Theo Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, trẻ em được đánh giá là sốt khi nhiệt độ cơ thể của chúng vượt trên 37,5 độ C và người lớn là từ 37.2 độ C đến 37.5 độ C. Nếu cơn sốt khiến bạn cảm thấy khó chịu, hãy áp dụng một số cách để hạ nhiệt cơ thể tự nhiên và an toàn dưới đây.
Sốt là triệu chứng điển hình của nhiều căn bệnh khác nhau. Cơn sốt sẽ xuất hiện khi cơ thể đang cố đấu tranh với tình trạng nhiễm khuẩn như cảm hay cúm… Một trong những lý do thường gây sốt nữa đó là phản ứng miễn dịch của cơ thể khi trẻ bị mắc các bệnh như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường tiểu, một số bệnh viêm nhiễm, viêm dạ dày - ruột, bệnh tự miễn dịch, ung thư hay đông máu. Những thay đổi đột ngột của thời tiết và lối sống thiếu vệ sinh cũng góp phần gây sốt.
Một số triệu chứng phổ biến đi kèm với cơn sốt bao gồm đổ mồ hôi, đau đầu, đau cơ, mất nước, mệt mỏi, run nhẹ và chán ăn. Dưới đây là những cách hạ sốt đơn giản.
1. Nước ấm
Ngâm khăn mặt vào nước ấm, vắt khô và đắp vào những vùng dễ thấm nước trên cơ thể như nách, bàn chân, bàn tay và háng để làm giảm nhiệt. Ngoài ra, bạn cũng có thể đắp khăn ẩm lên trán và gáy. Chú ý thay khăn thường xuyên sau vài phút. Phương pháp hạ nhiệt này rất tốt cho những trường hợp bị sốt cao vì chúng giúp kiểm soát mức thân nhiệt hiệu quả.
Tắm nước ấm để làm thư giãn cơ thể bằng cách ngâm mình vào bồn nước ấm có độ nóng thấp hơn nhiệt độ cơ thể một chút.
Lưu ý: không dùng nước quá lạnh vì nước lạnh làm nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên.
2. Húng quế
Đây là một trong những loại thảo dược có khả năng làm hạ cơn sốt nhanh. Bạn có thể làm theo những gợi ý dưới đây:
- Đun sôi khoảng 20 lá húng quế cùng với 1 muỗng cà phê (khoảng 5g) gừng băm, 200ml nước cho đến khi lượng nước còn lại ½ , cho thêm một ít mật ong vào và uống nước này từ 2 đến 3 lần một ngày trong 3 ngày.
- Làm trà húng quế bằng cách cho khoảng 1 muỗng cà phê (tương đương 5g) húng quế băm nhuyễn và chút xíu tiêu đen vào 200ml nước sôi rồi ngâm trong vòng 5 phút, lọc sạch bã và uống từ 2 đến 3 lần trong ngày cho đến khi cơn sốt chấm dứt hẳn.
3. Giấm táo
Giấm táo là gia vị trị sốt rất rẻ tiền lại có hiệu quả cao. Lượng a-xít trong giấm táo sẽ giúp cơn sốt hạ nhanh khi nhiệt độ cơ thể được giải phóng qua da. Hơn nữa, giấm táo còn cung cấp nhiều khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau cơn sốt.
- Cho 100ml giấm táo vào bồn nước ấm rồi ngâm mình trong khoảng từ 5 đến 10 phút. Chỉ khoảng 20 phút sau, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ xuống. Có thể tiếp tục ngâm mình bằng nước giấm nếu cơn sốt quay trở lại.
- Pha hỗn hợp gồm giấm táo và nước lạnh theo tỷ lệ 1:2 rồi ngâm một chiếc khăn lau mặt vào, vắt khô và đặt khăn lên trán, bụng, lòng bàn chân. Thay khăn thường xuyên khi chúng đã hấp thu nhiệt độ cơ thể cho đến khi cơn sốt dịu lại.
- Hòa 10ml giấm táo với 5ml mật ong trong ly nước ấm và uống từ 2 đến 3 lần một ngày trong giai đoạn bị sốt.
Nếu không có giấm táo, có thể thay bằng giấm gạo.
4. Tỏi
Tác dụng làm ấm tự nhiên của tỏi có thể “đánh bay” những cơn sốt cao bằng cách kích thích cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Điều này còn góp phần loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và đẩy nhanh tốc độ phục hồi sức khỏe. Thêm vào đó, tỏi còn có công dụng kháng khuẩn, giúp chữa trị viêm nhiễm và đẩy lùi bệnh tật.
- Băm nhuyễn vài tép tỏi rồi cho vào 1 ly nước nóng (khoảng 200ml), ngâm 10 phút và lọc lấy nước uống 2 lần mỗi ngày. Bạn sẽ thấy đỡ mệt hơn vào ngày hôm sau.
- Trộn vài tiếp tỏi băm nhuyễn cùng với khoảng 10ml dầu ô-liu rồi đun nóng và xoa hỗn hợp này lên gan bàn chân trước khi đi ngủ. Dùng băng gạc bọc quanh chân để cố định cho tỏi không bị rơi và để suốt đêm, sáng hôm sau mới mở băng. Phương pháp này có thể giúp “giải quyết” cơn sốt chỉ sau một đêm.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không nên dùng tỏi.
5. Nho khô
Trong nho khô có chứa nhiều chất phê-nol từ thực vật, có tác dụng chống ô-xy hóa và kháng khuẩn. Ngoài ra, nho khô còn giúp bồi bổ cơ thể trong trường hợp bạn đang bị kiệt sức vì cơn sốt kéo dài dai dẳng. Sử dụng nho khô để hạ sốt bằng cách ngâm 25 quả nho khô vào 100ml nước khoảng 1 tiếng cho đến khi chúng mềm ra thì nghiền nát luôn trong nước, lọc lấy nước và bỏ bã. Cho thêm nước cốt vắt từ ½ trái chanh vào, trộn đều và chia làm hai phần, uống trong ngày cho đến khi cơn sốt chấm dứt.
6. Gừng
Loại gia vị này có thể giúp “tống đẩy” lượng nhiệt của cơn sốt ra khỏi cơ thể. Với công dụng kháng khuẩn, kháng vi-rút tự nhiên, gừng hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động miễn dịch trong việc “chiến đấu” với các bệnh viêm nhiễm.
- Trước khi đi ngủ, hãy hòa 2 muỗng canh bột gừng (khoảng 10g) vào bồn nước ấm, khuấy đều và ngâm mình trong vòng 10 phút. Sau khi lau khô người, mặc quần áo và đắp chăn ấm. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi, giúp làm giảm thân nhiệt và hạ cơn sốt hiệu quả.
Lưu ý: thoa một ít bột gừng lên mặt trong của cánh tay để thử phản ứng dị ứng trước khi bạn quyết định ngâm mình bằng nước bột gừng.
- Làm trà gừng bằng cách cho ½ muỗng cà phê gừng tươi băm nhuyễn (tương đương 2,5g) vào 200ml nước sôi, ngâm vài phút rồi cho thêm một ít mật ong và uống từ 3 đến 4 lần mỗi ngày.
- Trộn ½ muỗng cà phê nước ép gừng (2,5ml), 5 ml mật ong và 15ml mật ong rồi uống từ 3 đến 4 lần mỗi ngày cho đến khi hết sốt.
7. Lá bạc hà
Công dụng làm mát của lá bạc hà sẽ giúp hạ thân nhiệt, hấp thu bớt lượng nhiệt dư thừa trong cơ thể.
- Cho khoảng 5g lá bạc hà băm nhuyễn vào 200ml nước nóng ngâm 10 phút rồi lọc lấy nước, cho thêm một ít mật ong và uống từ 3 đến 4 lần một ngày để cơ thể nhanh phục hồi.
- Đun sôi 1 nắm lá bạc hà trong 400ml nước cùng với 1/4 muỗng cà phê bột tiêu đen, 1/4 muỗng cà phê bột ớt sừng và 5g bột gừng cho đến khi lượng nước sắc lại còn ½ . Lọc lấy nước, chia làm 3 phần và uống trong ngày cho đến khi cơn sốt dứt hẳn.
8. Lòng trắng trứng
Bạn có thể dùng lòng trắng trứng để làm giảm lượng nhiệt đang tăng cao. Lòng trắng trứng có tác dụng như một loại gel làm lạnh, giúp hấp thu nhiệt lượng. Chỉ trong khoảng ½ tiếng, lòng trắng trứng có thể làm giảm cơn sốt mà không hại tổn hại cho cơ thể. Cách làm như sau:
- Đập từ 2 đến 3 quả trứng, tách lòng trắng riêng ra rồi đánh đều trong vòng 1 phút.
- Ngâm một chiếc khăn tay (vải mỏng) vào lòng trắng trứng rồi đắp lên lòng bàn chân.
- Mang vớ để dịch lỏng từ khăn tay không chảy ra ngoài. Khi khăn khô và nóng vì đã hút nhiệt, thay chiếc khăn có thấm lòng trắng trứng mới.
- Lặp lại quá trình này cho đến khi nhiệt độ cơn sốt tụt xuống mức an toàn.
Tuy nhiên, bạn cần phải đảm bảo mua trứng đã qua kiểm dịch.
9. Nghệ
Công dụng chữa sốt tại nhà của nghệ đã được chứng minh bằng nhiều kết quả nghiên cứu khác nhau. Hợp chất curcumin có khả năng chống vi-rút, kháng khuẩn và chống ô-xy, giúp hệ miễn dịch đánh bại các bệnh viêm nhiễm thường gặp, ngăn ngừa các biến chứng và hạn chế cơn sốt hiệu nghiệm.
Trộn ½ muỗng cà phê bột nghệ (2,5g) và ¼ muỗng bột tiêu đen (1,25g) vào 200ml sữa nóng rồi uống 2 lần mỗi ngày cho đến khi hết sốt.
Khi bị sốt cần lưu ý
- Uống nhiều nước và nước cam để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Không đắp nước lạnh hoặc nước đá lên cơ thể.
- Nghỉ ngơi trên giường từ một đến hai ngày.
- Ăn nhiều rau có lá.
- Không ăn thức ăn lạnh.
- Không hút thuốc lá và uống những thứ có chứa chất cồn.
- Nếu sốt trên 40 độ C, cần đi khám để được can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng phức tạp.