Đợt phóng thử diễn ra vào thứ Sáu tuần trước (13/12) tại trung tâm phóng tên lửa Wuzhai thuộc tỉnh Shanxi với tầm bắn trong phạm vi tới phía Tây Trung Quốc. Đây là lần phóng thử thứ 2 của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm xa, di động mới này.
Theo các cơ quan tình báo Mỹ, tên lửa này sẽ được trang bị tới 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV). Đợt phóng thử đầu tiên của Dong Feng-41 (DF-41) diễn ra vào ngày 24/7/2012. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận nào về sự kiện này.
Lần phóng thử thứ 2 cho thấy sự phát triển tên lửa tầm xa của Trung Quốc hiện đang tiếp tục tiến triển, đồng thời tên lửa DF-41 làm dấy lên những mối lo ngại mới về học thuyết hạt nhân mà trong đó, Trung Quốc luôn tuyên bố rằng sẽ không phải là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột.
Thông tin về đợt phóng thử tên lửa hạt nhân này được tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng vẫn tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc sau vụ việc tàu đổ bộ Trung Quốc ngang ngược chặn đầu tuần dương hạm tên lửa USS Cowpens của Mỹ trên Biển Đông ngày 5/12 vừa qua.
Tên lửa DF-41 có tầm bắn vào từ 11.000- 12.000km, có thể mang nhiều đầu đạn, và được xem là một loại vũ khí tấn công phủ đầu.
Một bản báo cáo từ Trung tâm tình báo không gian của Không quân Mỹ (NASCI) công bố hồi tháng 5 có đề cập tới sự phát triển một loại tên lửa tầm xa mới mang nhiều đầu đạn của Trung Quốc, bên cạnh tên lửa tầm xa hiện có là DF-31 và DF-31A.
Tuy không đề cập đến tên lửa DF-41 nhưng báo cáo trên cho hay “Trung Quốc có thể cũng đang phát triển một loại ICBM di động mới có khả năng mang một đầu đạn MIRV, đồng thời số lượng đầu đạn trên các ICBM của Trung Quốc có khả năng đe dọa nước Mỹ có thể lên tới trên 100 trong vòng 15 năm tới”. Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, báo cáo trên cũng ám chỉ tới tên lửa DF-41.
Rick Fisher, một chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc và là một học giả cấp cao của Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế cho rằng thời điểm các báo cáo về vụ phóng thử mới nhất của tên lửa DF-41 được đưa ra trùng hợp với thời điểm các trang mạng quân sự Trung Quốc đăng tải xe mang phóng 18 bánh của tên lửa DF-41.
Theo Fisher, nếu trong tương lai, tên lửa DF-41 trong tương lai sẽ được triển khai với các bệ phóng có khả năng tái nạp, điều này sẽ làm tăng đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho hạt nhân của Trung Quốc, có thể là tăng từ 120 lên 240 đầu đạn đối với mỗi đơn vị DF-41.
Bản báo cáo về các hệ thống vũ khí chiến lược của tạp chí quốc phòng Janes trong năm 2012 đã đề cập rằng Trung Quốc đang phát triển tên lửa DF-41, được định danh là CSS-X-10 với mục đích thay thể các tên lửa phóng từ giếng phóng DF-5 và DF-5A vốn dễ bị phát hiện.
Hồi tháng trước, Larry Wortzel, một cựu sĩ quan tình báo quân sự và là thành viên của Ủy ban giám sát an ninh và kinh tế Trung-Mỹ, đã phát biểu trước Ủy ban quân vụ Mỹ rằng tên lửa DF-41 mới là một phần kho tên lửa hạt nhân ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Phát biểu hôm 20/11 vừa qua, Wortzel cho hay: “Trung Quốc hiện đang tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của họ bằng cách hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Họ đang tiến hành các biện pháp phát triển một loại ICBM di động mới. Tên lửa này có thể được trang bị các đầu đạn MIRV, cho phép mang tới 10 đầu đạt hạt nhân”. Wortzel cho rằng bên cạnh MIRV, Trung Quốc còn có thể tích hợp những tên lửa này với các “công cụ xuyên thủng”, được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trung Quốc cũng có thể phát triển ICBM di động trên đường ray xe lửa.
Mark Stokes, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và là chuyên gia về các hệ thống hạt nhân chiến lược của Trung Quốc từng nói rằng DF-41 đã được đề cập trong các bài báo quân sự, có thể bao gồm một động cơ nhiên liệu rắn lớn hơn phát triển từ DF-31.
Các đợt thử nghiệm trên bộ đối với động cơ của DF-41 đã được phát hiện trong những năm vừa qua. Các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ đặt nhiều nghi ngờ về khả năng DF-41 dựa trên ICBM di động SS-27 của Nga, và có thể sẽ được tích hợp công nghệ điều khiển tên lửa của Nga.
Tsai The-sheng, giám đốc của Cục An ninh quốc gia Đài Loan đã báo cáo với cơ quan lập pháp Đài Loan rằng Trung Quốc hiện đang phát triển tên lửa DF-41 và tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-2, tuy nhiên, chưa có tên lửa nào được triển khai tại các căn cứ quân sự của Trung Quốc.
Theo Tsai, tốc độ phát triển công nghệ quân sự mau lẹ của Trung Quốc hiện nay đã rất có thể sẽ cho phép quân đội Trung Quốc triển khai một tên lửa DF-41 nhiều đầu đạn trong tương lai.