Vì sao Nga tuyệt đối không nên bán Su-35 cho Trung Quốc?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Sở hữu một máy bay như Su-35 có ý nghĩa lớn lao với Bắc Kinh, nhất là khi họ đang cố gắng hoàn thiện một tiêm kích có độ tàng hình cao hơn trong tương lai.

Harry Kazianis, cựu chủ bút của tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), vừa có bài bình luận xoay quanh hợp đồng mua bán tiêm kích đa năng Su-35 giữa NgaTrung Quốc.

Theo Harry, việc Nga và Trung Quốc triển khai những hợp đồng lớn về mua bán tài nguyên thiên nhiên là điều dễ hiểu vì nó có lợi cho cả 2 bên. Nhưng trong trường hợp các thỏa thuận bán thiết bị quân sự tối tân cho Trung Quốc, dù mới chỉ trong giai đoạn thương thảo, thì lợi ích của nước Nga là vấn đề đáng bàn cãi.

Máy bay tiêm kích đa năng Su-35
Máy bay tiêm kích đa năng Su-35

Có một số vấn đề Nga nên cân nhắc trước khi quyết định bán Su-35 cho Trung Quốc. Trở lại thời điểm ngành công nghiệp quốc phòng của Nga năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc đã mua số lượng lớn máy bay Su-27 với trị giá hợp đồng lên tới 1 tỷ USD. Hai bên còn dự kiến tăng số lượng máy bay lên 200 chiếc và thỏa thuận rằng một số lượng lớn sẽ được lắp ráp tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị cắt đứt sau khi Nga chuyển giao hơn 100 chiếc Su-27 đầu tiên cho Trung Quốc. Vào thời điểm đó, người Nga đã cáo buộc Trung Quốc sao chép trái phép Su-27 để bán cho các nước khác dưới một tên gọi mới là J-11 và J-11B.

Các quan chức Trung Quốc ngay lập tức lớn tiếng phủ nhận cáo buộc của Nga. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Wall Street Journal năm 2010, Zhang Xinguo, Phó Chủ tịch tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc AVIC, đã ra sức phản bác cáo buộc trên, khẳng định rằng máy bay của Trung Quốc không phải là hàng sao chép của nước khác.

Zhang phát biểu: “Bạn không thể nói rằng đây là một bản sao chép. Tất cả những chiếc điện thoại di động đều nhìn giống nhau. Công nghệ ngày nay đang phát triển rất nhanh, vì thế, nhìn bề ngoài chúng thậm chí có thể giống nhau nhưng mọi thứ bên trong thì không thể như nhau được”.

Tiêm kích J-11 Trung Quốc được cho là sao chép Su-27 của Nga
Tiêm kích J-11 Trung Quốc được cho là sao chép Su-27 của Nga

Ngoài J-11, tiêm kích J-15 Trung Quốc cũng được cho là một bản "nhái" của máy bay Su-33 Nga.

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo, các quan chức Trung Quốc ra sức bảo vệ J-15. Geng Yansheng, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc giải thích rằng: “Những vấn đề quân sự trên thế giới đều có một quy luật phát triển riêng. Rất nhiều loại vũ khí có nguyên tắc thiết kế giống nhau, một số phương thức chỉ huy và bảo vệ cũng tương tự nhau. Do đó, việc kết luận rằng Trung Quốc đi sao chép công nghệ tàu sân bay của các nước khác là nhận định thiếu chuyên môn, chỉ căn cứ vào sự so sánh đơn thuần”.

Quay trở lại thương vụ Su-35, Harry nhận định rằng thương vụ này có nhiều điểm giống với thương vụ Su-27. Theo tờ Want China Times, "Bắc Kinh mong muốn nhận được lời hứa hẹn của Moscow về việc thiết lập một trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Trung Quốc trong hợp đồng lần này. Các chuyên gia Trung Quốc phải có khả năng bảo dưỡng và sửa chữa các tiêm kích Su-35 thông qua sự huấn luyện của các cố vấn Nga”.

Theo Harry, trong khi Nga có thể giành được một hợp đồng lớn cho ngành công nghiệp vũ khí của mình, thì họ cũng cần phải suy nghĩ xa hơn nữa và không quên tự nhắc nhở mình rằng lịch sử mối quan hệ Trung-Nga không phải là hình mẫu cho sự hòa bình và thịnh vượng. Moscow có thể sẽ muốn cân nhắc lại một hợp đồng như vậy.

Đối với Trung Quốc, hợp đồng trên là quá hấp dẫn. Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất động cơ cho máy bay tiêm kích, thậm chí đối với họ, việc mổ xẻ những thiết bị và công nghệ quân sự mới nhất của Nga sẽ rất có lợi. Hiện tại, Mỹ là quốc gia duy nhất triển khai máy bay tiêm kích thế hệ 5 và vẫn vấp phải hàng loạt vấn đề kỹ thuật. Vì thế, sở hữu một chiếc máy bay như Su-35 có thể sẽ mang lại một ý nghĩa lớn lao cho Bắc Kinh, nhất là khi họ đang cố gắng hoàn thiện một tiêm kích có độ tàng hình cao hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, với Trung Quốc, với tầm hoạt động xa, Su-35 sẽ có tác dụng rất lớn trong việc triển khai ý đồ trinh sát và tác chiến (nếu có) của Trung Quốc trong một thời gian dài ở những khu vực hiện đang tranh chấp trên biển Hoa ĐôngBiển Đông. Khi áp dụng mô hình Không-Hải chiến, Trung Quốc sẽ chủ yếu phải đối phó với những cuộc tấn công thọc sâu vào lục địa. Vì vậy, với Bắc Kinh, sở hữu một tiêm kích hiện đại như Su-35 về lâu về dài xem chừng không phải là một sự đầu tư sai lầm.

Nhưng ngược lại đối với Nga, Harry cho rằng rủi ro là quá rõ ràng. Việc phải cạnh tranh với những công nghệ của chính mình trong thị trường vũ khí màu mỡ không bao giờ là điều tốt đẹp. Dẫu rằng hợp đồng này có thể mang lại lợi ích kinh tế nhưng về lâu về dài khả năng mất đi nhiều hợp đồng vào tay những sản phẩm hàng nhái có giá thành rẻ hơn của Trung Quốc chẳng khác gì một thảm họa.

Thêm nữa mối quan hệ hữu nghị hiện nay cũng có thể dẫn tới những thách thức về địa chính trị sau này. Lợi ích của Nga và Trung Quốc có thể không phải lúc nào cũng có thể song hành cùng nhau. Có thể một ngày nào đó, Nga sẽ có nguy cơ phải chống lại chính những công nghệ quân sự mà họ đã bán cho Trung Quốc, một cách trực tiếp hoặc sẽ phải đối mặt với việc Trung Quốc bán các công nghệ này cho đối thủ của Nga trong tương lai.

Cũng có một khả năng khác để Nga có thể buộc Trung Quốc không được hành xử như vậy, đó chính là cắt đứt nguồn dầu mỏ cung cấp cho Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh "chơi xấu". Tuy nhiên, xét đến cùng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng phần lớn ngân sách của Nga có được là nhờ nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu dầu mỏ. Như vậy, nếu như Trung Quốc cố tình tiếp tục làm nhái máy bay của Nga, liệu Nga có dám cân nhắc để thực hiện động thái nói trên hay không?

Su-35 là máy bay chiến đấu đa năng được trang bị 2 động cơ phản lực tiên tiến AL-41F1 với hệ thống điều khiển lực đẩy vector đa chiều. Nó có thể bay ở tốc độ 2.400 km/h và có tầm hoạt động tới 3.200 km. Su-35 được thiết kế để thực hiện tất cả các nhiệm vụ không-đối-không, không-đối-đất/hạm.

Mặc dù là tiêm kích thế hệ 4++ nhưng Su-35 còn được trang bị những công nghệ tiên tiến áp dụng cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Với những tính năng ưu việt, Su-35 thậm chí còn được đánh giá là kỳ phùng địch thủ với "tia chớp" F-35 của Mỹ.

Mới đây, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Giám đốc tổ hợp quốc phòng Rostex (Nga), ông Sergei Chemezov cho biết hợp đồng mua bán tiêm kích Su-35 giữa Trung Quốc và Nga sẽ không được ký kết trong năm 2013, do hai bên còn vẫn còn phải thương thảo về vấn đề giá cả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại