Phẫu thuật lấy khối u 'khủng' lồng ngực: Giành sự sống từ tử thần

AN HÀ |

Với kế hoạch chặt chẽ, tay nghề, kinh nghiệm và máy móc hiện đại hỗ trợ, các bác sĩ (BS) đã giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân có khối u lớn, u ác, phức tạp và hiếm gặp ở vùng lồng ngực.

Đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ

Trung thất là vùng lồng ngực nằm giữa hai lá phổi, chứa nhiều cơ quan quyết định sự sống còn của cơ thể như tim, các mạch máu lớn, khí phế quản, thực quản... Nơi đây lại có nhiều loại u bướu khác nhau, xuất hiện ở mọi độ tuổi, có cả lành lẫn ác tính.

Không chỉ bám bên ngoài, u còn xâm lấn vào bên trong các cơ quan và phát triển với kích cỡ gấp nhiều lần so với cơ quan bị xâm lấn, khiến người bệnh rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ngày 24/5, kíp mổ của bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM gồm các BS phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật tim và phẫu thuật tiêu hóa đã mổ và bóc toàn bộ khối u sợi thần kinh khổng lồ nặng đến 2kg cho bệnh nhân P.V.N.A., 18 tuổi (ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM).

Kích thước khối u to gần gấp đôi quả tim.

Theo ThS-BS Lê Phi Long - Trưởng phân khoa Lồng ngực-mạch máu BV Đại học Y Dược TP.HCM, u sợi thần kinh là loại u có thể gặp ở vùng trung thất sau, nhưng ít thường khi gây triệu chứng chèn ép do có kích thước nhỏ.

Khối u của bệnh nhân P.V.N.A. là trường hợp hiếm gặp và phức tạp vì có kích thước rất lớn, từ vùng cổ chui vào khoang lồng ngực, dính sát và bao quanh các mạch máu lớn, thực quản đồng thời lan sang phần phổi bên trái.

Việc tiếp cận và bóc tách khối u rất khó khăn, đòi hỏi BS có nhiều kinh nghiệm, tỉ mỉ, khéo léo.

 

Các bác sĩ đang phẫu thuật lấy khối u "khủng"

Các BS của BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng vừa mổ thành công ca u tế bào mầm ác tính ở trung thất trước cho một bệnh nhân 31 tuổi vào đầu tháng 6/2015.

Nằm ở vị trí trung thất trước, u có kích thước to, chèn ép và xâm lấn vào thành mạch máu gây ứ trệ máu vùng chi trên và đầu mặt cổ, gây nên hội chứng phù áo khoác, phù nửa thân người trên (mặt, ngực, hai tay).

Lúc đầu, bệnh tiên lượng rất xấu, khối u quá to và phức tạp nên không thể phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi sinh thiết, BS đã quyết định hóa trị cho bệnh nhân.

Nhờ đáp ứng tốt, sau sáu chu kỳ hóa trị, khối u mềm và nhỏ đi. Khi hội chẩn lại, các BS đã quyết định phẫu thuật và lấy được trọn khối u.

“Thắng trận” nhờ hiểu rõ “kẻ thù”

Ngoài u tế bào mầm hoặc u thần kinh, còn có một số loại u thường gặp khác có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh như: u tuyến ức, bệnh lý u hạch bạch huyết, u quái trung thất, bướu giáp thòng, bướu giáp lạc chỗ, nang màng tim, nang phế quản.

U tế bào mầm: thường gặp ở vùng trung thất trước và trên; có hai dạng u ác và u lành (u quái). U lành thường là một bọc có vỏ bao rõ, kích thước to, trong u thường có chứa xương, răng và tóc.

Nguyên nhân do trong quá trình phôi thai, các tế bào mầm đi lạc chỗ, tế bào mầm biệt hóa thành xương, răng, tóc…

Tuy không ác tính nhưng u này sẽ chèn ép gây khó thở cho người bệnh, thậm chí có thể vỡ, gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng.

U tế bào mầm dạng ác tính cực kỳ nguy hiểm vì nó thường to, xâm lấn các cơ quan quan trọng thuộc hệ hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn máu…

U tuyến ức (tuyến hung): có thể lành tính nhưng cũng có thể ác tính.

Khoảng 50% trường hợp bị u tuyến ức sẽ kèm theo một số bệnh lý như nhược cơ, tay chân yếu mỏi, sụp mi, suy hô hấp… do những chất tiết ra từ khối u.

50% còn lại tuy không tiết ra chất độc nhưng chèn ép gây nên những triệu chứng tại chỗ như đau, nặng - tức ngực, khó nuốt, nuốt vướng; hoặc thậm chí có thể là ung thư.

Hạch lympho vùng trung thất: là hiện tượng to ra, phì đại của hạch cùng trung thất. Đó có thể là hạch lao hoặc ung thư hạch.

Nếu là hạch lao sẽ có những triệu chứng của bệnh lao như sốt kéo dài, âm ỉ, không rõ ràng như sốt ở bệnh lý nhiễm trùng. Nếu là ung thư hạch thường có những triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân…

Nang màng tim, nang phế quản: tuy lành tính nhưng với kích thước to, gây ra những chèn ép vào tim, vào đường thở hoặc vỡ nang gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Điều đáng ngại, điểm chung của các loại u bướu này là khá nghèo nàn triệu chứng, triệu chứng không điển hình và rất khó để chẩn đoán bệnh.

Không chỉ vậy, không ít bệnh nhân khi được chẩn đoán có khối u đã có những phản ứng rất tiêu cực như tránh né điều trị, không tiếp tục thực hiện sinh thiết, điều trị.

Thay vào đó, họ lại tìm đến những thầy lang vườn chạy chữa. Hậu quả, khối u ngày càng phát triển cho đến khi rơi vào lằn ranh của sự sống - chết, bệnh nhân mới tìm đến BV.

Trong khi đó, ngày nay, ngay cả bệnh ung thư cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại