Loại cơm này rất khác cơm trắng hàng ngày chúng ta ăn!

Ngọc Thảo |

Một bát cơm gạo trắng và một bát cơm gạo lứt với người tiểu đường có gì khác nhau, mà nhiều người tin rằng kiêng cơm gạo xát trắng, nhai cơm gạo lứt sẽ chữa được bệnh của mình?

Trong cuộc sống hiện nay, khi mà thực phẩm bẩn tràn lan, đồ ăn thức uống công nghiệp (hoặc chế biến sẵn) chứa nhiều chất được khuyến cáo là nên dùng hạn chế, thì xu hướng tìm về cách ăn uống hợp tự nhiên đang được nhiều người tìm hiểu và làm theo.

Gạo lứt muối mè là cách gọi dân dã theo kiểu Việt Nam về phương pháp thực dưỡng Ohsawa, do GS người Nhật Georges Ohsawa (1893-1966) sáng tạo ra. Phương pháp này được áp dụng thịnh hành trên thế giới chính nhờ nó hợp quy luật âm dương, hợp quy luật tự nhiên.

Tại Việt Nam, chỉ cần gõ cụm từ "gạo lứt muối mè" hay "phương pháp Ohsawa", hoặc "thực dưỡng Ohsawa", bạn có thể thấy vô số trang web kinh doanh ăn theo phương pháp này.

Chúng tôi không khuyên bạn nên hay không nên tin theo những trang web như vậy, mà chỉ cung cấp ở dưới đây nguyên lý khoa học của phương pháp thực dưỡng Ohsawa hay gạo lứt muối mè.

Bản chất phương pháp này khuyến khích mọi thứ thuận theo tự nhiên, quân bình âm dương, không phải là một sản phẩm của nền công nghiệp sản xuất hàng loạt...

Có gì trong bát cơm gạo lứt?

Gạo trắng hay gạo lứt, cùng đưa carbohydrate (gọi tắt là carbs) vào cơ thể, tại sao có sự khác biệt lớn như vậy?

Tại sao một cái gây ra sự tăng đường huyết đột ngột, cái còn lại giúp người bệnh hạ chỉ số về mức của người thường?

Đó chính là bởi cấu trúc phân tử mỗi loại khác nhau mà dựa trên cấu trúc đó, các nhà khoa học phân ra carbs đơn và carbs phức, còn các nhà dinh dưỡng phân biệt carbs tốt và carbs xấu.


Gạo lứt muối mè.

Gạo lứt muối mè.

Carbs đơn là carbs đã qua tinh chế với phân tử đơn, được hấp thụ ngay lập tức vào cơ thể, gay ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất hoocmon của cơ thể, đặc biệt là insulin.

Bên cạnh đó, carbs đơn trong các thực phẩm tinh chế cung cấp một lượng calo "rỗng", tức là rất ít giá trị dinh dưỡng. Khi đó cơ thể sẽ nhanh chóng chuyển hóa chúng thành mỡ, gây ra hiện tượng béo phì.

Đó chính là lí do các nhà dinh dưỡng gọi carbs đơn là "carbs xấu", chúng có trong: gạo xát trắng, ngũ cốc xát vỏ, nước ngọt, đường và các loại tinh bột đã qua tinh chế, xử lý vỏ cám, v.v...

Quá trình xử lý công nghiệp làm mất hết chất xơ cùng các chất dinh dưỡng tự nhiên của thực phẩm, chỉ để lại thành phần duy nhất là tinh bột.

Điều đó khiến mọi người hiểu chung "tinh bột" là có hại, gây nên bệnh tiểu đường và các bệnh chuyển hóa khác. Bởi vậy nên các chế độ ăn kiêng loại bỏ hoàn toàn tinh bột ra khỏi thực đơn để giảm cân được áp dụng tràn lan, không khoa học như hiện nay.

Trên thực tế, không phải tinh bột nào cũng như nhau. Và cơ thể chúng ta cần tinh bột để duy trì sự cân bằng, não bộ đặc biệt rất cần tinh bột từ các loại hạt để luôn tỉnh táo và sáng tạo, cho hiệu suất công việc tốt nhất.

Carbs phức hợp là một chuỗi gồm 3 hay nhiều phân tử đường tạo nên, có trong ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt đậu nguyên vỏ và một số trái cây, củ quả ít ngọt.

Nhờ cấu trúc hóa học này mà carbs phức giúp cơ thể tránh được hiện tượng đường huyết tăng lên quá nhanh. Không chỉ vậy, chúng còn có những ưu điểm nổi trội hơn hẳn carbs đơn, đặc biệt tốt cho sức khỏe.

Ví như trong một bát cơm nấu bằng gạo lứt đem lại cho cơ thể:

- Nhiều chất xơ và dưỡng chất hơn: lớp vỏ cám và mầm lúa có trong gạo lứt chứa chất xơ, giúp giảm cholesterol và thải độc ruột, giảm số đo bụng.

- Chỉ số GI thấp hơn gạo trắng, ổn định đường huyết và quá trình sản xuất Insulin tự nhiên của cơ thể.

- Hiệu ứng nhiệt lớn hơn, chỉ số calo thấp hơn: giúp bạn ổn định cân nặng và đẩy mạnh trao đổi chất. Bởi trao đổi chất trì trệ chính là nguyên nhân của thừa cân, béo phì.

Lưu ý khi sử dụng gạo lứt muối mè

Trong các loại cây trồng, cây lúa bị nhiễm asen tự nhiên trong đất nhiều nhất, mà lớp vỏ cám (lứt) chính là nơi tích tụ nhiều asen trong hạt gạo.

Tuy ăn gạo lứt rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng cần tham khảo hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia khi thực hiện theo phương pháp này.

Đặc biệt lưu ý, luôn phải ngâm gạo lứt trước khi nấu. Để an toàn và đồng thời kích nẩy mầm cho các loại hạt, trong đó có hạt gạo lứt, nên ngâm gạo 22h, chú ý thay nước thường xuyên. Khi nấu đổ nước ngâm đi và nấu bằng nước mới.

Nấu cơm bằng lồng hấp theo công nghê percolating để hơi nước luân chuyển liên tục qua gạo, hoặc nấu cách thủy trong nồi áp suất, có thể giúp loại bỏ asen.

Phương pháp này không nên áp dụng quá lâu, có thể dẫn đến mất cân bằng trong cơ thể, thiếu chất, v.v...

Đến khi các chỉ số trở lại bình thường, nên kết hợp đưa thêm nguồn dinh dưỡng phong phú từ thực phẩm khác, tùy theo hướng dẫn cụ thể với từng thể trạng bệnh.

Thông thường với người bệnh tiểu đường, chỉ cần ăn ngũ cốc lứt thay thế cho toàn bộ thực phẩm tinh chế đã giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, gạo lứt có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Do đó không riêng gì người bệnh mà người khỏe mạnh cũng nên ăn để phòng ngừa bệnh tật.

"Tuy nhiên nếu là thanh niên đang tuổi lớn hay người bị bệnh thận thì hạn chế ăn với muối mè vì sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như khi ăn với cá thịt, rau củ.

Riêng với những người mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… thì gạo lứt, muối mè thật sự là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khoẻ", bà Lâm nhấn mạnh.

Do cũng là ngũ cốc như gạo trắng nên cơm gạo lứt có thể ăn với các đồ ăn kèm khác mà không kiêng kị gì. Tuy nhiên nếu nhằm mục đích trị bệnh thì phải ăn với muối mè vì trong đó có lượng dầu thực vật cung cấp axít béo không no (tạo cảm giác no ảo) cần thiết cho người ăn.

* Nội dung này dẫn theo Congluan.vn

* Tham khảo từ nhiều nguồn

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại