Tin tức trên báo chí Hồng Kông và mạng xã hội Trung Quốc cho biết, Thiếu tướng Tiền Vệ Bình (Qian Weiping), Phó Cục trưởng Cục (Bộ) Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương, gần đây đã bị bắt giữ vì tội gián điệp, nguyên nhân là các con của ông ta du học tại Mỹ đã bị Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) lôi kéo thành công.
Cho đến lúc này, cả phía quân đội và truyền thông chính thức của Trung Quốc đều chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ về vụ việc, nhưng các trang tin độc lập và báo chí Hồng Kông đều đưa tin;đáng chú ý các thông tin về vụ này trên mạng Weibo hay Wechat đều không bị gỡ bỏ.
Vụ việc được thông báo trong nội bộ quân đội
Nếu thông tin này là sự thật, thì đây là vụ gián điệp nghiêm trọng nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kể từ sau vụ Thiếu tướng đã nghỉ hưu Lưu Liên Côn (Liu Liankun), bị tình báo quân đội Đài Loan lôi kéo thành công hồi những năm 1990.
Tiền Vệ Bình là một trong những chủ tướng của công trình hàng không vũ trụ, chuyên gia kiểm soát quan trắc vũ trụ; việc ông ta làm gián điệp cho Mỹ sẽ gây nên tác dụng “sát thương nghiêm trọng” đối với quân đội Trung Quốc, hậu quả sẽ khó có thể lường hết.
Tướng Tiền Vệ Bình (người trong vòng tròn đỏ) đã bị thông báo trong nội bộ quân đội là đã bị bắt vì làm gián điệp cho CIA
Tin đồn về vụ án gián điệp Tiền Vệ Bình, lần đầu tiên xuất hiện trên các trang mạng xã hội ở nước ngoài, sau đó trên các mạng Wechat và Weibo ở Trung Quốc Đại lục, đến lúc này vẫn chưa bị gỡ bỏ. Thế giới bên ngoài đánh giá rằng tin tức này có thể là sự thật.
Tin tức cho biết: “Thiếu tướng Tiền Vệ Bình, Phó Cục trưởng Cục Phát triển trang bị của Quân ủy trung ương, đã bị bắt đi khi đang dự cuộc họp vào buổi chiều 2/7. Ông ta được đưa ngay về Quảng Châu và bị khám nhà vào buổi tối.
Ngày 3/7, thông tin về việc phạm tội gián điệp của Tiền Vệ Bình đã được thông báo tới các cán bộ cấp quân đoàn trở lên. Đây là tin chính xác và gây chấn động!”.
Tin tức cũng đề cập đến việc Tiền Vệ Bình xảy chuyện là do con ông ta đã “bị CIA hạ gục trong thời gian đang học ở Mỹ”, cho thấy ông ta có thể đã làm gián điệp cho Mỹ.
Cư dân mạng Trung Quốc cảm thán “con cái của những người này ở Mỹ đều bị CIA nhắm tới. Đây thực sự là cái bẫy”.
Tiền Vệ Bình (giữa) trong phòng thí nghiệm
Thiếu tướng PLA nắm giữ rất nhiều bí mật
Tiền Vệ Bình năm nay 56 tuổi, quê tỉnh Giang Tô. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ Quốc phòng năm 1984, ông gia nhập hệ thống Hàng không vũ trụ quân sự. Ông từng là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Công nghệ Thông tin và Theo dõi Bắc Kinh.
Tổng thiết kế sư của hệ thống quan trắc và thông tin công trình đưa người vào vũ trụ Trung Quốc; Tổng thiết kế sư hệ thống quan trắc và kiểm soát các phi thuyền “Hằng Nga - 1” và “ Hằng Nga - 2”, hệ thống giao hội, kết nối giữa tàu “Thiên Cung” và “Thần Châu - 8”.
Ông đã tham gia vào quá trình Trung Quốc phóng các tàu từ “Thần Châu - 1” đến “Thần Châu - 9”, là một trong những cốt cán kỹ thuật quan trọng và lãnh đạo của ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Ông nắm giữ số lượng lớn bí mật quan trọng của quân đội và quốc phòng Trung Quốc. Tháng 4/2019, Tiền Vệ Bình đã được thăng chức Phó Cục trưởng Cục Phát triển Trang bị - cơ quan trực thuộc Quân ủy, được thăng hàm Thiếu tướng.
Thông tin vụ việc của Tiền Vệ Bình trên mạng xã hội
Tiền Vệ Bình đã 2 lần được nhận Giải thưởng Đặc biệt về Tiến bộ Khoa học kỹ thuật Quốc gia, 1 lần Giải Nhì; năm 1996 được giải thưởng Quỹ Hàng không Vũ trụ , từ năm 2000 được nhận phụ cấp đặc biệt của chính phủ.
Có tin nói Tiền Vệ Bình là thành viên của gia tộc Tiền Học Sâm, Tiền Vĩ Trường – những người có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp phát triển tên lửa và phóng vệ tinh của Trung Quốc; nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
Cục Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc vốn là Tổng bộ Trang bị.
Tháng 1 năm 2016, khi ông Tập Cận Bình tổ chức lại Quân ủy, Cục Phát triển Trang bị tiếp tục giữ các chức năng của Tổng bộ Trang bị, bao gồm: quy hoạch và thực thi kế hoạch phát triển trang thiết bị quân sự; nghiên cứu, thử nghiệm, giám định, mua sắm quản lý, xây dựng hệ thống thông tin; xây dựng thể chế Cục Phát triển Trang bị Quân ủy quản lý tập trung, các quân chủng quản lý cụ thể, các Bộ Tư lệnh chiến trường vận dụng phối hợp.
Cục Phát triển Trang bị Quân ủy năm ngoái đã bị Mỹ trừng phạt
Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã mua các máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 từ Nga, bị Donald Trump coi là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Nhà Trắng đã tuyên bố trừng phạt Cục Phát triển Trang bị Quân ủy và Trung tướng Cục trưởng Lý Thường Phúc (Li Shangfu), mở ra tiền lệ cơ quan cấp cao của quân đội Trung Quốc và người phụ trách nó bị Mỹ trừng phạt; phía Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ hành động này.
Đây không phải là lần đầu tiên Quân ủy Trung ương Trung Quốc xảy ra vụ án gián điệp.
Vào những năm 1990, Lưu Liên Côn, một viên tướng đã nghỉ hưu của Tổng bộ Hậu cần của Quân ủy Trung ương, bị Cục Tình báo Quân đội Đài Loan mua chuộc và trở thành một điệp viên Đài Loan.
Ông ta đã cung cấp cho quân đội Đài Loan những bí mật về vũ khí và trang thiết bị của quân đội, bao gồm tình hình chi tiết về việc mua sắm vũ khí từ Nga.
Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, Bắc Kinh tuyên bố bắn tên lửa thị uy ra vùng biển phía Đông Đài Loan. Lưu Liên Côn đã tiết lộ với phía Đài Loan rằng PLA sẽ chỉ bắn “tên lửa rỗng” (không có đầu đạn).
Sau đó Tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) đã công khai tuyên bố với dân chúng Đài Loan “không cần phải sợ vì họ chỉ bắn đạn rỗng”.
Bắc Kinh đã bị sốc khi biết bí mật bị rò rỉ, nhưng cuộc điều tra dài hạn đã thất bại, cho đến khi vụ án được khám phá vào năm 1999, Lưu Liên Côn đã bị kết án tử hình và bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc; hơn 100 sĩ quan quân đội Trung Quốc liên quan đến vụ án đã bị điều tra, có hơn 30 người bị kết án tù các mức.
Thiếu tướng Lưu Liên Côn bị tử hình về tội làm gián điệp cho Đài Loan năm 1999
Nếu những thông tin về việc Tiền Vệ Bình làm gián điệp cho CIA là chính xác thì đây là vụ án tiết lộ bí mật nữa trong tầng lớp lãnh đạo cao cấp sau vụ Tôn Ba, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp nặng – tàu thuyền Trung Quốc.
Hôm 4/7/2019, Tôn Ba đã bị Tòa án Thượng Hải tuyên phạt 12 năm tù giam, tịch thu tài sản về tội “nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền”.
Trước đó đã có thông tin Tôn Ba phạm tội gián điệp, tiết lộ cho Mỹ những dữ liệu về việc cải tạo tàu sân bay Liêu Ninh, truyền thông chính thức cũng đã nói Tôn Ba liên quan đến việc tiết lộ bí mật quốc gia, nhưng vụ án được xử kín, tin tức công khai không đề cập đến tội danh này của ông ta.