Nhân sâm có thể trở thành "kẻ giết người" nguy hiểm nếu bạn sử dụng nó sai cách. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc Tây dưới đây, "hãy tránh xa" nhân sâm ra nhé!
1. Thuốc chống đông máu
Đối với bệnh nhân bị nhồi máu não (do đột quỵ não gây ra), việc sử dụng các loại thuốc chống đông máu (như aspirin, ticlopidin, warfarin…) là cần thiết. Bởi lúc này mạch máu não bị hẹp lại hoặc bị bít tắc hoàn toàn do cục máu đông hình thành bất thường trong lòng mạch. Một vài người vì muốn bồi bổ thần kinh và tăng khả năng chống đông máu đã cho người bệnh dùng thêm nhân sâm (nhân sâm có khả năng làm giảm khả năng kết dính của tiểu cầu, ngăn hình thành các cục đông máu). Cách làm tưởng tốt nhưng thực tế lại mang lại tác dụng ngược.
Bởi chính sự kết hợp này khiến cho tác dụng chống đông máu được cộng hưởng, gây ra tình trạng quá liều, tương tự như việc sử dụng thuốc chống đông máu liều cao không kiểm soát. Bệnh nhân từ chỗ có nguy cơ hình thành các cục đông máu sẽ chuyển thành tình trạng “ưa chảy máu” (do tác dụng quá liều của thuốc cùng với nhân sâm gây ra), khiến bệnh nặng và phức tạp. Lúc này, chỉ một va đập nhỏ cũng có thể gây tụ máu dưới da.
Nhân sâm được coi là thần dưỡng cho sức khỏe của chúng ta
2. Thuốc trị tâm thần
Trong nhóm thuốc sử dụng điều trị bệnh tâm thần, bạn cần đặc biệt cảnh giác với amitriptylin (biệt dược là Elavil, điều trị chứng trầm cảm) và clozapin (biệt dược là Clozaril, điều trị bệnh tâm thần phân liệt). Khi kết hợp với nhân sâm, hai loại thuốc này có thể gây ra các biến chứng khó lường trên thần kinh.
Lý do là vì nhân sâm làm ức chế một số enzyme chuyển hóa thuốc trong gan, khiến cho nồng độ thuốc tăng cao trong máu, gây ra tình trạng quá liều, thậm chí là nhiễm độc thuốc tâm thần. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các tác dụng phụ của thuốc, gây các biến chứng về thần kinh. Người bệnh có nguy cơ bị rối loạn vận động kiểu như parkinson, tăng nguy cơ tử vong nếu như đang bị teo não hoặc co giật. Bên cạnh đó là tác hại trên hệ thống tạo máu với biến cố giảm số lượng bạch cầu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
3. Thuốc điều trị tăng huyết áp
Sự kết hợp này sẽ gây ra tình trạng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc hạ áp. Trong khi người bệnh phải sử dụng thuốc để hạ huyết áp thì nhân sâm lại làm tăng huyết áp của bệnh nhân. Thực nghiệm cho thấy, sử dụng dịch chiết nhân sâm sẽ làm tăng huyết áp, tim co bóp khỏe hơn và mạnh hơn. Huyết áp có thể đủ duy trì cho người chạy khoảng 3 km mà tim mạch vẫn gần như bình thường, không thấy mệt. Kiểm nghiệm trên thỏ cho thấy nhân sâm có tác dụng làm co mạch ngoại vi của tai thỏ. Điều này sẽ xảy ra tương tự trên người, làm co mạch hệ thống mạch ngoại vi và đẩy con số huyết áp tăng lên rất cao.
Dùng nhân sâm khi đang uống thuốc hạ áp sẽ khiến điều trị trở nên vô dụng. Về lâu dài có thể dẫn đến tăng huyết áp kịch phát và tăng huyết áp kháng trị ở bệnh nhân.
Nhưng nó có thể biến thành "kẻ giết người" nguy hiểm khi kết hợp sai cách với một vài loại thuốc tây
4. Thuốc trị tiểu đường
Nhân sâm tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, thường phải dùng thuốc kéo dài. Lý do là vì nhân sâm làm tăng chuyển hóa đường, tăng khả năng xâm nhập đường vào trong tế bào và dự trữ đường trong gan, vì thế có tác dụng hạ đường máu rất mạnh. Nếu chỉ sử dụng đơn lẻ thì điều này dường như rất có lợi; nhưng khi kết hợp với các loại thuốc có tác dụng làm hạ đường máu thì lại sinh ra tình trạng quá liều (tương tự như sự kết hợp với thuốc chống đông máu).
Sự kết hợp sai lầm này sẽ gây ra tụt dường huyết mức độ nặng và có thể gây ra ngất tại chỗ. Biến chứng này thường xuất hiện sau khi dùng thuốc khoảng 1-2 giờ (thường gặp nhất ở bệnh nhân tiêm insulin vào dưới da).