Cách nay hai năm, một đứa bé hai tuổi từ làng Gueckedou ở đông nam đất nước Guinea phát bệnh. Dân chúng ở khu vực này thường xuyên săn dơi và ăn thịt chúng. Đứa trẻ chết vào ngày 6/12/2013. Gia đình đứa bé nói họ đã săn hai loại dơi, sau này được xác định mang virus Ebola.
Thịt rừng ở châu Phi gồm nhiều loại, chủ yếu là đười ươi, tinh tinh, dơi ăn trái cây và khỉ. Thậm chí ở nhiều vùng, người ta ăn nhím, chuột và rắn.
Ở một số vùng xa xôi, thịt rừng là nguồn thức ăn chủ yếu. Nhiều nơi coi đó là đặc sản. Ở vùng lòng chảo Congo, người ta ăn hết khoảng 5 triệu tấn thịt rừng trong một năm, theo Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế.
Thú rừng: vật chủ lý tưởng
Nhưng một số loài vật có thể mang những mầm bệnh chết người. Dơi mang một loạt virus và các nghiên cứu đã cho thấy một số loài dơi ăn trái cây là vật chủ lý tưởng của virus Ebola.
Qua phân, qua những trái cây chúng tiếp xúc, loài dơi có thể gây nhiễm cho nhiều loài linh trưởng như đười ươi và tinh tinh. Đối với những loài này, giống như con người, Ebola có thể khiến chúng tử vong. Trong khi ấy, dơi không hề hấn gì. Vì thế nó trở thành vật chủ lý tưởng của Ebola.
Tuy nhiên, giáo sư Jonathan Ball, chuyên gia về virus của Đại học Nottingham (Anh) nói, vẫn thực sự chưa rõ con đường truyền virus sang người chính xác là theo cách nào.
“Thường là có những loài trung gian, ví dụ như tinh tinh, nhưng các bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm virus trực tiếp từ dơi”, giáo sư Ball nói với BBC.
Nhưng thật khó để virus vượt qua những “rào cản chủng loài”, tức là từ động vật sang người, ông nói thêm. Con virus Ebola đầu tiên phải “bằng cách nào đó xâm nhập được vào tế bào mà nó có thể tái tạo một bản sao thông qua mối liên hệ với dòng máu nhiễm bệnh”.
Hầu hết những người mua thịt rừng từ chợ khi chúng đã được nấu chín, do vậy những người đi săn hoặc chế biến thịt sống có nguy cơ cao nhất.
Đợt bùng phát Ebola hiện nay cho thấy, cho dù khó khăn hoặc hiếm xảy ra đến đâu, việc lây nhiễm là hoàn toàn có thể, tuy nhiên cần nhớ rằng từ nạn nhân đầu tiên đến nay, bệnh nhân Ebola đều nhiễm từ một người nào đó có mầm bệnh.
Cấm thịt rừng?
Đã có những thảo luận về việc cấm thịt rừng, nhưng các chuyên gia tin rằng hành động này chỉ khiến việc buôn bán và tiêu thụ thịt rừng “đi vào bóng tối” chứ không chấm dứt.
“Săn thú rừng cũng còn là một truyền thống lâu đời ở châu Phi”, tiến sỹ Marcus Rowcliff từ tổ chức Xã hội động vật ở London, nói.
“Đó là một xã hội ăn thịt - có những cảm giác rằng nếu anh không có thịt hằng ngày thì có nghĩa là anh ăn uống không đúng cách. Cho dù anh có thể có những loại thịt khác, ở châu Phi ít phổ biến thói quen nuôi gia súc, gia cầm để lấy thịt”.
Người châu Phi có thói quen phổ biến là ăn thịt thú rừng
Dơi là vật chủ mang nhiều loại dịch bệnh khác ngoài Ebola. Và điều nguy hiểm là khi dân số thế giới ngày càng đông, mối tiếp xúc trực tiếp giữa con người và thế giới hoang dã ngày càng chặt chẽ và khả năng bùng nổ những loại dịch bệnh chưa từng thấy ngày càng cao.
Ở Ghana, một trong những quốc gia đang chịu đựng dịch Ebola, người ta săn dơi ăn trái cây khắp nơi. Các nhà khoa học đã phỏng vấn gần 600 người Ghana về thói quen ăn thịt dơi và thấy rằng, các thợ săn dùng nhiều cách để giết con mồi gồm bắn, đánh lưới, thậm chí là tìm xác dơi đã chết. Thợ săn thường xuyên tiếp xúc với dơi sống, bị cắn và cào xé là chuyện thường.
Dó đó, thợ săn là nhóm có nguy cơ cao nhất. Cuộc điều tra cũng cho thấy số lượng thịt dơi tiêu thụ ở Ghana lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đó: hơn 100.000 con dơi bị giết và bán thịt mỗi năm. Những người ăn thịt dơi hầu như không có ý thức về những nguy cơ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu nói rằng dù tồn tại nhưng nguy cơ là thấp. Bởi ở Ghana, chưa có ca bệnh nào được phát hiện liên hệ trực tiếp với hơn 100.000 con dơi bị giết thịt hằng năm.
Cho dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thịt thú rừng có liên hệ với dịch bệnh. Tờ Washington Post của Mỹ đặt câu hỏi: “Vì sao các quốc gia Tây Phi vẫn tiếp tục săn và ăn thịt rừng trong lúc đang có những lo ngại về dịch Ebola?”.
Giáo sư Melissa Leach, nhà nhân chủng học thuộc Đại học Sussex cảnh báo, những bài báo như của Washington Post không những không có ích mà còn nguy hiểm.
“Ăn thịt thú rừng không làm lây lan dịch bệnh. Cho đến nay, chúng ta chỉ biết bệnh đến từ một con dơi, truyền qua một đứa bé ở Guinea. Sau đó là căn bệnh người lây sang người. Người ta dễ nhiễm bệnh khi giao tiếp giữa người với người hơn là từ việc ăn thịt dơi”. Theo giáo sư Leach, những bài báo tiêu cực nói trên “ngăn cản mọi người hiểu đúng về nguy cơ thực sự”.