"Tác dụng phụ"
Hạt mít ăn vào là có phản ứng phụ không hay ho, còn làm người ăn có phen ngượng chín mặt.
Anh Lê Văn Dũng (Hà Nam) kể về phen khốn đốn khi về ra mắt bố mẹ vợ tương lai. Anh đóng quân ở Sơn Tây nên mang xuống cho nàng quả mít chín. Hai đứa ăn một phần ba, còn nàng đem cho hết.
Nhưng nhìn chỗ hạt mít mẩy ngon, lại chưa đến giờ đi nên nàng tiếc của giời cho lên bếp lò rang thơm nức, rồi hai đứa dựa vào nhau nhí nhách ăn.
Về gần về tới nhà bố mẹ vợ tương lai thì nàng kêu đau bụng, còn anh thì liên tục… "xì ga". Dừng xe ở sân thì nàng chạy ngay đi, còn anh thì luống cuống không dám bước chân vào nhà.
Tới giờ đã có hai con, nhưng mỗi mùa mít về anh chị vẫn nhớ phen khốn đốn vì… hạt mít nướng.
Như anh Dũng, rất nhiều người đã từng khốn đốn, ngượng đỏ mặt bởi tác dụng phụ không đúng lúc của hạt mít.
Công dụng của hạt mít
Theo y học cổ truyền, hạt mít có tác dụng bổ trung, ích khí và gây trung tiện, thông tiểu tiện.
Trong dân gian thường dùng hạt mít luộc, rang, nướng, hấp cơm ăn đều rất thơm, ngon, bùi.
Các nhà ẩm thực chế biến hạt mít trong món chân giò hầm, giã bột làm bánh… đều rất thơm, ngon bùi.
Đặc biệt bà con vùng mít xưa thường phơi khô làm lương thực dự trữ trong tháng ba ngày tám để cứu đói.
Các nhà dinh dưỡng cho rằng hạt mít giàu dinh dưỡng, 70% tinh bột, 5,2% protein, 0,62% lipid, 1,4% các chất khoáng. Trong hạt mít rất giàu magiê, vào cơ thể cùng canxi giúp xương chắc khỏe, ngừa loãng xương.
Hạt mít chứa hàm lượng chất xơ cao, ngừa táo bón, giải độc, thải độc tố, giúp cho gan khỏe mạnh.
Hạt mít làm đẹp
Hạt mít rất tốt cho phụ nữ trẻ đẹp, nhất là giảm nếp nhăn trên mặt, giúp da mặt tươi tắn mịn màng hơn, duy trì độ ẩm cho da, ngừa mụn nhờ Protein và các chất dinh dưỡng khác trong hạt mít.
Vitamin A trong hạt mít giúp mắt sáng khỏe, ngăn chặn các bệnh về mắt khó nhìn ban đêm. Vitamin A thúc đẩy tóc khỏe, giảm khô gãy rụng tóc, giảm bớt căng thẳng và nhiễm trùng
Hạt mít còn có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn nếu ăn thường xuyên.