Trung Quốc úp mở về tên lửa xuyên thủng "tấm khiên" Aegis Mỹ

Minh Đức |

(Soha.vn) - Trung Quốc đã phát triển một tên lửa chống bức xạ mới mà họ vỗ ngực cho rằng có thể xuyên thủng hệ thống Aegis của Mỹ.

Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao YJ-91 của Trung Quốc từ lâu đã được quảng cáo là vượt trội so với các tên lửa đánh chặn của Mỹ, có thể tấn công các tàu chiến Aegis của Mỹ như Ticonderoga, Arleigh Burke có trang bị radar AN/SPY-1.

Gần đây, 3 hạm đội của Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương, buộc Nhật Bản phải điều động tàu khu trục lớp Murasame tới "giám sát". Ẩn đằng sau cuộc đối đầu giữa hải quân Trung-Nhật là cuộc đấu giữa hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ và chống Aegis của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phát triển một tên lửa chống bức xạ mới PL-16 dựa trên tên lửa chống bức xạ LD-10.

Trung Quốc đã phát triển một tên lửa chống bức xạ mới PL-16, dựa trên tên lửa chống bức xạ LD-10.

Sức mạnh phòng thủ tên lửa của Mỹ đã tạo cho Nhật Bản những sự chủ quan nhất định, trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường phát triển các loại vũ khí nhằm xuyên qua hệ thống Aegis.

Một số nhà phân tích cho rằng quân đội Mỹ-Nhật đang dần trở nên lo lắng trước các loại tên lửa hành trình của Trung Quốc.

Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng tên lửa Trung Quốc đã buộc Mỹ phải tăng cường khả năng cho các tàu Aegis của họ trên toàn thế giới. Reuters cho biết, Mỹ đã chi 1 tỷ USD cho tập đoàn Lockheed Martin để tiến hành nâng cấp hệ thống chiến đấu Aegis.

Tên lửa chống bức xạ YJ-91 sao chép từ Kh-31P của Nga, mặc dù tầm bắn nhỉnh hơn nhưng đầu dò radar của nó có phạm vi hoạt động khá hạn chế.
Tên lửa chống bức xạ YJ-91 sao chép từ Kh-31P của Nga, mặc dù tầm bắn nhỉnh hơn nhưng đầu dò radar của nó có phạm vi hoạt động khá hạn chế.

Lockheed Martin sẽ phát triển, tích hợp và thử nghiệm một hệ thống chiến đấu Aegis mới, nhằm nâng cao khả năng đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Trung Quốc. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng đang tìm cách chào hàng hệ thống Aegis cho Ấn Độ và một số quốc gia châu Á khác để thiết lập một hàng rào chống tên lửa bao quanh Trung Quốc.

Trong khi đó, trước những căng thẳng gia tăng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo Trung-Nhật. Trung Quốc đã triển khai ngày càng nhiều các máy bay cho các hoạt động đặc biệt được trang bị tên lửa chống bức xạ, tạo nên áp lực rất lớn cho lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

Những năm 1990, Trung Quốc đã nhập khẩu tên lửa chống bức xạ Kh-31P từ Nga, trên cở sở Kh-31P, Trung Quốc đã sao chép thành YJ-91 được quảng cáo là tốt hơn so với Kh-31P. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng của tên lửa YJ-91 không có gì đặc biệt so với Kh-31P, ngoại trừ tầm bắn nhỉnh hơn khoảng 10km (ở mức 120km so với 110km của Kh-31P).

Cuộc chiến giữa “mũi giáo và tấm khiên”

Trước kế hoạch của Mỹ nhằm phát triển của hệ thống Aegis mới và thiết lập “gọng kìm” bao vây Trung Quốc, Bắc Kinh đã úp mở về một chương trình phát triển tên lửa chống bức xạ mới có tên PL-16. Loại tên lửa này được quảng cáo là có hiệu suất tốt hơn so với tên lửa chống bức xạ AGM-88 Harm của Mỹ được cho là có thể xuyên thủng lá chắn Aegis.

Quá trình phát triển của PL-16 dựa trên kinh nghiệm từ việc Mỹ đã sử dụng rất nhiều tên lửa chống bức xạ để vô hiệu hóa hệ thống radar cảnh giới cũng như điều khiển hỏa lực của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh. Mặc dù YJ-91 cũng là một tên lửa chống bức xạ nguy hiểm nhưng kích thước của nó khá lớn với đường kính 380mm, trọng lượng 600kg nên chỉ phù hợp với các máy bay chiến đấu có tải trọng vũ khí lớn và số lượng mang theo rất hạn chế.

Tấm khiên Aegis quá vững chắc so với những
Tấm khiên Aegis quá vững chắc so với những "mũi giáo cùn" của Trung Quốc.

PL-16 có thiết kế nhỏ gọn hơn trong khi vẫn đảm bảo được tầm bắn tương đương nhằm khắc phục hạn chế của YJ-91. PL-16 được cho là một phiên bản nâng cấp của tên lửa chống bức xạ LD-10 từng được giới thiệu trong triển lãm hàng không Chu Hải 2012.

LD-10 được phát triển từ tên lửa không đối không tầm trung PL-12, tuy nhiên, so với YJ-91 thì tầm bắn của LD-10 chỉ khoảng 60km, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Không quân Trung Quốc. Mặc dù vậy, LD-10 vẫn nhận được sự đánh giá khá cao của các phương tiện truyền thông nước ngoài, như một sự tăng cường cơ bản cho năng lực chống bức xạ của Trung Quốc.

Sự phát triển của các tên lửa chống bức xạ YJ-91, LD-10 và PL-16 được ví như những “mũi giáo” đối chọi lại “tấm khiên” Aegis của Mỹ. "Cây giáo" này liệu có xuyên thủng được "tấm khiên" Aegis hay không?

Thực tế thì đầu dò radar của YJ-91 chỉ hoạt động được trên một số dải tần số nhất định. Trong khi đó, việc phát triển một đầu dò radar có thể dò được mọi tần số tương như tư tên lửa Harm của Mỹ được cho là nằm ngoài khả năng của ngành công nghiệp vi điện tử của Trung Quốc. LD-10 có tầm bắn khá khiêm tốn, khoảng 60km. Như vậy, tiêm kích mang nó buộc phải hoạt động trong khu vực nguy hiểm của các hệ thống phòng không.

Trong khi đó, tên lửa PL-16 vẫn là một ẩn số quá lớn khi mà chương trình vẫn ở dạng tin đồn và chưa có gì hiện hữu, còn tấm khiên” Aegis của Mỹ thì liên tục được nâng cấp trong thời gian qua và minh chứng là những lần đánh chặn tên lửa thành công.

Xem ra, "mũi giáo" của Trung Quốc vẫn chưa đủ độ tinh vi và sức công phá để có thể xuyên thủng và phá hủy tấm khiên Aegis, ít nhất là trong thời gian tới. Mặc dù “mũi giáo” vẫn liên tục được mài giũa nhưng “tấm khiên” cũng ngày một dày lên. Cuộc chiến “mũi giáo - tấm khiên” lợi thế vẫn nghiêng về “tấm khiên” và xem chừng rất khó để san bằng nó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại