Nguy hại thực phẩm được "làm nhừ" bằng sản phẩm tẩy rửa

Kết quả kiểm tra của Bộ Y tế cho biết trên thị trường có sử dụng Natri cacbonat để làm nhừ. Đây là những sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh và làm sạch bề mặt các vật dụng sinh hoạt.

Thời gian qua nhiều bà nội trợ mách nhau bí quyết giúp ninh, nấu siêu nhanh, siêu tiết kiệm bằng cách sử dụng bột nhừ. Thậm chí, khi luộc lạc, ngô, khoai, sắn hay nấu chè người ta cũng mách nhau sử dụng bột này để rút ngắn thời gian chế biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cần cảnh giác với thứ bột này.

Trên thực tế, bột làm nhừ không phải là khái niệm xa lạ, nhưng khi sử dụng trong chế biến thực phẩm cần phải đảm bảo những quy định nghiệm ngặt về chất lượng. Điều đáng nói ở đây là nhiều loại bột nhừ được bày bán trên thị trường đều là những mặt hàng trôi nổi, không nhãn mác.

Nguy hại thực phẩm được "làm nhừ" bằng sản phẩm tẩy rửa

Ảnh minh họa

Trước thông tin về bột nhừ trôi nổi, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế lấy mẫu kiểm tra. Tại TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 4 mẫu bột ngẫu nhiên trên thị trường. Kết quả kiểm tra cho thấy: 2 mẫu là Natri bicacbonat với hàm lượng 84% và 93,27%; 1 mẫu là Natri cacbonat với hàm lượng 81,20% và 1 mẫu không rõ nguồn gốc là muối Natri hàm lượng gần 80%. Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết những chất này nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng (nhóm điều chỉnh độ acide, chống đông vón, tạo xốp) nhưng không phải là chất được sử dụng để làm nhừ thực phẩm. Chính vì vậy, việc sử dụng những chất này để làm nhừ thực phẩm là không được phép.

Các chuyên gia cũng cho biết, các hóa chất khác cùng loại như Natri cacbonat thì tuyệt đối không được cho vào thực phẩm. Đây là những sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh và làm sạch bề mặt các vật dụng sinh hoạt, thường được chế biến từ sản phẩm hóa chất có độ tinh khiết không cao, chứa nhiều tạp chất như kim loại nặng (Chì, A sen, Thủy ngân, Cadimium…) có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, tính mạng nếu ăn uống phải.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phòng, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng cần phân biệt rõ cùng một tên sản phẩm nhưng dùng trong thực phẩm thì khác, còn dùng trong công nghiệp và những lĩnh vực dân dụng lại khác. Người chế biến thực phẩm không thể đánh đồng lẫn lộn giữa hai cái, rồi đưa sản phẩm phụ gia công nghiệp rồi vào sử dụng trong thực phẩm, làm cho người dân hoang moang. Rõ ràng chúng ta có luật cấm hành vi sử dụng phụ gia công nghiệp vào chế biến thực phẩm.

Theo các chuyên gia, đối với những phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng của Việt Nam liều an toàn đối với người được tính bằng mg trên kg trọng lượng cơ thể. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

PGS. TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước mắt sử dụng những thực phẩm có “chất độc” chưa gây ảnh hưởng ngay nhưng về lâu dài có thể tích lũy, đến khi đủ số lượng sẽ gây tổn thương gan, thận, tế bào, thậm chí tổn thương tế bào não, bệnh mãn tính, đột biến gen.

Sự độc hại đối với sức khỏe con người là vậy nhưng một số người vẫn cố tình sử dụng “bột nhừ” trong kinh doanh để kiếm lời. Thiết nghĩ không chỉ có các cơ quan chức năng như TP.HCM mà các thành phố khác, trong đó có Hà Nội cần sớm vào cuộc và mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý để dẹp bỏ những hành vi gian lận có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại