Tại thành phố Berkeley thuộc bang California, gần đây chính quyền thành phố đã thông qua một sắc luật gọi là “Luật về Quyền được biết.”
Khi có hiệu lực vào tháng tới, luật mới này sẽ bắt buộc các cửa hàng bán điện thoại di động phải trưng biển cảnh báo khách hàng về các nguy cơ từ bức xạ sóng điện thoại.
Theo đó, các cửa hàng có trách nhiệm phải cảnh báo cho khách hàng về việc để điện thoại di động trong túi là “vi phạm qui định của bang về tránh phơi nhiễm”, và “ảnh hưởng sẽ nguy hại hơn cả đối với trẻ em.”
Dự luật trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cả tờ New York Times và New York Magazine đều cho đăng các ý kiến cho rằng luật này không có cơ sở khoa học. Thậm chí New York Magazine gọi luật này là “sai lầm”.
Tuy vậy nhóm ủng hộ luật đã tìm được luận cứ khoa học cần thiết. Một nghiên cứu khoa học của Igor Yakymenko cho biết đã tìm được các quan hệ “không thể chối cãi” giữa sóng điện thoại và nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nghiên cứu tại Kiev đã cung cấp thêm một số bằng chứng cho thấy sóng điện thoại có mối liên hệ với ung thư
Tờ New York Daily News trích lời nhà nghiên cứu Ukraine cho biết, “Các dữ liệu này là bằng chứng rõ ràng cho những nguy cơ của sóng bức xạ gây ra đối với sức khỏe con người.”
Bằng cách phân tích dữ liệu từ hàng trăm các nghiên cứu khoa học khác, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng việc sử dụng điện thoại di động 20 phút mỗi ngày trong vòng năm năm đã tăng nguy cơ mắc u não lên ba lần.
Nếu dùng điện thoại 1 tiếng mỗi ngày trong vòng bốn năm thì nguy cơ trên sẽ tăng lên đến năm lần.
Nghiên cứu còn cho thấy tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại là nguyên nhân gây đau đầu, mệt mỏi, và các vấn đề về da.
Yakymenko cho biết, “Dữ liệu mà chúng tôi thu thập được dựa trên nhóm người đã sử dụng điện thoại trong 10 năm kể từ khi trưởng thành.
Kết quả có thể khác đi rất nhiều đối với những người đã dùng điện thoại từ nhỏ, vì cơ chế sinh học của họ nhạy cảm hơn với các nhân tố gây hại, và có cơ chế phòng thủ trong suốt đời mình.”
Năm 2012, cứ 100.000 người thì có 6,4 người bị ung thư não, song Yakymenko nhận định con số này sẽ tăng lên nhanh chóng.
Nhiều triệu chứng có thể cần đến 30 năm mới biểu hiện, trong khi việc sử dụng điện thoại di động chỉ mới rộng rãi gần đây, nên sẽ cần vài thập kỷ để quan sát được các dấu hiệu.
Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn
Cuộc tranh luận tuy vậy vẫn tiếp diễn. Nhiều nhà khoa học cho rằng mặc dù chắc chắn liên quan đến ung thư, vẫn chưa có chứng cứ chắc chắn cho nhận định này.
Trả lời tờ New York Times, Jerold T. Bushberg, đại diện Hiệp hội Vật lý Y học Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã tìm kiếm các tác dụng phụ ở mức độ thấp trong 50 năm qua mà vẫn chưa có kết quả.”
“Không thể nói là điều này không thể xảy ra, nhưng nếu có một nguy cơ như vậy thì sẽ là rất, rất thấp, nếu không chúng ta đã phải chứng kiến số ca ung thư não tăng đột biến.”
Nhiều người khác thì cho rằng đây là do sự kỳ thị của từ “phóng xạ.” Robert Cahn, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley phân trần:
“Chỉ bởi vì điện thoại di động phát ra phóng xạ không có nghĩa là nó nguy hiểm.”
Ông nhận định điện thoại di động phóng xạ thấp hơn cả thiết bị điều khiển cửa garage, thiết bị phát sóng Wi-Fi, máy giám sát trẻ em hay thậm chí là máy tính giờ gửi xe thông minh.
Tuy nhiên, trong trường hợp Yakymenko đúng, luật mới của thành phố Berkeley sẽ nhanh chóng lan rộng sang các nơi khác trên cả nước.