Nhiều vụ thực phẩm Trung Quốc bẩn, độc được phát hiện khiến người tiêu dùng rủ nhau tẩy chay hàng Tàu. Tuy nhiên, các gian thương vẫn qua mặt người mua hàng bằng chiêu thức gắn mác Việt cho hàng Tàu một cách hết sức tinh vi.
Lừa người tiêu dùng Việt
Trong năm qua, trên thị trường dội lên vấn nạn thực phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng. Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, lấn át hàng Việt, từ cá thịt đến rau quả, gừng tỏi...
Đầu năm nay, người tiêu dùng hoang mang trước thông tin cá tầm vẫn được người bán, nhà hàng quảng cáo là cá tầm Tam Đảo đa phần là cá nhập từ Trung Quốc, giá bán chỉ bằng 2/3 so với cá tầm nuôi tại Việt Nam. Sau đó, lực lượng chức năng còn phát hiện một vụ vận chuyển 2 tấn cá lóc có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu về Hà Nội.
Người mua khó phân biệt được cá tầm nuôi tại Việt Nam (trái) và cá tầm Trung Quốc (phải)
Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Song, khi đến các chợ lẻ, lập tức nó trở thành... hàng Việt!
Khoai tây Trung Quốc được gắn mác khoai Đà Lạt. Các mặt hàng như bắp cải, bông cải, cải thảo cà rốt, hành tây... nhập hàng từ Trung Quốc nhưng người bán sẽ giới thiệu đây là hàng Đà Lạt, Tiền Giang.
Hành tây Trung Quốc sẽ được người bán tại chợ khẳng định là hành tây Đà Lạt. Gừng, tỏi... có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối với số lượng lớn, nhưng khi ra chợ lẻ chúng sẽ đội lốt hàng Việt khiến người tiêu dùng không thể phân biệt.
Hoa quả Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam được bày bán tràn lan trong các chợ
Cam, quýt được nhập từ Trung Quốc sẽ được người bán hàng tại chợ khẳng định là hàng Việt, lấy từ Hà Giang, Vinh... Các loại hoa quả như xoài, táo, dưa... cũng được giới thiệu lấy từ Bắc Giang, Hà Giang, hay hàng miền Nam chuyển ra.
Một thùng cam Trung Quốc được tập kết ở chợ Long Biên. Từ đây, cam sẽ được đưa về các sạp dưới mác cam Hà Giang.
Theo tiết lộ của một người bán hàng vì bây giờ người tiêu dùng không chuộng các mặt hàng kém chất lượng, mà thời gian qua, hàng Trung Quốc luôn bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc. Do đó, họ mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá. Thực tế, các chủ cửa hàng tại các chợ lấy hàng rẻ. Song khi được "gắn" mác Việt Nam, họ sẽ bán với giá cao hơn gấp hai, ba lần.
Người tiêu dùng nên tỉnh táo
Tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Và nếu không có giải pháp hữu hiệu thì uy tín của hàng Việt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay ở các địa phương là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt chỉ được phát hiện sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao kết hợp lời khai của các đối tượng vận chuyển. Còn khi đã lưu thông ra thị trường thì rất khó kiểm soát. Trong khi đó, con số hàng hoá giả mạo hàng Việt phát hiện được cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong lượng hàng hoá không được kiểm soát về chất lượng đang trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Vì thế, mỗi người tiêu dùng nên tỉnh táo khi mua hàng để tránh tình trạng mua hàng nhái, giá cao, không đảm bảo chất lượng.
Gừng Trung Quốc (trái) đẹp hơn gừng trong nước nhưng mùi thơm thì thua xa
Theo các chuyên gia, do được dùng nhiều chất kích thích, bảo quản nên hầu hết trái cây Trung Quốc có kích thước đều đặn, láng bóng và giữ được rất lâu trong môi trường tự nhiên. Chỉ cần tinh mắt một chút là bà nội trợ dễ dàng nhận ra đâu là rau quả Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam.
Mẹo nhanh phát hiện hàng Tàu
Khoai tây vàng của Trung Quốc củ to, mẫu đẹp hơn, vỏ dày hơn nên quá trình vận chuyển đi xa không bị xước như khoai Đà Lạt.
Gừng Trung Quốc trơn, bóng, mọng nước, ruột vàng, ít xơ, lớp vỏ nhẵn nhụi, căng mọng, củ to, đều, ít nốt sần sùi, được vệ sinh rất sạch sẽ. Gừng ta tuy xấu mã, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong nhưng rất thơm.
Hành tây Trung Quốc có vỏ xanh, còn hành tây Đà Lạt thường bóng, có hình dạng tròn đều hoặc bầu dục, có màu vàng, tím hoặc trắng.
Tỏi Trung Quốc thường nhiều tép, củ to, vỏ mỏng, rất dễ bóc, có vị hăng, the. Tỏi ta có nhiều loại song củ nhỏ, khó bóc, vị thơm rất đặc trưng.
Hành Trung Quốc củ to, chỉ có một tép, không thơm, vỏ mỏng. Hành ta thường cỏ vài tép trên một củ, rất thơm, lớp vỏ dày.
Cà rốt ta củ nhỏ, đậm màu, tươi mới, thường có cuống không như cà rốt Trung Quốc bóng loáng, đều củ, to, không có cuống hay đầu thường bị đen do để lâu.
Bí đỏ Việt Nam nhỏ, sần sùi. Bí đỏ Trung Quốc thường có kích thước gấp đôi, gấp 3 bí ta, quả dài, bóng và đẹp hơn .
Bắp cải Trung Quốc thường được bọc trong túi lưới, dạng tròn, to bằng nắm tay, xanh nhạt, lá xoăn. Còn bắp cải ta to, màu trắng.
Cà chua Trung Quốc quả to, bóng đều, không cuống vì sử dụng chất bảo quản rất lâu. Cà chua ta thường có cuống, tươi hơn.
Lựu Việt Nam trái nhỏ, hột nhiều, dày, màu da xanh. Lựu TQ to, tròn, vỏ mỏng, màu trắng hồng.
Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám. Quýt Trung Quốc vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô, chai.
Cam Vinh trái tròn, nhỏ, có màu xanh vàng, vỏ thường bị nám. Cam Trung Quốc trái to, có màu vàng tươi, vỏ mỏng, trơn láng, không hạt; múi có mùi úng.
Nho Trung Quốc to tròn, có lớp vỏ màu nhạt, ăn vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Nho Ninh Thuận quả nhỏ, chùm ngắn, màu xanh tươi.
Cải thảo Đà Lạt bắp tròn trịa. Cải thảo Trung Quốc lá xanh đậm, thon dài.
Súp lơ xanh của Đà Lạt còn lá và thân đầy đủ, vị ngọt đậm đà. Súp lơ Trung Quốc bị cắt mất thân và bọc trong bao xốp, chất lượng kém hơn so với hàng Đà Lạt, để cả tháng vẫn trắng tươi, không bị hỏng.