Sáng 26/7: Nước ta đang ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch; tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi

Thái Bình |

Việt Nam đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh như COVID-19; sốt xuất huyết; tay chân miệng và dịch đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập hiện hữu. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác.

Quyết liệt đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Bộ Y tế cho biết ngày 25/7 có 896 ca COVID-19, tăng 152 ca so với ngày trước đó . Hôm nay, số bệnh nhân khỏi gấp 8 lần số ca mới; tiếp tục không có F0 tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.768.844 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.636 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người nhiễm COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh là: 9.866.968 ca ; Trong số bệnh nhân đang điều trị và giám sát có 29 ca thở oxy là 29 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 25 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca.

Sáng 26/7: Nước ta đang ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch; tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi - Ảnh 1.

Các địa phương cần quyết liệt đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Ảnh: Trần Minh

Theo Bộ Y tế các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tễ, xã hội.

Việt Nam đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh

Việt Nam đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh.

Cụ thể, tại Việt Nam, dịch COVID-19 có xu hướng tăng số mắc trong 2 tuần qua, ghi nhận các biến thể phụ của Omicron. Tuy nhiên nhiều người dân chủ quan sau khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 và từng mắc COVID-19 nên chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4.

Cùng đó bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp ; Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 124.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong. Sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên.

Bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu ghi nhận nhiều trẻ nhỏ mắc.

Tiếp đến mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với hơn 16.000 ca mắc tại 75 quốc gia trên thế giới, 5 trường hợp tử vong.

Một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận các ca bệnh. Việt Nam đã khẩn cấp lên phương án ứng phó, giám sát và triển khai các kịch bản với đậu mùa khỉ.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 575,3 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong

Ngày 25/7, Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước thành viên EU nên lập tức triển khai các công tác chuẩn bị ứng phó nguy cơ bùng dịch COVID-19 trong mùa Đông và mùa Thu.

Đại dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu và có những dấu hiệu đáng lo ngại và "ngày càng gia tăng" về các đợt bùng phát mới của dịch bệnh tại một số quốc gia. Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh các chiến dịch tiêm liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19 - hiện đang thực hiện đối với những người trên 60 tuổi và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Tại Australia, số liệu chính thức cho thấy số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tăng kỷ lục với khoảng 5.450 ca được ghi nhận trong ngày 25/7 trong bối cảnh làn sóng dịch mới do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế cả nước.

Trong bối cảnh Australia phải đối mặt đồng thời với làn sóng dịch COVID-19 và dịch cúm mùa, giới chức trách đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong không gian kín, tiêm mũi vaccine tăng cường và khuyến khích làm việc tại nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại