa

5. Củng cố các mối quan hệ cá nhân và tương tác xã hội 

Các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sức khỏe tổng thể và mức độ hạnh phúc. 

Bác sĩ Vuu cho biết các mối quan hệ tích cực là chìa khóa để kéo dài tuổi thọ. “Khi bạn vun đắp các mối quan hệ tích cực, oxytocin trong cơ thể sẽ tăng lên và oxytocin rất quan trọng ở nhiều cấp độ khác nhau và là một chìa khóa khỏe mạnh cho sức khỏe tổng thể”. 

Hormone này giúp cải thiện sự đa dạng của hệ vi sinh vật và sức khỏe tiêu hóa tổng thể. “Hormone này giúp ổn định huyết áp. Vì vậy, đối với những người bị huyết áp cao, nó sẽ giúp giảm cortisol và hormone căng thẳng, đồng thời cũng giúp điều trị huyết áp”, bác sĩ Vuu giải thích: “Oxytocin cũng giúp cải thiện nhiều chứng rối loạn tâm trạng mà chúng ta mắc phải, chẳng hạn như lo âu”. 

“Làm thế nào để chúng ta nhận được nhiều oxytocin lưu thông trong cơ thể hơn? Câu trả lời chính là sự tương tác xã hội tích cực”.

Oxytocin thậm chí còn tăng cao hơn khi chúng ta tiếp xúc cơ thể, đó là lý do tại sao sự cô lập với xã hội không tốt cho sức khỏe đối với nhiều người, khiến họ căng thẳng, mất ngủ và tăng cân. “Cuối cùng, oxytocin cũng tăng lên trong hoạt động tình dục và mức oxytocin có thể được tăng nhiều hơn khi củng cố mối quan hệ cá nhân kết hợp với việc sống có mục đích”. 

“Khi nghiên cứu các mối quan hệ, chúng tôi nhận thấy rằng cô đơn là một trạng thái gây viêm nhiễm”, bác sĩ Vuu nói. Vì vậy, những người lớn tuổi hoặc ở một mình sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và chết sớm hơn, nhưng những yếu tố này có thể được giảm thiểu nhờ sự tiếp xúc xã hội có ý nghĩa hoặc các tương tác lành mạnh.

Nguồn: The Beet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại