Âm mưu người Mỹ
Sự phát triển về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể khiến Mỹ lo lắng nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời khi Mỹ có cớ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ngay sát nách Trung Quốc. Với những tên lửa luôn thường trực chĩa sang phía mình, Trung Quốc không khỏi lạnh sống lưng.
Ngày 21/5/2013, trang mạng “Thời báo Lục quân” Mỹ cho biết, mặc dù hiện nay “mối đe dọa tên lửa” của CHDCND Triều Tiên đã được xoa dịu, nhưng nhiều nghị sĩ Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Mỹ dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa đã triển khai trước đó nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mục đích là để ngăn chặn sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Qua phát biểu như vậy có thể thấy rằng, Trung Quốc mới chính là đối tượng chính của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai ở Đông Á, còn Triều Tiên chỉ là cái cớ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ngăn chặn sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Tai Đông Á, tất cả các thành phần then chốt của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã hiện diện, bao gồm: hệ thống Aegis, radar cảnh báo sớm và THAAD…
Hiện tại, một số tàu chiến nước này trang bị hệ thống Aegis đã có mặt tại Nhật Bản, Guam và Hawaii. Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc công bố thỏa thuận lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm X-band AN/TPY-2 thứ 2 tại Nhật Bản. Trước đó, Washington đã lắp đặt một hệ thống như vậy tại Hawaii và dự định sẽ có thêm một radar X-band AN/TPY-2 trong thời gian tới. Từ đó, Lầu Năm Góc hình thành nên một hệ thống radar cảnh báo sớm bao phủ gần trọn châu Á, nối liền châu Âu. Ngoài ra, dù giới chức quốc phòng Hàn Quốc bác bỏ thông tin hợp tác thiết lập lá chắn tên lửa với Mỹ nhưng khẳng định vẫn cần kết nối với hệ thống vệ tinh của Lầu Năm Góc.
Vừa mở rộng quy mô, Mỹ cũng liên tục tăng cường tính chính xác của hệ thống phòng thủ tên lửa mà nước này đang thiết lập. Ngày 24/10, chuyên trang thông tin lục quân Mỹ DVIDS đưa tin Lầu Năm Góc vừa thực hiện cuộc thử nghiệm phức tạp nhất trong lịch sử quân sự nước này. Cuộc thử nghiệm diễn ra ở bãi thử Reagan thuộc Cộng hòa đảo Marshalls và vùng lân cận thuộc tây Thái Bình Dương. Tại đây, hai hệ thống Aegis và THAAD kết hợp cùng nhau đã đánh hạ thành công cùng lúc 5 mục tiêu, gồm cả tên lửa đạn đạo lẫn hành trình.
Với những động thái này của Mỹ, có thể nói là Trung Quốc như bị dựng một bức tường thành che chắn trước cửa nhà.
Aegis rình rập quanh nhà
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (ABMD - Aegis Ballistic Missile Defense System- hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo phi chiến lược - Aegis) cho phép các tàu chiến bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương khi đang trên không gian. Theo đó, các tên lửa sẽ phá hủy những hỏa tiễn đối phương trước khi chúng quay lại bầu khí quyển. Nhờ đó, các tên lửa tấn công bị ngăn chặn trước khi chúng có thể gây tổn hại cho những cơ sở trên mặt đất.
Các tàu khu trục Mỹ được trang bị Aegis đã đổ đến tây Thái Bình Dương
Hiện tại, hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Lực lượng Phòng vệ bờ biển của Nhật Bản đều sở hữu nhiều tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis. Trong giai đoạn hiện nay, trong biên chế của Lực lượng Hải quân Mỹ có 18 tàu tên lửa, được trang bị hệ thống radar Aegis. Theo trang tin Defense-Update, Mỹ đang duy trì ít nhất 3 tàu khu trục Aegis trong khu vực Đông Á, gồm tàu USS John McCain, USS Decatur và USS Fitzgerald.
Trong đó, USS John McCain thuộc nhóm tàu khu trục mạnh nhất của nước này. Cả 3 chiến hạm đều thuộc lớp Arleigh Burke, có thể mang theo 90 hỏa tiễn, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk.
Tàu khu trục lớp Aegis mang tên lửa đánh chặn
Thiết bị đánh chặn hạng nhẹ trên tên lửa SM-3.
Hệ thống đánh chặn Aegis được bắt đầu từ năm 2003. Cơ sở căn bản là tên lửa ba tầng đẩy SM-3, bán kính hoạt động là 500 km với tầm cao tiêu diệt mục tiêu đến độ cao 160 km. Tên lửa có khả năng đẩy thiết bị đánh chặn đến tốc độ 2,5km/s, hoàn toàn đủ để đánh chặn mọi tên lửa đạn đạo.
Giá trị cao nhất của tên lửa là hệ thống radar dẫn đường và chỉ thị mục tiêu thông thường AEGIS có thể lắp đặt trên các chiến hạm không cần có những thiết kế lại cấu trúc thân tàu. Chương trình được đánh giá là một trong những phát triển quân sự thành công nhất, tất cả những yêu cầu kỹ chiến thuật đặt ra đều được đáp ứng đầy đủ, điều này đã được minh chứng trong rất nhiều lần diễn tập hỏa lực và đã có một lần phóng thành công “gần với điều kiện chiến trường” khi bắn hạ một vệ tinh không điều khiển.
THAAD- tường cao khó vượt
Mới đây, Lầu Năm Góc quyết định triển khai trước thời hạn đến 2 năm đối với hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân đến Guam, lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương, sau khi Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố đầy đe dọa. Theo AFP, hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ được đưa đến Guam, nơi chỉ cách Trung Quốc khoảng 2.900 km.
Hệ thống THAAD
THAAD là hệ thống bao gồm bệ phóng trên xe tải, mỗi chiếc có 8 ống phóng, cùng các tên lửa đánh chặn và radar dò mục tiêu AN/TPY-2. THAAD có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, trong giai đoạn giữa cuối và cuối của hành trình.
Hệ thống này có thể hủy diệt tên lửa đối phương ở tầm bắn 200 km và ở cao độ 150 km, thường dùng để bảo vệ những nơi trọng yếu về chiến lược hoặc chiến thuật như sân bay hoặc khu dân cư đông đúc.
Hệ thống THAAD có độ tin cậy rất cao, trong thử nghiệm của những năm đưa vào biên chế, tính từ năm 2000 đã tiến hành 12 lần phóng đạn, chỉ có 2 lần đánh trượt mục tiêu do vật bay – mục tiêu không chuẩn. Bản thân đối với tên lửa không có khiếu nại và nhận xét xấu nào, cho đến hiện nay vẫn được coi là tổ hợp có hiệu quả nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường.
Patriot- lá chắn dày
Trong khi đó, Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại chuyên dùng để bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Nó đóng vai trò là lớp thứ 3 trong lá chắn phòng thủ, thường dùng để đánh chặn vũ khí ở tầm gần. Các phần chủ chốt của hệ thống này gồm radar, trung tâm điều khiển và bệ phóng trên xe tải. Mỗi bệ phóng có từ 4 - 16 ống phóng.
Cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều sở hữu hệ thống Patriot do Mỹ cung cấp. Cụ thể, Hàn Quốc đang xây dựng một hệ thống phức tạp với các trụ đánh chặn trên đất liền và trên biển, radar và các hệ thống kiểm soát. Chính quyền Tokyo cũng sở hữu các đơn vị PAC 3, radar cảnh báo sớm và các hệ thống ra lệnh - kiểm soát phức tạp.
Hệ thống tên lửa Patriot
Kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa:
Tại Nhật Bản: Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3, tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Tại Hàn Quốc: Hệ thống phòng thủ PAC-2, tàu chiến trang bị Aegis.
Tại đảo Guam: THAAD chuẩn bị được triển khai.
Trên vùng biển quốc tế: Các tàu USS John McCain, USS Decatur, USS Fitzgerald được trang bị hệ thống Aegis đều đã hiện diện tại tây Thái Bình Dương.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, Mỹ đang từng bước dựng lên một lá chắn phòng thủ tên lửa nhiều tầng lớp xung quanh Trung Quốc. Chưa chắc chắn liệu dàn tên lửa được tung hô đầy sức mạnh của Trung Quốc có chọc thủng được tấm khiển của Mỹ hay không? Nhưng có lẽ Trung Quốc luôn cảm thấy lạnh sống lưng khi xung quanh mình toàn là vũ khí của đối phương.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!