Các bậc danh y tiền bối chỉ có Hải Thượng Lãn Ông (là tên hiệu của cụ Lê Hữu Trác) là người có ghi chép lại các trường hợp bệnh chữa khỏi gọi là Dương án và các trường hợp bệnh không chữa khỏi, tử vong gọi là Âm án để đời sau lấy đó làm gương, may ra tìm được phương thuốc khác mà cứu được người.
Tôi là một dược sĩ, nên chỉ ghi chép lại các trường hợp bản thân được chứng kiến về tác dụng của thuốc để rút kinh nghiệm hoặc cảnh báo cho người thân và cộng đồng. Nhân có “Diễn đàn: Tai biến y khoa” trên báo Sức khỏe&Đời sống, tôi xin góp một câu chuyện đã ghi chép được cách nay 40 năm.
Trong Đông y nhân sâm được xếp vào hàng quý hiếm: sâm, nhung, quế, phụ. Thời kỳ bao cấp nước ta nhập nhân sâm của Triều Tiên về phân phối cho các cán bộ thuộc diện Ban bảo vệ sức khỏe của tỉnh quản lý, mỗi suất 10g sâm củ loại một (15 củ = 600g).
Tôi là Trưởng trạm Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm dược phẩm tỉnh Bắc Thái (trong các tỉnh thành trên cả nước khi ấy chỉ có Bắc Thái có liên trạm NCDL & KNDP) thuộc diện “có tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe” nên được phân phối một suất. Vợ tôi cũng là dược sĩ đại học (chuyên khoa dược liệu khóa đầu tiên của Trường đại học Dược Hà Nội) công tác ở Phòng Quản lý dược Ty Y tế Bắc Thái nên cũng biết tác dụng của nhân sâm.
Cuối tháng 10/1973 sắp chuyển dạ đẻ nên vào Khoa Sản - Bệnh viện A để chờ đẻ. Nhà tập thể của chúng tôi cũng ở liền Bệnh viện A nên cứ hết giờ làm việc là tôi sang xem vợ có chuyển biến thế nào. Vợ tôi đau kéo dài tới 12 giờ, rất mệt (vì là đẻ con đầu nên chúng tôi chưa có kinh nghiệm gì chỉ trông vào các thầy thuốc Khoa Sản).
Thấy vợ mệt quá, tôi phải đến bác sĩ bệnh viện trưởng xin tem phân phối mua một hộp sữa đặc hiệu “Ông Thọ” cho vợ bồi dưỡng. Khi đem sữa về cho vợ uống, vợ tôi tức giận bảo: “Người ta đau mệt chết đi được, có tí nhân sâm lại đem cất đi, đợi bao giờ không thở được mới cho uống à”, tôi bảo: “Nhân sâm là thuốc bổ thuộc loại đại bổ nguyên khí. Nếu dùng cứu nguy cho người thoát dương thì phải phối hợp với phụ tử chế. Em mệt do đau đẻ, không biết dùng nhân sâm độc vị có được không”. Vợ tôi bảo: “Em còn nhớ lời thầy giảng về nhân sâm khi còn là sinh viên: Các nhà khoa học Liên Xô đã thí nghiệm cho hai lô chuột nhắt, lô thứ nhất uống nhân sâm, lô thứ hai làm đối chứng cho uống nước cất, rồi bắt tất cả lội nước. Kết quả cuối cùng là sau hai giờ lội nước, lô uống nhân sâm có tới 80% số chuột vẫn còn đủ sức lội nước so với đối chứng là 0%”. Tôi bảo: “Đó là thí nghiệm trên động vật khỏe mạnh, còn em là người chờ đẻ, để anh phải tra sách cho kỹ đã, không thể thấy nhân sâm là thuốc bổ thì dùng được”.
Tôi về phòng làm việc tra cứu trên các tài liệu hiện có như: Dược điển Việt Nam I (1970). 6 tập sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của dược sĩ Đỗ Tất Lợi (năm 1980 dược sĩ Đỗ Tất Lợi mới được Nhà nước phong hàm Giáo sư Đại học) và một số sách của Trung Quốc, Dược điển Liên Xô IX (1961). Trong mục nói về nhân sâm, tất cả đều không có một chữ nào khuyên không nên dùng nhân sâm cho người đau đẻ. Chỉ có lời khuyên: “Những người bệnh có thực tà không dùng được” và truyền thuyết về “Phúc thống phục nhân sâm... tắc tử” lưu giữ trong đầu tôi. Truyền thuyết kể rằng có một thầy lang khám cho cháu 3 tuổi bị đau bụng, đi phân lỏng, thấy cháu quá mệt, thầy định cho dùng nhân sâm, trước khi quyết định thầy giở sách tra cứu về nhân sâm, ở đoạn cuối trang ghi: phúc thống phục nhân sâm... Thầy vội gấp sách lại rồi cho cháu uống thang thuốc có nhân sâm, sau khoảng nửa canh giờ thì cháu tử vong. Thầy tra lại sách, mở tiếp trang sau có chữ... tắc tử. Như vậy, sách đã ghi: Đau bụng dùng nhân sâm... ắt chết (tiếc rằng chữ “ắt chết” lại ở trang sau mà lần đầu thầy chưa giở ra). Truyền thuyết này đã nhắc nhở tôi phải đọc kỹ tài liệu để tránh sai sót như người xưa.
Thế là tôi phải thuận theo ý vợ, chia suất nhân sâm 10g thành 5 miếng, đưa cho vợ ngậm 1 miếng, sau 1 giờ thì vợ tôi nhai hết miếng sâm, đỡ mệt nên ngủ được. Đến 21 giờ tôi vào thăm, vẫn chưa thấy lên bàn đẻ, sốt ruột quá tôi đến gặp bác sĩ trực (BS. Lý Thị H.) bác sĩ khám cho vợ tôi bảo: “côn” (cổ tử cung) đã mở được 6 phân rồi. Tôi yên trí là vợ sắp đẻ rồi ngồi chờ đến 24 giờ vẫn chưa thấy bác sĩ hành xử gì, tôi lại vào phòng bác sĩ đề nghị kiểm tra cho vợ tôi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ bảo: “côn” không mở được thêm nữa.
Tôi đề nghị can thiệp y khoa cho vợ tôi đẻ. Bác sĩ bảo: đây là chuyên môn của tôi, anh là dược sĩ không nên can thiệp vào. Vợ tôi lại yêu cầu cho ngậm tiếp một miếng sâm nữa để có sức “rặn đẻ”. Tôi nghĩ: đến miếng sâm này tổng số mới là 4g vẫn chưa quá liều 6g/ngày, nên đưa sâm cho vợ ngậm. Sau đó, tôi ngồi chờ rồi cũng gục xuống bàn ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì đã 5 giờ sáng, thấy vợ vẫn chưa đẻ được, bác sĩ vẫn “bình chân như vại”, tôi phải chạy xuống nhà tập thể Bệnh viện A gõ cửa phòng bác sĩ M. - Trưởng khoa Sản gọi: M. ơi, dậy ngay cứu vợ tao với! “Côn” mở 6 phân từ 9 giờ đêm qua mà đến giờ chưa đẻ được.
Thế là bác sĩ M. và tôi chạy vội lên phòng đỡ đẻ. Bác sĩ M. khám ngay cho vợ tôi, thấy cổ tử cung đã mở hết nhưng không có cơn co tử cung, có biểu hiện suy tim thai. Anh lấy máy hút thai trong tủ trực ra, bảo tôi tiệt khuẩn để cấp cứu. Tôi đem rửa thì thấy tổ tò vò trong giác hút, rửa sạch giác hút rồi tôi đổ cồn 90 độ vào đốt để tiệt khuẩn, sau lại đổ cồn 90 độ vào làm lạnh để kịp dùng ngay. Bác sĩ M. bảo tôi bơm máy hút, hai bác sĩ và hai y tá kéo giác hút và giữ vợ tôi trên bàn đẻ, đến lúc kéo được con tôi ra thì nó đã ngạt, trắng như túi bóng đựng nước, bác sĩ M. phải một tay xách ngược hai chân bé lên, một tay phát thật mạnh vào mông bốn, năm cái bé mới khóc lên được, khi cất được tiếng khóc đầu tiên, bé mới hồng trở lại. Tôi nín thở từ lúc kéo được con ra khỏi bụng mẹ đến khi con cất được tiếng khóc chào đời mới thở ra được nhẹ nhàng và xem đồng hồ, lúc ấy là 7 giờ, mặt trời đỏ như bát tiết vừa ló ra khỏi đám mây.
Thế là nhờ bác sĩ M. cấp cứu sau gần 2 tiếng đồng hồ vợ con tôi đã thoát chết, do bác sĩ Lý Thị H. vô tâm và 2 miếng nhân sâm hảo hạng dùng cho người đau đẻ đã làm cho vợ tôi đờ tử cung suýt chết cả mẹ lẫn con, chuyện này tôi nhớ suốt đời. Nay chép lại làm bài học kinh nghiệm Âm án.
Ngày nay, nhân sâm Hàn Quốc và nhân sâm Trung Quốc (sâm Cát Lâm) nhập vào nước ta rất nhiều, cứ có tiền là mua bao nhiêu cũng được. Các nghiên cứu khoa học cũng thông báo có hàng chục trường hợp không nên dùng nhân sâm độc vị. Thiết nghĩ, câu chuyện này cũng là bài học cảnh giác cho những bà mẹ mang thai và là đề tài cần nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm về tác dụng lợi, hại của nhân sâm với người chuyển dạ đẻ.