2 tiếng vẫn còn nguyên sợi
Nghiên cứu được cho là của bác sĩ Braden Kuo, Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) thực hiện, cho thấy quá trình tiêu hóa phức tạp của mỳ ăn liền trong dạ dày.
Để thực hiện nghiên cứu này, bác sĩ đã sử dụng một chiếc máy quay có kích cỡ chỉ bằng một viên thuốc để biết những gì thực sự đang diễn ra bên trong dạ dày sau khi ăn mỳ.
Video cho thấy mì ăn liền mất rất nhiều thời gian mới có thể tiêu hóa được. Sau 2 tiếng, nó vẫn còn nguyên sợi khiến bộ máy tiêu hóa của chúng ta phải làm việc mệt mỏi, phức tạp. Điều này khác hẳn khi so sánh với việc ăn mì tươi.
Mì ăn liền khó tiêu và ảnh hưởng tới sự hấp thu dinh dưỡng nhưng bản thân nó lại không hề có những chất có lợi cho sức khỏe, thay vào đó nó có chất bảo quản độc hại TBHQ (tertiary-butyl hydroquinone).
Theo Livestrong.com, TBHQ là một chất bảo quản hay được sử dụng cho một số loại thực phẩm chế biến sẵn như gà rán của McDonald, bánh bơ đậu phộng Reese, bánh Kellog, bánh pizza đông lạnh...
Nó được phân loại như một chất chống oxy hóa tổng hợp, có thể kéo dài tuổi thọ của các thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép 0,02% TBHQ trong tổng các loại dầu. Tiêu thụ 5g TBHQ đã được coi là có thể gây chết người.
Một nghiên cứu khác cho biết, phụ nữ ăn nhiều mì ăn liền có nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa, ngay cả khi họ có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ ăn loại mì này nhiều hơn 2 lần một tuần có 68% khả năng rối loạn chuyển hóa, bao gồm cao huyết áp, béo phì, tăng hàm lượng chất béo trung tính, tăng đường huyết và giảm nồng độ HDL cholesterol (loại cholesterol có ích).
Không nên dùng thường xuyên
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong thành phần mì ăn liền có chứa nhiều chất shortening.
Đây là một loại chất béo đã được hydrogen hóa từ dầu hoặc mỡ. Thông thường các nhà sản xuất thường dùng chiên rán một số sản phẩm trong đó có mỳ nhằm mục đích bảo quản lâu.
Tuy nhiên, ít người biết được shortening chính là hầu hết axit béo đã bị hydrogen hóa nên trở thành axit béo no không có lợi về sức khỏe. Axit béo no rất dễ gây ra các bệnh như mỡ máu, làm tăng cholesterol trong máu và rất khó tiêu hóa.
Tiến sĩ Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Theo TS Sửu, ngoài thành phần shorterning trong gói gia vị của mì chứa nhiều chất phụ gia có tác dụng làm ngon miệng. Song, những chất này không có dinh dưỡng và rất cay nóng, gây bất lợi cho người cao huyết áp hoặc có thân nhiệt cao.
Về mặt dinh dưỡng, mỳ ăn liền chủ yếu cung cấp bột và đạm thực vật. Do đó, mỳ ăn liền thiếu cân bằng dinh dưỡng bởi thiếu đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi.
Bởi vậy, không nên dùng mỳ ăn liền thay cho các bữa ăn chính hằng ngày vì nó chỉ cung cấp nhiều calo chứ không cung cấp đủ vitamin hay protein cho cơ thể.
Riêng về chất bảo quản độc hại TBHQ (tertiary-butyl hydroquinone) có trong mỳ ăn liền như một nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra là gây khó khăn trong việc tiêu hóa.
Các chuyên gia cho rằng, thực chất đây là một hỗn hợp gồm Mono - tert - butylhydroquinone, t-butylhydroquinone, 2 - (1,1 - dimethylethy) - 1,4 - benzenediol, có công thức phân tử là C10H14O2.
Đây là chất được sử dụng rộng rãi trong công nghệ chế bến thực phẩm đặc biệt là những sản phẩm chiên rán như khoai tây chiên, ngũ cốc khô, mỳ ăn liên …loại chất này giúp cho nhà sản xuất bảo quản thực phẩm được lâu hơn.
Đối với con người, khi ăn thực phẩm chứa loại chất này, sẽ được hấp thụ qua đường tiêu hóa và có thể tồn tại trong mô bào, chúng có thể tham gia vào quá trình trao đổi chất của người và động vật và cuối cùng được lọc bởi thận và thải ra ngoài qua nước tiểu.
Tuy nhiên, đây là chất được các nhà khoa học cảnh báo là có khả năng gây ung thư ở ngoài và khó tiêu hóa khi vào cơ thể. Trên thế giới một số nước đã cấm sử dụng loại chất này trong chế biến và bảo quản thực phẩm, điển hình là Nhật Bản.