Mỹ sẽ chặn Trung Quốc ở Thái Bình Dương bằng "máy bay cảm tử"

Nhật Huy |

(Soha.vn) - LRASM chỉ khác các máy bay cảm tử ở chỗ nó không có người lái.

Cách đây không lâu, Mỹ vừa thực hiện thành công vụ thử nghiệm thứ 2 với mục tiêu di động cho tên lửa diệt hạm LRASM. Đây là một trong những chương trình quốc phòng trọng tâm cho tương lai của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. LRASM được phát triển dựa trên JASSM-ER, mẫu tên lửa hành trình tàng hình được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược của đối phương. Do đó, hình dáng JASSM-ER được tích hợp các đặc tính tàng hình để có thể vượt qua hệ thống phòng không của đối phương. LRASM thừa hưởng đặc tính này để có thể giúp nó giảm thiểu khả năng bị phát hiện khi đang tiếp cận tàu chiến mục tiêu.

LRASM được thả từ B-1B trong một cuộc thử nghiệm
LRASM được thả từ B-1B trong một cuộc thử nghiệm

Tên lửa hay máy bay cảm tử

Có thể xem LRASM giống với một máy bay cảm tử hơn là một tên lửa. LRASM chỉ khác các máy bay kamikaze ở chỗ nó không có người lái. Khả năng tự hành là điểm chung lớn nhất giữa LRASM và máy bay cảm tử. Vai trò của phi công được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo trên LRASM. Các loại tên lửa diệt hạm khác sau khi được phóng đi sẽ được một phương tiện trinh sát khác dẫn đường hoặc bay theo các toạ độ được định trước. Đến giai đoạn cuối, tên lửa sẽ dùng cảm biến riêng, thường là radar, để khoá mục tiêu.

LRASM có thể dựa vào đường bay được lập trình sẵn, sử dụng GPS, nhưng nó cũng được trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau, kết hợp giữa radar và cảm biến hình ảnh, và có thể nhận thông tin chia sẻ từ nhiều loại phương tiện khác. Những tiến bộ trong công nghệ máy tính và vi xử lý cho phép những thế hệ vũ khí mới như LRASM có khả năng thu thập và xử lý nhiều luồng thông tin khác nhau đó và tự đưa ra nhiều quyết định tuỳ vào tình huống thực tế.

Nếu mục tiêu của nó là tàu sân bay, và gần đó có một tàu chiến khác làm nhiệm vụ bảo vệ, LRASM có thể điều chỉnh đường bay để vòng tránh tàu chiến bảo vệ, giảm thiểu khả năng bị đánh chặn. Nó được trang bị thiết bị cảnh báo radar và có thể biết mình có bị tàu chiến đối phương theo dõi hay không. Những khả năng như vậy hiện nay chỉ có thể được thực hiện bởi những phương tiện có người lái, hoặc được điều khiển từ xa.

Hiện nay LRASM mới chỉ có thể được triển khai từ máy bay. Tuy nhiên sắp tới nó sẽ được phóng thử từ tàu chiến
Hiện nay LRASM mới chỉ có thể được triển khai từ máy bay. Tuy nhiên sắp tới nó sẽ được phóng thử từ tàu chiến

Điểm chung nữa giữa LRASM và máy bay cảm tử là nó được trang bị cảm biến hình ảnh, cũng giống như đôi mắt của các phi công cảm tử thời thế chiến để tìm kiếm và xác định mục tiêu. Dùng cảm biến hình ảnh giúp LRASM không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp áp chế áp điện tử của đối phương như các loại tên lửa diệt hạm sử dụng radar khác. Hơn nữa, nó cho phép LRASM không chỉ xác định mục tiêu cần tiêu diệt mà còn có thể chọn chính xác điểm va chạm để gây thiệt hại tối đa.

Lựa chọn điểm va chạm cũng là một nguyên tắc quan trọng trong chiến thuật kamikaze. Mục tiêu chính của các phi công cảm tử Nhật là những tàu sân bay Mỹ, và chỉ đơn giản lao máy bay vào chúng sẽ không hiệu quả vì tàu sân bay là một mục tiêu rất vững chắc. Các phi công kamikaze phải nhắm vào những điểm trọng yếu của tàu sân bay để vô hiệu hoá nó nhanh nhất. Thang nâng để đưa máy bay từ khoang chứa lên boong thường là điểm được ưu tiên nhắm đến nhiều nhất. Đối với những tàu chiến khác, đó là vị trí bên dưới đài chỉ huy, nơi đặt trung tâm điều hành tác chiến của con tàu. Nguyên tắc này vẫn được áp dụng cho chiến tranh hiện nay.

Lựa chọn điểm va chạm giúp tăng hiệu quả của đòn tấn công vì nó không cần phải đánh chìm hay phá huỷ cả con tàu, mà chỉ cần đánh trúng yếu huyệt để vô hiệu hoá con tàu. Như với tàu sân bay, nếu thang nâng không hoạt động được thì nó cũng trở thành một khối sắt nổi vô dụng.

LRASM có thể lựa chọn góc tiếp cận và độ cao phù hợp cho từng tình huống cụ thể
LRASM có thể lựa chọn góc tiếp cận và độ cao phù hợp cho từng tình huống cụ thể

So sánh với tên lửa diệt hạm siêu âm

Cách tiếp cận của Liên Xô và Nga hiện nay đối với tên lửa diệt hạm là dựa chủ yếu vào tốc độ khiến cho hệ thống phòng không của tàu chiến không có đủ thời gian để phản ứng. Một ví dụ mới nhất là BrahMos, có tốc độ tối đa lên đến Mach 2,8. Trên thực tế, cả Đài Loan và Nhật Bản, 2 đối thủ trong khu vực của Trung Quốc, cũng đều sở hữu các tên lửa diệt hạm siêu âm là Hsiung Feng III (Đài Loan) và ASM-3 (Nhật Bản).

So với các tên lửa diệt hạm siêu âm, LRASM có lợi thế về kích thước, vì để đạt được vận tốc siêu âm cần tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Còn LRASM hoạt động như một máy bay nên có hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao hơn. Một ví dụ là BrahMos có trọng lượng hơn gấp 2 lần LRASM, nhưng tầm bắn ngắn hơn, 300km so với hơn 400km của LRASM. Ngoài ra, đầu đạn của BrahMos cũng nhỏ hơn đầu đạn của LRASM, 300kg so với 450kg.

Kích thước nhỏ của LRASM giúp tăng số lượng vũ khí có thể được triển khai trên chiến trường
Kích thước nhỏ của LRASM giúp tăng số lượng vũ khí có thể được triển khai trên chiến trường

Các tên lửa siêu âm cũng dễ bị radar và cảm biến nhiệt phát hiện hơn. Do có kích thước lớn hơn và có dạng hình trụ, nên nhưng tên lửa diệt hạm hiện nay có diện tích bề mặt phản xạ radar lớn hơn nhiều so với của LRASM. Việc phải cần sức đẩy lớn để đạt vận tốc siêu âm cũng khiến các tên lửa này phát ra rất nhiều bức xạ nhiệt.

Tất nhiên các tên lửa siêu âm vẫn tạo một lợi thế lớn cho riêng mình. Mục tiêu sẽ có ít thời gian để phản ứng và triển khai các biện pháp phòng vệ. Động năng của một tên lửa có vận tốc lớn có thể gây thiệt hại đáng kể cho mục tiêu ngay cả khi đầu đạn không phát nổ. Trên thực tế, chương trình phát triển LRASM dự kiến cho ra đời 2 phiên bản khác nhau, gồm phiên bản hạ âm, tức LRASM hiện nay, và phiên bản siêu thanh. Tuy nhiên, phiên bản thứ 2 đã bị huỷ khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm trong những năm qua.

Giải pháp cho “Chống tiếp cận”

LRASM được phát triển đặc biệt để đối phó với chiến lược chống tiếp cận mà Trung Quốc đang xây dựng tại Thái Bình Dương. Mục tiêu chính của chiến lược này là buộc lực lượng quân sự Mỹ phải hoạt động từ khoảng cách xa nhất có thể, bằng cách ngăn tàu chiến và máy bay Mỹ hoạt động tự do trong vùng trời và vùng biển quanh lục địa Trung Quốc.

Đối với tác chiến chống hạm, từ trước đến nay Mỹ dựa chủ yếu vào hoả lực từ tàu ngầm và chiến đấu cơ xuất phát từ tàu sân bay. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung Quốc nhờ vào yếu tố "sân nhà" có thể triển khai lưới phòng không tầm xa từ đất liền. Chiến đấu cơ Trung Quốc xuất phát từ các sân bay trên bộ cũng có lợi thế về số lượng và tầm hoạt động. Ngoài ra, lực lượng Mỹ còn phải đối phó với các biện pháp chế áp điện tử của phía Trung Quốc. Tất cả những yếu tố trên sẽ khiến các chiến đấu cơ Mỹ gặp rất nhiều nguy hiểm khi tác chiến chống hạm.

Tầm bắn xa của LRASM giúp các chiến đấu cơ và tàu chiến có thể tác chiến ở khoảng cách an toàn hơn. Khả năng tự hành và tàng hình giúp nó xuyên thủng hệ thống phòng không và tồn tại được trong môi trường chịu sự chế áp điện tử thường xuyên của đối phương. Việc giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào các phương tiện khác đồng nghĩa với việc người Mỹ ít phải liều lĩnh gửi các phương tiện có người lái vào trong khu vực nguy hiểm để dẫn bắn cho tên lửa diệt hạm của mình.

Cảm biến hình ảnh giúp LRASM miễn nhiễm với các biện pháp tác chiến điện tử của Trung Quốc, và tăng hiệu quả mỗi lần bắn trúng đích. Bên cạnh đó, kích thước nhỏ của LRASM giúp giảm gánh nặng hậu cần cho hải quân Mỹ, một yếu tố rất quan trọng khi phải tác chiến ở một nơi cách chính quốc hàng ngàn km.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại