Thuốc nhảm tung hoành Bài 1: Muôn kiểu thuốc “đông y”

Hùng Phiên - Trần Phượng - Hồng Đức |

LTS: Những bài thuốc chữa bệnh “gia truyền”, những ông lang được bệnh nhân biết tới theo kiểu “truyền miệng, rỉ tai” đang tồn tại rất nhiều ở khu vực nông thôn. Dù có các quy định về hành nghề y dược tư nhân, công nhận bài thuốc gia truyền nhưng nhiều người ngại đi đăng ký dẫn tới vàng thau lẫn lộn: Bài thuốc tốt thì bị bỏ phí, trong khi những kiểu chữa bệnh nhảm nhí thì mặc sức tung hoành.

Từ những bài thuốc gia truyền…

Nổi tiếng với bài thuốc chữa rắn độc cắn, anh em ông Trần Tiến - Trần Tịnh treo biển chữa bệnh tại nhà riêng ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Ông Tiến cho biết, nghề thuốc Nam gia truyền của gia đình ông được truyền từ ông nội, rồi cha ông. Ông học nghề từ nhỏ, rồi đi bộ đội ở đảo Song Tử Tây - Trường Sa (1985 - 1988), ra quân là gắn bó ngay với việc vừa làm nông vừa bốc thuốc chữa bệnh.

Một điểm chữa bệnh xương khớp của lương y Lương Văn Trong tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên).

Bệnh nhân của ông Tiến trải dài từ Nam chí Bắc, chủ yếu bằng truyền miệng “người này chữa khỏi, mách bảo người kia”. Tập vở học trò “lưu bút” rất nhiều người trọng bệnh đã được ông chữa khỏi, có người làm cả thơ “tức cảnh” về tài thuốc của ông. Theo ông Tiến, rất nhiều người bị rắn độc cắn “chết đi sống lại”, Tây y bó tay nhưng đến ông thì dứt bệnh. Ông đã chữa khỏi những ca bị rắn cực độc như cạp nong, hổ chúa, hổ phù, hổ chuông, lục đuôi đỏ… cắn “thối thịt, ói ra máu, chờ chết”. Đặc biệt, ông Nguyễn Giang (61 tuổi, ở Quy Nhơn, Bình Định) đã bị con đẻn kim cắn trong lúc đi biển; chạy chữa khắp nơi, tưởng đã “bó phép” nhưng ông Tiến cũng chữa dứt.

Trên vách nhà ông có treo giấy chứng nhận “ông Trần Tiến, sinh năm 1967, đã theo học lớp bồi dưỡng lương y tại Hội Đông y Phú Yên, tháng 6.2007”. Tủ thuốc Nam của ông Tiến với hàng trăm vị thuốc, chủ yếu đựng trong các vỏ hộp sữa, hộp bánh.

Tương tự, lương y Lương Văn Trong (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên) cũng “tay làm ruộng, tay bốc thuốc” nổi danh với việc chữa trị trật khớp, gãy xương. Mỗi ngày, ông Trong đi hàng trăm cây số để chữa bệnh lưu động cho người dân.

Còn ông Lê Văn Lắc (67 tuổi) - thôn 6, xã Tân Phúc (Nông Cống, Thanh Hóa) được mọi người mệnh danh là “ông Lắc xương khớp”, vì ông có bài thuốc Nam kỳ diệu có thể chữa khỏi các bệnh về xương như: Gãy xương, rạn xương, trật khớp, liệt nửa người… Ít ai nghĩ rằng, người đàn ông có biệt tài chữa bệnh cứu người ấy lại là một nông dân “chân lấm, tay bùn”, hiện đang làm bảo vệ cho một trường tiểu học ở địa phương.

Ông Lắc tâm sự: “Bài thuốc này là do các cố nhân truyền lại, tôi chỉ mong chữa khỏi bệnh cho mọi người để họ được hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, còn chưa bao giờ nghĩ đến thù lao. Ai đến đây đắp thuốc, việc làm đầu tiên là phải “dâng lễ” lên bàn thờ gia tiên, gồm: Đường, thuốc lá, chè, rượu, để xin với gia tiên cho “mát tay”. Còn công xá là tùy vào tấm lòng của người bệnh, tôi không nề hà việc này”.

Khi có người đến nhờ ông chữa bệnh, sau khi xem phim X-quang của người bệnh đã chụp ở các phòng khám, ông lên núi hái thuốc. Sau đó, thuốc được băm, giã nhỏ, xào lên và bỏ thêm một ít rượu. Có một điều đặc biệt là thuốc của ông chỉ được bó bằng lá chuối và buộc bằng dây lạt; kiêng kỵ việc dùng vải bẩn, vải trắng để buộc thuốc; mỗi lần thay thuốc, tuyệt đối không được vứt bã thuốc vào chỗ bẩn, mà phải ném xuống sông cho mát mẻ. Nếu phạm vào một trong những điều trên, vết thương sẽ không khỏi.

Tới các kiểu bốc thuốc… trời ơi đất hỡi

Trên đường PV NTNN tìm về xã Bắc Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng) có cụ bà hơn 80 tuổi xin đi nhờ xe. Hỏi thăm cụ có biết ai hành nghề thuốc Đông y trên địa bàn không? Cụ bà mách: Con cứ đi vào phủ hay đền thắp hương rồi xin quẻ. Sau đó cầm quẻ xin các vị thuốc theo bệnh của mình.

Tôi ngạc nhiên với cách dùng thuốc trên của người bệnh nên bỏ ngoài tai. Tuy nhiên, chị Phạm Thị Diến (trú tại xã Bắc Hưng) cho biết, cách xin thuốc và uống thuốc như trên đang được người dân ở đây áp dụng. Chị Diến cho biết:

“Từ xưa tới nay, nhiều người thấy mình mệt mỏi, có bệnh, muốn xin thuốc thì lên phủ gần nhà khấn vái, xin quẻ và tên thuốc. Sau đó, mang tên các vị đó ra các cơ sở bày bán Đông dược mua về dùng. Cũng có người khỏi, người không nhưng thấy nhiều người trước làm vậy chị cũng làm theo”.

Chị Diến cho biết chị không dùng thuốc Tây y và không tin vào kết quả chẩn đoán của bệnh viện mình đi khám (!?).

Ông Trần Hữu Hiên ở Kiến An, Hải Phòng bị thoái hóa đốt sống cổ. Đã dùng thuốc và cũng đi nhiều nơi khám chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm, được mách bảo, ông tìm đến nhà ông thầy tên Thúy ở xã Trường Thành, huyện An Lão chữa nhiều tháng nay.

Phương pháp của thầy Thúy chủ yếu là xoa bóp các huyệt bằng thuốc bóp tự làm bằng nhiều nguyên liệu (bí mật nghề) và tùy theo bệnh cụ thể. Bệnh nhân có thể đưa bệnh án hoặc tả triệu chứng, sau đó thầy sẽ điều trị theo yêu cầu của người bệnh.

Liệu trình và thời gian tùy vào từng bệnh. Bệnh cần uống thuốc gì thầy Thúy sẽ tư vấn và bán cho người bệnh. Nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh được chính thầy Thúy tự làm để chữa bệnh. Hiện, bệnh tình của ông Hiên và nhiều người bệnh phản ánh giảm hẳn. Tuy nhiên, khi hỏi thầy Thúy có giấy phép hành nghề không?

Cơ sở chữa bệnh có biển hiệu hay đăng ký với cơ quan chuyên môn để được hành nghề không? Thầy Thúy thú nhận là không có giấy phép cũng không đăng ký với cơ quan chuyên môn nào. Lâu nay, chủ yếu người dân mách nhau về chữa bệnh nên cứ theo thói quen cũ làm.

Không chỉ ở vùng nông thôn mà ở thành thị cũng có nhiều người đi bốc thuốc theo kiểu “truyền miệng”. Cụ Bùi Hữu Ái ở Kiến An, Hải Phòng năm nay 74 tuổi. Cụ được người thân truyền lại những bài thuốc quý và phương pháp điều trị bệnh chủ yếu về xương khớp… Khá nhiều người bệnh ở khắp nơi nghe tiếng cũng về điều trị và bốc thuốc uống. Nhưng cụ Ái hoạt động tự do, không có giấy phép hành nghề.

Bên cạnh đó, tại các phiên chợ quê ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… hay ở chợ Hàng (TP. Hải Phòng) các ông lang, bà mế vẫn rất tự do và công khai bày bán các vị thuốc tại chợ.

Theo Thông tư số 03/2012 của Bộ Y tế, các thuốc phải thử lâm sàng, trong đó có thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu gồm các loại: a) Thuốc có chứa dược liệu mới lần đầu sử dụng trên người. b) Thuốc đã thử lâm sàng trước thời điểm thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận. Các tài liệu về thuốc thử lâm sàng gồm nhiều loại, trong đó có tài liệu nghiên cứu về thuốc gồm thành phần công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, phiếu kiểm nghiệm thuốc (đối với thuốc hóa dược, thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu…).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại