Tin đồn lan nhanh
Nội dung được chia sẻ nói về trường hợp một phụ nữ ở Đài Loan đột tử với các triệu chứng chảy máu mũi và mắt sau khi ăn tôm và uống Vitamin C.
Nguyên nhân bởi trong vỏ tôm chứa nhiều postassium 5 tổng hợp với thạch tín Arsenic Oxide (As2O5). Khi uống cùng Vitamin C, Arsenic Oxide sẽ chuyển thành ADB arsenic anhydride (As203) là chất thường dùng để vẽ viền vàng các chén đĩa.
Chất Arsenic độc này làm tê liệt các mạch máu nhỏ của tim gan, thận, ruột và biểu mô, gây xuất huyết tai, mắt, mũi, miệng.
Người Việt Nam có thói quen ăn tôm chấm cùng muối chanh, nhất là người miền bắc rất hay ăn món tép rang mặn với vài giọt chanh. Trong khi tép còn nhiều vỏ hơn tôm. Do đó, thông tin này đã khiến nhiều người vô cùng bất ngờ và sợ hãi.
Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là một tin đồn nhảm xuất hiện và lan truyền qua e-mail từ năm 2001. Sau này khi facebook phát triển, thông tin này lại được chia sẻ với mức độ chóng mặt. Thực tế chưa có trường hợp nào chỉ vì ăn tôm, tép cùng với vitamin C.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên cán bộ Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: “Vitamin C có trong rất nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày.
Nếu ăn tôm cùng vitamin này gây chết người thì chắc hẳn người Việt Nam đã gặp nạn gần hết, thậm chí thế giới cũng vậy”.
Ông cho biết asen là một yếu tố tự nhiên và phân phối rộng rãi, tìm thấy trong đất và khoáng chất. Nó được tạo thành trong con người thông qua thực phẩm, nước hoặc không khí. Tuy nhiên, asen có trong thực phẩm đa phần dưới dạng hữu cơ ít có hại cho sức khỏe.
“Một lượng nhỏ asen có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe con người, nếu tiếp xúc cao hoàn toàn có thể gây tử vong. Tuy nhiên, vitamin C không hề có đặc tính cho phép nó biến đổi yếu tố độc hại thành asen” - PGS Thịnh khẳng định.
Một vị chuyên gia khác cũng đồng quan điểm khi khẳng định Vitamin C chắn chắn không đóng vai trò gì trong việc biến đổi As2O5 thành As2O3.
“Bản thân As2O5 và As2O3 tồn tại nhiều trong các nguồn nước, và chúng ta đều sử dụng nó hàng ngày. Cả As2O5 và As2O3 đều gây ngộ độc cho cơ thể nếu hấp thụ quá nhiều.
Giả sử trong vỏ tôm có đủ lượng As2O5 để tạo ra lượng As2O3 gây độc tức thời cho người, thì người ăn vỏ tôm đã bị ngộ độc As2O5 rồi, không cần phải nhờ đến Vitamin C”, vị chuyên gia phân tích.
Theo các nhà khoa học, asen tồn tại trong các hợp chất hữu cơ và chuỗi thức ăn ít độc tính hơn thông qua quá trình Methyl hoá. Người ta tìm thấy asen trong một số loài cá và tảo (không nhắc đến tôm) tuy nhiên asen trong cá gần như là không độc hại.
Đặc biệt, chất tổng hợp của Kali (Potassium 5) với As2O5 như trong tin đồn, trong danh sách các chất có chứa asen trong tự nhiên, không có báo cáo nào về hợp chất này.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (khoa Dược, Đại học Y dược TP HCM) khi phát biểu với báo Gia đình & Xã hội cũng khẳng định:
"Vỏ tôm không thể chứa lượng asen nhiều đến mức gây độc cho chính con tôm, ngoại trừ trường hợp rất hiếm là tôm sống trong vùng nước ô nhiễm chứa quá nhiều asen (những nơi sản xuất hoá chất công nghiệp).
Nhưng người ta cũng không thể ăn lượng vỏ tôm nhiều đến mức gây “chết thình lình” như vậy”.
Do đó, khẳng định sự nguy hại của việc ăn tôm cùng với Vitamin C gây chết người hoàn toàn thiếu căn cứ và mang tính chủ quan, gây hiểu lầm không đáng có cho người dân, các chuyên gia nhấn mạnh.
Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.
Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!