Chết vì suy kiệt trước khi chết vì khối u
Theo đó, người lan truyền thông tin kể lại rằng có một người bạn, bị ung thư, khối u to bằng cái chén nằm ở cuống phổi.
Bệnh viện trả về, bác sĩ cho biết không thể cắt bỏ vì nó nằm sát ở cuống phổi. Không đầu hàng trước bệnh tật, anh ấy đã không ăn đường, không ăn thịt, cơm mà chỉ uống nước xay bằng rau, củ như củ cà rốt, củ cải, củ dền, cam, táo...
Sau ba tháng uống liên tục khối u to bằng cái chén thu nhỏ lại chỉ còn bằng cái đáy chén, sau chín tháng khối ung thư biến mất.
Từ đó, người kể câu chuyện này kết luận “ung thư không được nuôi dưỡng bằng thịt bò, đường… sẽ chết”.
Trao đổi với Infonet về điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết nhiều bệnh nhân ung thư vẫn cho rằng, cần phải kiêng ăn, nhất là ăn thịt, rau.
Thậm chí có quan niệm thịt, rau có màu đỏ là kiêng tuyệt đối vì ăn nhiều kích thích ung thư phát triển nhanh.
Đây là quan niệm hết sức sai lầm, bởi nhu cầu của người bệnh cũng như người thường cần năng lượng cho hoạt động của cơ thể, thậm chí với bệnh nhân ung thư thì năng lượng càng cần nhiều hơn để chống chọi với bệnh tật.
“Trên thực tế, có thể kết hợp nhiều phương pháp khiến khối u teo đi. Với trường hợp nêu trên, chưa chắc nhịn ăn khiến khối biến mất.
Người bệnh không ăn đường nhưng vẫn ăn cơm, khoai nhiều thì rõ ràng cơ thể vẫn dung nạp một lượng đường nhất định từ cơm, khoai sản sinh ra.
Nếu cho rằng không ăn thịt sẽ giúp khối u teo đi càng không đúng.
Trong khi đó, người mắc ung thư mà không ăn hoàn toàn các chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng, sữa, đậu đỗ…) sẽ khiến cơ thể suy mòn, suy kiệt khiến teo cơ, giảm miễn dịch, dẫn đến tử vong do suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn chứ không phải do tế bào ung thư tấn công” – PGS Lâm nhấn mạnh.
Theo thống kê hàng năm ở nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u.
Các chuyên gia ung bướu cho rằng, đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân.
Vẫn phải ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng
BS Phạm Đình Tuần, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho rằng, ngày nay khoa học phát triển đã đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của thực phẩm, các chất dinh dưỡng đến bệnh ung thư.
Tuy những kết quả nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng cũng mở ra sự gợi ý về phòng và tránh ung thư từ dinh dưỡng 1 cách toàn diện.
Các nhà khoa học tại khoa Y của trường Đại học Harvard đã theo dõi hơn 90.000 phụ nữ ở độ tuổi 26-49 từ năm 1991 tới 2003.
Cứ 4 năm một lần, nhóm nghiên cứu hỏi những người tham gia về thói quen ăn uống và tất cả những bệnh mà họ mắc phải trong thời gian đó.
Tới năm 2003, hơn 1.000 người trong số đó bị ung thư vú. Các chuyên gia nhận thấy những phụ nữ ăn thịt đỏ ở mức bình quân 150 g mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gần gấp đôi những người chỉ dùng 300 g mỗi tuần hoặc ít hơn.
Theo BS Tuần thì có nhiều phương pháp ăn uống quá kham khổ cực đoan khi người bệnh đi vào đường cùng.
“Tôi nghĩ, có thể khi người bệnh nặng 60 kg có khối u 6 cm, khi nhịn ăn gầy xuống còn 30 kg thì khối u có thể giảm còn 3 cm. Điều này có thể lầm tưởng khối u được khống chế và suy giảm chăng?
Tôi đã gặp khá nhiều người bệnh ung thư đại trực tràng, vú, thận, tuyến giáp, cổ tử cung....ở giai đoạn sớm đáng lẽ họ nên phẫu thuật triệt căn thường mang lại thành công đến 70 - 80%, nhưng họ đã bỏ lỡ rất đáng tiếc cơ hội đó" - BS Tuần nói.
Về dinh dưỡng, mặc dù được xem là nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư song vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải xác đáng.
Nhưng người ta vẫn có những bằng chứng đáng ghi nhận cho thấy chế độ ăn uống cũng góp phần gây ra bệnh ung thư, tái phát ung thư và có tác dụng hỗ trợ nâng cao miễn dịch trong cuộc chiến chống ung thư.
Theo đó, chế độ ăn uống từ nguồn thực phẩm chế biến sẵn thiếu rau quả và trái cây tươi sạch cũng là một yếu tố rủi ro gây ung thư.
Vì vậy cần lựa chọn thực phẩm phù hợp cho từng giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm không chỉ phụ thuộc vào chủng loại mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật trồng trọt, chăm bón, chế biến và bảo quản chúng.
BS Tuần cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng điều trị, phòng ngừa tái phát, di căn, không chỉ hoàn toàn dựa vào phẫu thuật, hóa, xạ trị ở bệnh viện mà còn cần phải hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống, sử dụng thảo dược hợp lý và tinh thần lạc quan.
Tuy nhiên, tùy từng loại bệnh, từng giai đoạn và sức khỏe của mỗi người bệnh để đưa ra biện pháp phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Lâm khuyến cáo: người mắc ung thư vẫn cần phải ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng gồm năng lượng, đạm, các a xít béo cần thiết, các vitamin khoáng chất, đặc biệt cần bổ sung các chất chống o xy hóa.
Nếu điều kiện cho phép người bệnh có thể dùng thêm các thảo dược có tác dụng ngăn ngừa ung thư như nấm linh chi, tam thất, nấm lim xanh và một số thuốc đông y đặc biệt.
Đặc biệt, người mắc ung thư cần tuyệt đối kiêng rượu bia, thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra, người bệnh cũng cần có tâm lý lạc quan, sống vui, sống khỏe và sống có ích. Điều này làm các tế bào trẻ lại, chống lại các tế bào ung thư.