Gần đây, các tin đồn như “Ăn dưa chua, mì gói gây ung thư” hay “Đứng gần lò vi sóng, sử dụng điện thoại cũng gây ung thư” đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Có người kiêng khem khổ sở, cũng có người tự dằn vặt bản thân vì ‘lỡ’ sử dụng quá nhiều các thực phẩm nói trên.
Vậy đâu mới là sự thật? Kính mời quý độc giả đón xem chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “Tác nhân gây ung thư: Tin đồn và sự thật”.
Chương trình được phát sóng trên fanpage của Soha.vn, Soha Sống vui - sống khỏe và MXH Lotus với sự tham gia của TS.BS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản; Người đồng sáng lập - Trưởng dự án Y học cộng đồng.
Quý độc giả có thể xem chương trình tại đây.
Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:
Ung thư: Tin đồn và sự thật
Hỏi: Những tin đồn về ung thư có thể gây ra những hệ luỵ gì?
Đáp: Mỗi tin đồn có thể gây hại cho sức khỏe theo một cách khác nhau.
Tin đồn nhịn đói hoặc áp dụng chế độ thực dưỡng để diệt ung thư có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt và không đủ sức khỏe để theo đuổi các liệu pháp điều trị khoa học, làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Hoặc tin đồn thực phẩm chức năng có thể chữa khỏi ung thư có thể khiến bệnh nhân ‘tiền mất tật mang’ và khiến người bệnh bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị theo các liệu pháp khoa học.
Hỏi: Dưa muối chua có phải thực phẩm gây ung thư hay không?
Đáp: Dưa muối được chế biến thêm muối và lên men bởi vi khuẩn lactic. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc ăn dưa muối chua dẫn đến ung thư dạ dày. Tác nhân chính gây ra ung thư dạ dày là vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).
Ảnh minh hoạ.
Hỏi: Mì ăn liền có thể gây ung thư hay không?
Đáp: Tin đồn này thường đến từ những lập luận cho rằng các chất phụ gia, chất bảo quản trong mì gói có thể gây ung thư.
Hiện vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào liên quan đến ăn mì gói gây ung thư. Các hiệp hội về thực phẩm cũng đưa ra thông cáo rằng các chất phụ gia trong mì gói đều được kiểm soát trong mức quy định.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không nên ăn quá nhiều mì ăn liền hoặc ăn mì ăn liền thay cơm vì mì gói chứa nhiều axit béo không tốt cho sức khoẻ và gây mất cân bằng dinh dưỡng. Ăn quá nhiều mì ăn liền có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch.
Hỏi: Ăn thực phẩm chứa nhiều đường có thể gây ung thư hoặc làm cho ung thư trở nên trầm trọng hơn hay không?
Đáp: Tin đồn này xuất phát từ một số nghiên cứu trên tế bào và trên động vật. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh những người ăn nhiều đường sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư và khiến bệnh nhân ung thư dễ tử vong hơn.
Tuy nhiên, liều lượng đường sử dụng lại đóng vai trò quan trọng với sức khoẻ. Sử dụng nhiều đường quá mức có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường làm suy giảm hệ miễn dịch và có thể khiến mọi người dễ mắc ung thư hơn. Tình trạng thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư gan, thận.
Hỏi: Những thực phẩm nào có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư?
Đáp: Có rất nhiều chất trong thực phẩm, trong nước, không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, ví dụ như:
- Asen trong nước ngầm.
- Aflatoxin được xem là nguyên nhân gây ra các ca mắc ung thư gan hàng năm. Độc chất này thường có trong ngô, khoai, sắn, gạo, lạc… bị mốc.
- Thịt đỏ, thịt chế biến cũng được xem là một trong những thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Các hiệp hội y tế khuyến cáo chỉ nên ăn từ 65 - 100g thịt đỏ với tần suất 3 - 4 lần/tuần.
- Rượu và thuốc lá cũng là yếu tố gây ung thư hàng đầu và là thủ phạm gây ra khoảng 20 loại ung thư bao gồm ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư gan, vú, dạ dày,…
Các số liệu cho thấy nguy cơ tử vong do ung thư tăng đáng kể ở người uống rượu vừa (1.79 lần) và nhiều (3.63 lần). Đồng thời, việc uống rượu cũng làm tăng nguy cơ tử vong và tái phát ở bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, người dân cần phân biệt rõ ‘có nguy cơ gây ung thư’ khác với việc ‘sẽ bị ung thư trong tương lai’. Mặc dù nhân tố X nằm trong nhóm chất gây ung thư nhưng ảnh hưởng thật sự còn tùy thuộc liều lượng, thời gian, tần suất tiếp xúc, cách thức thu nạp vào cơ thể.
Ví dụ: Bánh mì nướng cháy/ khoai tây chiên có chứa acrylamide, được cho là có thể gây ung thư qua số liệu trên động vật. Tuy nhiên, cần ăn hàng trăm miếng mì cháy/ngày mới có thể bị ung thư.
Hỏi: Các tin đồn như đứng gần lò vi sóng đang hoạt động, sử dụng điện thoại cũng có thể gây ung thư liệu có đúng không?
Đáp: Đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh vấn đề sóng của điện thoại và lò vi sóng có thể gây ung thư. Tuy nhiên, đến nay các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng về vấn đề này.
Hỏi: Thuốc lá được cho là một trong số các tác nhân chính dẫn tới ung thư phổi. Vậy, nếu không hút thuốc lá thì sẽ không mắc ung thư phổi. Điều này có đúng không?
Đáp: Ngoài thuốc lá, còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây ung thư phổi. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp không hút thuốc lá nhưng vẫn mắc ung thư phổi. Tuy vậy, các hiệp hội và tổ chức y tế vẫn luôn khuyến cáo người dân tránh xa thuốc lá để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ung thư phổi cho bản thân và gia đình.
Hỏi: Những thói quen hoặc hành vi nào trong cuộc sống hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư?
Đáp: Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư được chia ra thành 3 loại:
- Yếu tố hoá học: Hút thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc với các độc tố như Aflatoxin,...
- Yếu tố vật lý: Tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại và tia phóng xạ.
- Yếu tố sinh học: Khi nhiễm các loại vi khuẩn như Helicobacter pylori, virus HPV,...
Như vậy, các hành vi như quan hệ tình dục không an toàn, hút thuốc, uống rượu, không kiểm soát cân nặng,... đều là các yếu tố có thể dẫn đến ung thư.
Ảnh minh hoạ: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Hỏi: Nhiều người vẫn tin rằng ung thư là bệnh truyền nhiễm. BS nghĩ sao về vấn đề này?
Đáp: Ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng các tác nhân gây ung thư có thể lây truyền.
Việc nhiễm các loại vi khuẩn, virus có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Ví dụ như nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có thể gây ung thư dạ dày; nhiễm siêu vi A, siêu vi B, siêu vi C làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan hoặc virus HPV gây ung thư cổ tử cung...
Hỏi: Tất cả các loại bệnh ung thư đều do di truyền. Điều này liệu có đúng không?
Đáp: Chỉ có 5 - 7% loại ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền. Một số trường hợp bệnh nhân mắc ung thư do di truyền do khả năng sao chép gene bị sai lệch. Còn hầu hết trường hợp mắc ung thư đều do bệnh nhân từng tiếp xúc với những yếu tố gây ung thư trong thời gian dài.
Hỏi: Nhiều người tin rằng ‘bỏ đói’ tế bào ung thư bằng các phương pháp nhịn ăn có thể giúp điều trị khỏi ung thư. Điều này có đúng không?
Đáp: Tế bào ung thư có rất nhiều cách để lấy thức ăn và năng lượng từ môi trường xung quanh. Vì vậy, việc nhịn đói để điều trị ung thư là cách làm vô ích và thậm chí còn có thể khiến cơ thể bệnh nhân suy kiệt, không theo được các liệu pháp điều trị khoa học dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
Hỏi: Các tin đồn như xạ trị, phẫu thuật làm tế bào ung thư lan rộng hơn khiến nhiều người bệnh không chấp nhận điều trị bằng phương pháp này dù đã được BS chỉ định. Điều này có đúng không?
Đáp: Đây là một tin đồn phổ biến xuất phát từ sự quan sát trên các bệnh nhân ung thư xạ trị sau một thời gian vẫn tái phát bệnh. Tình trạng tái phát bệnh sau xạ trị là do:
- Trước đây, do kỹ thuật mổ chưa tốt nên chưa thể lấy hết khối u hoặc không lấy hết hạch bạch huyết liên quan dẫn đến bệnh dễ tái phát.
- Do giai đoạn phát triển bệnh không được chẩn đoán chính xác.
- Quá trình điều trị bổ trợ sau phẫu thuật cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa ung thư tái phát sau xạ trị.
Trường hợp “đụng dao kéo làm ung thư lan nhanh hơn” vẫn có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Nếu đánh giá đúng giai đoạn, điều trị hợp lý, triệt để thì hiện tượng này sẽ được hạn chế tối đa.
Hỏi: Khi được chẩn đoán mắc ung thư, nhiều người lựa chọn các loại thuốc từ thảo mộc để điều trị. Vậy, các thảo dược có thể điều trị được ung thư hay không?
Đáp: Xét trên cơ chế sinh học, các loại thuốc từ thảo dược không thể điều trị được bệnh ung thư. Bởi ung thư là tình trạng tăng sinh không kiểm soát của các tế bào bị hư hại trong cơ thể. Vì vậy, để điều trị ung thư, người bệnh cần can thiệp bằng các liệu pháp ngăn chặn sự tăng sinh của các tế bào ung thư như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị.
Hỏi: Nhiều người khi nghĩ tới ung thư đều cho rằng: Mắc ung thư là chấm hết. Điều này có đúng không?
Đáp: So với trước đây, hiện nay nhiều bệnh nhân mắc ung thư đã được chẩn đoán sớm hơn. Hiện nay, cũng có nhiều biện pháp điều trị tiên tiến hơn, giúp người bệnh có thể kiểm soát và chữa lành được ung thư với tỷ lệ lên đến 90%.
Ngay cả các bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn vẫn có thể điều trị ung thư bằng các liệu pháp mới hoặc các loại thuốc mới, giúp bệnh nhân sống sót và có chất lượng cuộc sống đảm bảo hơn.
Ảnh minh hoạ: Hiện nay có nhiều biện pháp điều trị tiên tiến hơn, giúp người bệnh có thể kiểm soát và chữa lành được ung thư với tỷ lệ lên đến 90%.
Hỏi: Việc điều trị ung thư có giống nhau giữa các bệnh nhân và giữa các loại bệnh ung thư không thưa BS?
Đáp: Ung thư không phải là 1 loại bệnh duy nhất mà là tập hợp của nhiều loại khác nhau. Có hàng trăm loại bệnh ung thư khác nhau và được bác sĩ phân ra từ vị trí xuất phát bệnh như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư vú,... Mỗi loại ung thư lại có nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại có phương pháp điều trị khác nhau. Vì vậy, việc dự phòng ung thư, điều trị ung thư ở mỗi bệnh nhân là khác nhau.