Ngày 23/07, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một quyết định nhằm nhấn mạnh mối lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của đậu mùa khỉ.
Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra để cảnh báo về một vấn đề sức khỏe đang lan rộng. Được biết tính đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 16.500 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở 75 quốc gia khác nhau.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đợt bùng phát đậu mùa khỉ lần này đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới với tốc độ nhanh chóng thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta chưa thực sự hiểu rõ”.
Tuyên bố khẩn cấp được đưa ra sau cuộc họp lần thứ hai với Ủy ban khẩn cấp về Quy định y tế quốc tế (IHR). Một số chuyên gia và những người quan tâm đến sức khỏe cộng đồng cho rằng đáng ra cần phải ban hành cảnh báo này sớm hơn và kỳ vọng tuyên bố sẽ giúp các quốc gia trên thế giới phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn virus lan rộng.
Đậu mùa khỉ lây lan ở nhiều quốc gia
Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới với tốc độ chưa từng có trong hai tháng qua. Loại virus này lây truyền từ động vật nhiễm bệnh sang người, gây ra các triệu chứng giống cúm và gây phát ban lan rộng trên cơ thể. Đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và vốn là căn bệnh đặc hữu ở khu vực châu Phi. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát mới nhất, các trường hợp nhiễm bệnh đã gia tăng ở các quốc gia trước đây chưa từng ghi nhận báo cáo về bệnh đậu mùa khỉ.
Tây Ban Nha dẫn đầu thế giới về các trường hợp mắc đậu mùa khỉ với hơn 3.100 ca nhiễm; tiếp đó là Hoa Kỳ với gần 2.900 ca; Đức và Vương quốc Anh, mỗi quốc gia báo cáo khoảng hơn 2.200 ca nhiễm.
Đặc biệt, vào ngày 22/07 vừa qua, các cơ quan y tế Hoa Kỳ đã báo cáo về hai trường hợp trẻ em đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), 2 ca bệnh nhi nhiễm đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm bệnh từ các thành viên trong gia đình.
Các ca lây nhiễm trong đợt bùng phát đang diễn ra hiện nay chủ yếu là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Các chuyên gia cho rằng tiếp xúc gần gũi là một trong những cách lây truyền bệnh. Virus có thể lây truyền qua các hình thức tiếp xúc trực tiếp hoặc lây lan qua các giọt bắn khi những người trong gia đình tiếp xúc gần hoặc sử dụng chung các vật dụng mà người bệnh từng tiếp xúc.
Ảnh minh họa: Đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Triệu chứng "rất khác" dễ gây nhầm lẫn của đậu mùa khỉ
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện trong vòng từ 5 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ ở giai đoạn đầu tương tự như bệnh cúm gồm:
- Sốt
- Đau đầu
- Đau cơ
- Đau lưng
- Sưng hạch bạch huyết
- Ớn lạnh
- Kiệt sức
Tình trạng ngứa hoặc đau ở các nốt phát ban có thể xuất hiện trong vòng từ 1 - 3 ngày sau khi phát bệnh.
Các nốt phát ban ban đầu chỉ là nốt mẩn đỏ trông giống như bệnh thủy đậu nhưng sau đó sẽ tiến triển thành những nốt phồng rộp.
Tuy nhiên, trong các báo cáo trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học cho biết đã ghi nhận "các triệu chứng rất khác" trên cơ thể của những người nhiễm đậu mùa khỉ.
Những triệu chứng này bao gồm:
- Phát ban xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn
- Phát ban ở niêm mạc miệng
- Đau ở hậu môn và trực tràng
Tiến sĩ John Thornhill, giảng viên tại Đại học Queen Mary, London cho biết cứ 10 người thì có 1 người bị tổn thương da ở vùng sinh dục và 15% bị đau hậu môn và hoặc đau trực tràng. Trong khi đó, các triệu chứng như sốt và mệt mỏi ít xuất hiện hơn.
Điều đáng nói là những triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) khác, chẳng hạn như mụn cóc sinh dục hoặc giang mai,... gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán bệnh, khiến bệnh dễ lây lan hơn.
Ảnh minh họa: Các nhà khoa học cho biết đã ghi nhận "các triệu chứng rất khác" trên cơ thể của những người nhiễm đậu mùa khỉ.
Cách phòng ngừa bệnh lây lan
Hiện không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thường tự khỏi. Tuy nhiên, để đề phòng biến chứng nặng và hạn chế lây lan, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và kê thuốc điều trị.
Vì virus gây bệnh đậu mùa khỉ cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa nên vaccine và thuốc điều trị dự trữ trong trường hợp bệnh đậu mùa quay trở lại có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, người dân cũng cần thực hiện một số biện pháp sau để phòng tránh virus lây lan:
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa; tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế cho đến khi điều trị khỏi bệnh.
Nguồn: The Washington Post, The Sun