Vì sao vũ khí Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Á-Phi?

Hoàng Ngân |

(Soha.vn) - Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu vũ khí sang nhiều nước châu Á và châu Phi.

Đầu tháng 10/2013, trang bình luận quân sự nước ngoài của Nga đã tổng kết hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang một số nước châu Á và châu Phi. Theo trang tin trên, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc rất coi trọng việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự từ nước ngoài và thúc đẩy việc xuất khẩu các mẫu vũ khí nội địa.

Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc năm 2011 đã là 1,77 tỷ USD. Vũ khí của Trung Quốc xuất khẩu ra các nước đa số đều là các biến thể của vũ khí Liên Xô cũ và Nga.

Khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giai đoạn 2004-2011 (tỷ USD)
Khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giai đoạn 2004-2011 (tỷ USD)

Theo tổng kết, từ năm 2004 -2011, Trung Quốc đã thu về 7,94 tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí, trong đó hơn 60% lượng tiền trên là các cuộc giao dịch từ năm 2009 đến 2011. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2004-2011, gần một nửa (tức 48,2% - 4,77 tỷ USD) giá trị xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 8,4% (669 triệu USD) là ở khu vực châu Phi.

Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đã ký các bản hợp đồng bán 2.288 đơn vị vũ khí cho các nước châu Á – Thái Bình Dương với số tiền 7,8 tỷ USD (chiếm 47% tất cả các hợp đồng mà Trung Quốc ký được trong giai đoạn này) và 1.840 đơn vị vũ khí cho các nước châu Phi trị giá 1,8 tỷ USD (chiếm 11% ).

Theo số liệu sơ bộ, khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong năm 2012 lên tới 1,954 tỷ USD, tương đương 2,8% tổng lượng xuất khẩu sản phẩm quân sự của thế giới. Cũng theo dự báo dựa trên các cuộc đàm phán cung cấp vũ khí hiện tại thì trong giai đoạn 2012 - 2015, Trung Quốc có thể xuất khẩu lượng vũ khí trang bị lên đến 5,7 tỷ USD.

Dự báo mức độ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giai đoạn 2012-2015 (tỷ USD)

Nguyên nhân khiến các đối tác bị hấp dẫn bởi vũ khí của Trung Quốc là do Trung Quốc luôn đưa ra các khoản vay ưu đãi đối với các nước mua vũ khí, đồng thời bán vũ khí với giá rẻ, thấp hơn so với vũ khí của Nga từ 20-40% tùy từng loại. Ngoài ra, vũ khí của Trung Quốc có công nghệ không quá phức tạp vì vậy dễ bảo dưỡng, bảo trì, dễ dàng trong việc đào tạo nguồn nhân lực sử dụng và vận hành, dễ thích ứng với các loại vũ khí của Liên Xô cũ và Nga.

Bên cạnh đó, việc chi trả cho lượng vũ khí mua có thể thông qua việc cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận nguồn tài nguyên. Ví dụ, Zambia đã nhiều lần thanh toán với Trung Quốc bằng việc cho phép Trung Quốc khai thác đồng; Kenya đang đàm phán mua vũ khí của Trung Quốc bằng việc thanh toán dần bằng hải sản.

Máy bay tiêm kích phiên bản xuất khẩu JF-17 luôn được Trung Quốc chào bán ở các triển lãm vũ khí trang bị.
Máy bay tiêm kích phiên bản xuất khẩu JF-17 luôn được Trung Quốc chào bán ở các triển lãm vũ khí trang bị.

Khách hàng chính của Trung Quốc ở châu Á là Pakistan, thị phần của Pakistan chiếm trong tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn 2004-2011 khoảng 36% (2,824 tỷ USD). Các thiết bị chính mà Pakistan mua của Trung Quốc là máy bay tiêm kích FC-1 (phiên bản xuất khẩu JF-17), máy bay chỉ huy cảnh báo sớm ZDK-03 và máy bay trực thăng chống ngầm Z-9EC.

Thêm vào đó, Pakistan cũng mua các loại trực thăng, xe tăng, tên lửa lớp không đối không, tên lửa hành trình chống tàu và các loại vũ khí hạng nhẹ và đạn dược khác nhau. Trung Quốc còn bàn giao công nghệ sản xuất tên lửa cho Pakistan. Năm 2013, Pakistan đang đàm phán với Trung Quốc liên quan đến việc cung cấp 06 tàu ngầm và 04 tàu khu trục, cũng như xem xét việc sản xuất chung máy bay FC-1 và bán sang các nước thứ 3.

Ngoài Pakistan, trong giai đoạn 2004-2011, cần phải kế đến các khách hàng khác của Trung quốc ở châu Á là Bangladesh (với 289 triệu USD), Malaysia (100 triệu USD), Myanmar (253 triệu USD) và Thái Lan (117 triệu USD). Hầu hết các hợp đồng bán vũ khí mà Trung Quốc ký trong năm 2011 ở châu Á - Thái Bình Dương là với các nước Bangladesh, Pakistan, Indonesia và Campuchia. Dự báo thị phần của các nước châu Á - Thái Bình Dương trong tổng lượng xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2012 -2015 đạt 63,9 % (3,64 tỷ USD), khách hàng chủ yếu vẫn là Pakistan.

Tên lửa phòng không tầm gần HQ-7A đã được xuất khẩu sang Bangladesh.
Tên lửa phòng không tầm gần HQ-7A đã được xuất khẩu sang Bangladesh.

Cũng trong giai đoạn 2004-2011, Trung Quốc đã xuất khẩu một lượng lớn vũ khí sang châu Phi, nước nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc trong khu vực này là Nigeria (251 triệu USD) và Zimbabwe (203 triệu USD). Châu Phi đang có nhu cầu rất lớn về vũ khí, đặc biệt khu vực này đang quan tâm đến máy bay chiến đấu J-7, máy bay huấn luyện JL-8 và máy bay đa năng Y-12 của Trung Quốc.

Không quân của Zimbabwe, Nigeria và Nam Phi đang quan tâm đến máy bay chiến đấu FC-1. Theo một số nguồn tin, Zimbabwe hiện đang đàm phán với Trung Quốc về việc cung cấp một phi đội máy bay FC-1. Đổi lại, Trung Quốc sẽ có được các hợp đồng khai thác mỏ kẽm và nhôm. Nigeria cũng đang đàm phán mua JL-8.

Ngoài máy bay huấn luyện JL-8, Angola cũng đang muốn mua FC-1 và đang trong quá trình xúc tiến việc này. Angola cũng đàm phán với công ty NORINCO (Trung Quốc) với mục đích ký hợp đồng mua pháo chiến đấu, xe bọc thép và đạn dược.

Ngoài ra, Algeria, Sudan và Ai Cập đã mua pháo tự hành 155 mm của Trung Quốc. Zambia và Sudan mua xe thiết giáp chở quân WMZ-551. Kenya trong giai đoạn 2007-2011 cũng đã nhận được từ Trung Quốc 32 xe thiết giáp chở quân WMZ 551 và 4 trực thăng tấn công Z-9WA.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại