Mặc dù cán cân quân sự trên eo biển Đài Loan vẫn nghiêng về phía Trung Quốc song Đài Loan cũng đã tự phát triển được những loại vũ khí có thể gây tổn thất lớn cho Hải quân Trung Quốc, thậm chí là đe dọa cả tàu sân bay Liêu Ninh.
Mới đây, tập đoàn công nghiệp tàu thủy Lung-De, Đài Loan đã giới thiệu một loại tàu tên lửa cao tốc mới được gọi là "High Efficiency Wave Piercing Catamaran (WPC)"(tạm dịch tàu hai thân lướt sóng hiệu suất cao).
Tàu WPC được thiết kế dạng 2 thân giúp tàu có tốc độ nhanh hơn và hoạt động dễ dàng trên những vùng biển nông. Thân tàu được thiết theo công nghệ tàng hình giúp nó khó bị phát hiện từ xa bởi các khí tài trinh sát điện từ.
Tàu có chiều dài 60,4 mét, rộng 14 mét, mớn nước 2,3 mét, lượng giãn nước toàn tải 500 tấn, thủy thủ đoàn 34 người, phạm vi hoạt động 2.000 hải lý.
"Đè bẹp" Type 022 của Trung Quốc
Ngay khi tàu WPC của Đài Loan được giới thiệu, giới quân sự thế giới đã đánh giá rất cao loại tàu tên lửa tốc độ cao này. Trang Strategy Page nhận định rằng, WPC của Đài Loan sẽ là một thách thức lớn cho lực lượng Hải quân Trung Quốc, thậm chí còn có thể đe dọa hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh.
So với loại tàu chiến Type 022 của Trung Quốc, WPC của Đài Loan gần như vượt trội ở mọi chỉ số. Điểm tạo nên sức mạnh cho tàu WPC là nó được trang bị hệ thống hỏa lực cực mạnh.
Tàu tên lửa này được trang bị tới 16 tên lửa chống hạm Hùng Phong III, tên lửa có chiều dài 6,1 mét, đường kính 0,45 mét, trọng lượng phóng 1,5 tấn. Tên lửa được dẫn hướng kết hợp quán tính và GPS, giai đoạn cuối tên lửa khóa mục tiêu bằng radar chủ động với độ chính xác cao.
Tên lửa Hùng Phong III có tầm bắn 130km, tốc độ 2.300km/h mang theo đầu đạn nặng 181kg đủ sức nhấn chìm tàu chiến có tải trọng đến 4.000 tấn. Mũi tàu được trang bị một pháo hạm tốc độ cao Oto Melara 76mm. Pháo này có tốc độ bắn lên đến 220 viên/phút, tầm bắn hiệu quả khoảng 11km.
Đuôi tàu được trang bị một hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS 20mm nhập khẩu từ Mỹ để đối phó với tên lửa chống hạm hoặc các vũ khí dẫn đường khác. Ngoài ra tàu còn được trang bị 4 súng máy hạng nặng 12,7mm, tên lửa phòng không vác vai. Đuôi tàu có sàn đáp cho một trực thăng chống ngầm trọng lượng khoảng 10 tấn nhưng không có nhà chứa.
Trong khi đó, loại tàu tương tự của Trung Quốc Type 022 chỉ được trang bị 8 tên lửa chống hạm C-802, tên lửa này có tầm bắn khoảng 120km. Có thông tin cho rằng, Type 022 được trang bị 2 bệ phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hongniao có tầm bắn từ 600-3000km. Tuy nhiên, việc phóng tên lửa hành trình tầm xa từ các tàu tên lửa nhỏ thường không phù hợp.
Mũi tàu được trang bị 1 pháo bắn nhanh sao chép từ AK-630 30mm của Nga, 18 tên lửa phòng không vác vai FLS-1. Như vậy, về hệ thống hỏa lực, Type 022 Trung Quốc hoàn toàn thua kém WPC của Đài Loan.
Type 022 của Trung Quốc (ở trên) hoàn toàn lép vế khi so sánh với WPC của Đài Loan (ở dưới).
Xét về khả năng cơ động, WPC được trang bị 4 động cơ phản lực nước giúp tàu chiến này đạt tốc độ tối đa khoảng 68km/h. Type 022 cũng được trang bị động cơ phản lực nước nhưng tốc độ chỉ đạt 58km/h. Khả năng cơ động của Type 022 kém hơn so với WPC trong khi lượng giãn nước của nó nhỏ hơn.
Ngoài lợi thế về hỏa lực và khả năng cơ động, tàu tên lửa cao tốc WPC của Đài Loan còn có sự trợ giúp của một trực thăng. Trong nhiệm vụ tác chiến độc lập, WPC có thể dựa vào trực thăng để tăng cường khả năng cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa.
Đài Loan có thể sử dụng tàu tên lửa cao tốc WPC trong chiến thuật đột kích tốc độ cao vào đội hình tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Với lợi thế về hỏa lực, WPC có thể gây những tổn thất nặng nề cho Hải quân Trung Quốc, thậm chí còn là mối đe dọa lớn cho tàu sân bay Liêu Ninh của nước này.