Sắm vai người đang tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm trồng rau để về áp dụng vào công việc tăng gia sản xuất, chúng tôi thâm nhập thực tế tại những cánh đồng rau trên địa bàn hai xã Bàu Năng và Chà Là thuộc huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Những nông dân trồng rau tại đây chỉ dẫn chúng tôi khá tận tình, kể cả những kinh nghiệm thuộc loại “bí mật” riêng cũng được họ “bật mí".
Thuốc tăng trưởng pha chế sẵn được chuẩn bị “tắm” cho rau quả.
Ông Vàng, chủ vườn dưa leo và khổ qua ở cánh đồng rau xã Bàu Năng cho biết đứng đầu trong các loại rau quả có tần suất phun thuốc cao là dưa leo, kế đến là khổ qua, đậu bắp, rau cải, bí đao… “Dưa leo từ khi tạo trái đến thu hoạch chỉ cần chừng 7-10 ngày.
Cứ 2 ngày phun thuốc một lần, nếu ít bị ruồi vàng hay sâu tấn công thì giãn ra làm 3 ngày/lần. Có thể tăng liều lượng thuốc tuỳ tình trạng ruộng dưa. Vừa phải phun thuốc trừ sâu, đuổi ruồi vàng vừa phải phun thêm thuốc làm cho trái đều, đẹp nữa”- ông Vàng nói. Cũng theo lời ông, với tần suất thu hoạch 2-3 ngày/đợt đối với dưa leo, khoảng cách từ lần phun thuốc cuối cùng đến khi đem ra chợ bán chỉ khoảng… 24 giờ.
Ông Vàng cho biết thêm: khó có thể tính được một lứa dưa leo cần phải phun bao nhiêu lần thuốc, vì điều này phụ thuộc vào thời tiết, nhưng tính sơ sơ cũng cỡ… vài chục đợt, nào phun kích thích rễ, lá, nào phun cho hoa đậu trái, rồi còn phun để kích thích trái lớn nhanh, đẹp mắt…
Tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cho một công dưa leo chiếm khoảng vài triệu đồng. Cũng theo ông Vàng, nhờ được phun thuốc mạnh, dưa mới cho sản lượng 4-5 tấn trái/công và như vậy người trồng mới có lời được.
Bên cạnh dưa leo, rau cải cũng được cho vào danh sách bị “tắm” hoá chất nhiều nhất. Với loại rau ăn lá rất phổ biến này, trong suốt thời gian 2 tháng từ lúc trồng, chăm sóc cho tới ngày thu hoạch, trung bình cứ một công rau cải tốn chừng 3 triệu đồng tiền thuốc và phân bón các loại.
Bí đao được tập kết tại một vựa rau quả.
Một nông dân trồng bí đao gần đó khẳng định: ở cánh đồng này, trồng rau mà không phun thuốc thì không thể có rau để thu hoạch, bởi sâu bệnh bây giờ nhiều lắm. Và người trồng phải thường xuyên phun các loại thuốc kích thích cho rau quả thì năng suất, sản lượng mới cao (gấp nhiều lần so với việc trồng “chay”- không phun thuốc). Có “no nê” thuốc thì rau quả mới có được vẻ tươi non, bóng bẩy, bắt mắt người tiêu dùng.
Trên cánh đồng rau ở xã Chà Là, qua quan sát, chúng tôi thấy có khá nhiều vỏ chai thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng vứt vương vãi khắp nơi. Coi nhãn hiệu thấy tên: Sha chong Shuang; Marshal, Emaben… Trên tất cả nhãn mác đều có ghi lời cảnh báo: cực độc, độ độc cao, hoặc độ độc mạnh. Điều đó cho thấy bà con nông dân trồng rau sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu mà không quan tâm đến tác dụng nguy hại của nó.
Tại cánh đồng đậu bắp bạt ngàn ở xã Bàu Năng, tôi thấy một người đàn ông đeo khẩu trang kín mít đang phun thuốc cho các luống đậu bắp đang vào mùa thu hoạch sai trĩu trái. Mùi thuốc bốc lên nồng nặc. Phía đằng sau là những luống đậu bắp đã được phun thuốc xong cách đó vài giờ.
Cùng thời điểm, có vài người đang thu hoạch trái đậu bắp. Đầu bờ ruộng, có hai thùng thuốc tăng trưởng cây trồng đã được pha chế sẵn để “tắm” cho trái đậu bắp trước khi thu hoạch.
Hỏi thì được biết, không chỉ đậu bắp mà bất cứ loại rau trái nào cũng đều “sáng phun, chiều hái” hoặc “chiều phun, sáng hái”, bởi có như vậy trông chúng mới xanh tươi, mới đẹp! Nhìn những trái đậu bắp ngon mắt, chúng tôi không khỏi… phát ớn khi nghĩ tới các loại hoá chất độc hại đã ngấm vào đó không biết bao nhiêu mà kể! Sau khi được “tẩm ướp toàn diện” chúng cứ thế ung dung bước lên bàn ăn hằng ngày của mỗi gia đình.
Qua tìm hiểu từ một số nông dân, được biết thói quen của nhiều người hiện nay là cứ thấy cây trồng có dấu hiệu của sâu bệnh là xịt, phun thuốc… với liều lượng càng đậm đặc càng tốt. Người tiêu dùng vô tình sử dụng các loại rau quả tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… chẳng khác nào đưa chất độc vào người, không sớm thì muộn cũng phát sinh bệnh tật nguy hiểm.
Ở một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại TP. Tây Ninh, chị bán hàng khá bận rộn bởi lượng khách tới đây mua phân bón, các loại thuốc dùng cho cây trồng khá đông. Ở đây các loại thuốc dành cho rau quả thứ gì cũng có: thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, tạo trái… với giá khá rẻ.
“Cây non thì phun thuốc kích thích rễ, cây lớn thì kích thích lá, ngọn. Dưa leo, bí đao, khổ qua thì phải dùng thêm thuốc tạo trái, kích cho lớn trái, đều, đẹp, bóng… Em lấy loại nào?”- chị bán hàng hỏi rồi không cần chờ câu trả lời của người mua hàng, chị quay vào sạp lục lọi trong vài giây, bê ra mấy loại thuốc đựng trong chai lọ, túi.
Một chai nhỏ chừng bằng 3 ngón tay có thể hoà trong 5 lít nước- có công dụng làm cho cây bén rễ nhanh, giá chỉ chừng 15.000 đồng. 4 lọ lớn 250ml là thuốc kích thích cho cây trồng tốt lá, vọt đọt và giúp đậu trái, trái mau lớn, bóng mượt... giá mỗi lọ cũng chỉ 25.000- 35.000 đồng. Thì ra, những thứ được gọi là “thần dược” của rau quả lại rất rẻ và rất dễ kiếm.
Nghe và thấy tận tai, tận mắt mới biết suốt vòng đời sinh trưởng của một cây rau, tính từ khi chúng mới được gieo hạt đến khi cho thu hoạch, bất cứ giai đoạn nào cũng đều bị tẩm ướp, tắm táp bằng các thứ chất độc gây nguy hiểm cho sức khoẻ và cả tính mạng con người.
Trong lúc nhiều bà con nông dân trồng rau vẫn còn giữ thói quen sử dụng thuốc hoá học một cách vô tội vạ cho cây trồng, thì tốt nhất người tiêu dùng hãy cảnh giác với các thứ rau quả “to, đẹp bất thường” khi ra chợ chọn mua về để chế biến cho bữa ăn gia đình.