4. Các cuộc tập trận quy mô lớn
Tính chất các cuộc tập trận của Lục quân PLA là một vấn đề rất đáng quan tâm. Vào tháng 9/2006, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có của 2 quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh, - 2 quân khu mạnh nhất trong số các quân khu của Trung Quốc. Chính 2 quân khu này nằm cạnh khu vực biên giới với Nga về phía đông với chiều dài 4.300 km.
Trong tiến trình tập trận, quân khu Thẩm Dương đã chuyển quân trên cự ly 1.000 km qua địa phận quân khu Bắc Kinh và tiến hành các cuộc diễn tập với quân xanh là các đơn vị của quân khu Bắc Kinh.
Việc chuyển quân được tiến hành bằng các phương tiện của quân khu và bằng đường sắt. Mục đích của các cuộc diễn tập là hoàn thiện kỹ năng cơ động các binh đoàn bộ binh trên một cự ly rất xa khu vực đóng quân và nâng cao trình độ chi huy đảm bảo hậu cần cho bộ đội.
Trong cuộc tập trận, tất cả các đơn vị tham gia đã vượt qua quãng đường tổng cộng 50.000 km. 4 lữ đoàn binh chủng hợp thành đã hành quân (bằng đường sắt và các phương tiện tự có) trên cự ly 2.000 km.
Các đơn vị tham gia diễn tập đã luyện tập các phương án phối hợp giữa tất cả các binh chủng trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Một trong những mục đích của cuộc tập trận là kiểm tra các hệ thống vũ khí mới nhất và khả năng hoạt động của hệ thống dẫn đường vệ tinh quốc gia mà Trung Quốc mới triển khai Bắc Đẩu, tương tự như GPS của Mỹ.
5. Vũ khí và các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm vào ai?
Hoàn toàn rõ ràng là, các kịch bản tập trận như trên không liên quan gì tới việc chiếm đảo Đài Loan, lại càng không dính dáng gì đến việc đánh trả một cuộc xâm lược của Mỹ.
Một chiến dịch chiếm đảo Đài loan phải là một chiến dịch đổ bộ đường không- đường biển, quy mô của một chiến trường trên bộ tại hòn đảo này quá nhỏ, chiều rộng từ tây sang đông chỉ có 150 km, và như thế thì không thể và không cần một cuộc hành quân trên bộ dài tới hàng nghìn km.
Ngoài ra, quân khu Nam Ninh, - có nhiệm vụ trực tiếp đối phó với Đài loan đã không tham gia cuộc tập trận này.
Một cuộc xâm lược từ phía Mỹ (cứ cho là có lúc nào đó nó sẽ xảy ra) sẽ được tiến hành bằng các đòn tấn công từ trên không và trên biển bằng vũ khí chính xác cao với mục tiêu là phá hủy tiềm lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Hành động trên đất liền đối với Mỹ là tự sát vì ưu thế gần như tuyệt đối về quân số của Trung Quốc, không những thế nó còn rất vô nghĩa dù xét dưới bất cứ một góc độ nào, kể cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng không phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự từ bất kỳ một nước nào bởi vì một cuộc tấn công như vậy là một biện pháp tự sát nhanh nhất và hiệu quả nhất đối với kẻ xâm lược.
Chính vì thế mà việc tiến hành các các cuộc tập trận quy mô chiến lược để luyện tập các phương án phòng thủ là hoàn toàn không có ý nghĩa. PLA không phải giải quyết với các nhiệm vụ như vậy. Điều này thì Bộ tư lệnh PLA biết quá rõ, vì thế ý đồ và mục đích các cuộc tập trận trên đều là luyện các phương án tấn công chứ không phải các phương án phòng thủ.
Cũng rõ ràng là, để giải quyết các nhiệm vụ nội bộ thì các chiến dịch như trên chắc chắn là quá thừa vì chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng chưa gây cho Trung Quốc những vấn đề mà để giải quyết nó cần phải chuyển quân và triển khai các binh đoàn lớn đến như vậy.
Những bất ổn xã hội cũng mới ở mức độ hạn chế mặc dù giới cầm quyền Trung Quốc đang lo ngại là nó sẽ lan rộng do các nguyên nhân khủng hoảng kinh tế. Kết luận quan trọng nhất cần phải rút ra trong trường hợp này là tại kịch bản tác chiến được thực hiện của các cuộc tập trận này là “quân đội chống lại quân đội”, chứ không phải là chống chiến tranh du kích và đàn áp các phong trào phản kháng nội bộ tại Trung Quốc.
Từ đây xuất hiện câu hỏi: Lục quân và Không quân Trung Quốc chuẩn bị tiến hành chiến tranh với quân đội nước nào với các phương tiện kỹ thuật tác chiến hiện đại nhất, hệ thống dẫn đường vệ tinh và các hệ thống đảm bảo tác chiến mới nhất?
Cần phải nhận thấy rằng, chỉ có trên lãnh thổ Nga và Kazakhstan mới có thể tiến hành các chiến dịch tấn công có chiều sâu đến 2.000 km. Ở chiến trường Đông Nam Á, chiều sâu chiến trường không vượt quá 1.500 km, trên bán đảo Triều Tiên - không vượt quá 750 km.
Không những thế, những nơi mà PLA tiến hành tập trận có điều kiện địa- vật lý rất giống với các khu vực Trung Á, Viễn Đông và Ngoại Baikal chứ hoàn toàn không phải là khu vực Đông Nam Á.
Một chi tiết đáng chú ý, mùa đông 2012-2103 các đơn vị của quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh lại tiến hành một loạt cuộc tập trận sử dụng nhiều phương tiện thiết giáp và pháo binh trong điều kiện nhiệt độ cực thấp và tuyết dày. Như vậy đã rõ, hoàn toàn không có liên quan gì đến Đài Loan và khu vực Đông Nam Á.
6. Nga phải làm gì để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc?
Trong một bài viết khác dưới tiêu đề “Hiện tượng sức mạnh quân sự Trung Quốc chưa được đánh giá đầy đủ” trước đó (6/2012), A. Khramchilin có một số nhận xét gây chú ý.
1/ Trước hết, ông cho rằng có lẽ hiện nay giới lãnh đạo Nga và phần lớn các chuyên gia im lặng trước sự thật hiển nhiên về mối đe dọa Trung Quốc và ngày càng có nhiều nhượng bộ tối đa trong lĩnh vực kinh tế và chính trị với nước này là xuất phát từ hội chứng “nỗi lo sợ” chọc giận Trung Quốc và quan ngại nếu làm to chuyện thì “lợi bất cập hại”.
Nhưng có một thực tế là cho đến thời điểm này, trong mọi trường hợp, giới lãnh đạo Trung Quốc đều tỏ ra hết sức thực dụng.
Có rất nhiều cơ sở để tin rằng nếu như vấn đề về mối đe dọa Trung Quốc cùng các biện pháp đáp trả được tranh luận công khai tại Nga không chỉ ở mức độ các chuyên gia riêng lẻ mà ở ngay cấp lãnh đạo và dù chỉ một số biện pháp đối phó được áp dụng thì không những không làm tăng mà ngược lại còn làm giảm mối đe dọa xâm lược từ phía Trung Quốc vì giới cầm quyền nước này thường xuyên hành xử theo phương châm “mềm nắn rắn buông” và tự họ phải tìm các cách bành trướng khác chứ không phải bành trướng bằng biện pháp quân sự.
2/ Điều đó chỉ có thể khi mà cái giá mà Trung Quốc phải trả cho một cuộc xâm lược Nga là khủng khiếp đến mức độ không thể nào có thể biện minh được trong bất kỳ hoàn cảnh nào (kể cả trong trường hợp xảy ra thảm họa nội bộ của Trung Quốc).
3/ Để có thể đạt được kết quả trên, Nga cần phải, trước hết - củng cố khả năng quốc phòng. Thứ nhất, kết nối chặt chẽ phương tiện kiềm chế hạt nhân với lực lượng phòng không. Có thể rút ra khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung (trong điều kiện hiện nay hiệp ước này đang trói tay Nga).
Thứ hai, tăng cường sức mạnh cho Quân khu phía Đông, bố trí tại quân khu này các tổ hợp tên lửa “Iskander”, - loại vũ khí trấn áp rất hiệu quả các hệ thống pháo phản lực bắn dàn”, nhưng không nên bố trí các hệ thống này ở sát biên giới mà nên bố trí sâu trong nội địa.
4/ Vũ khí hạt nhân thực sự phải là phương tiện cuối cùng, chứ không phải là trước nhất và duy nhất. Ngoài ra, cần phải thành lập các liên minh quốc tế với các cam kết ràng buộc bảo vệ lẫn nhau.
Những đồng minh quan trọng nhất phải là Kazakhstan, Mông Cổ (về mặt tiềm năng quân sự thì Mông cổ không có gì, nhưng ý nghĩa chiến lược của lãnh thổ Mông Cổ thì cực kỳ lớn), Ấn Độ.
Tiếp tục im lặng và lảng tránh vấn đề này chỉ càng làm cho nó trầm trọng thêm và ngày càng khó tìm ra khả năng để giải quyết. Một thái độ như vậy đối với một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia là không thể chấp nhận được.
Mặc dù, cũng có thể ngây thơ tin là giới cầm quyền Trung Quốc đổ hàng trăm tỷ USD sắm VK-TBKT hiện đại chỉ nhằm một mục đích duy nhất là chiếm Đài Loan. Và khi đã giải quyết xong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ ném tất cả xe tăng, các hệ thống pháo phản lực bắn dàn và tên lửa xuống biển.
Sau đó Trung Quốc sẽ cùng chung sống trong “hòa bình, hữu nghị và cùng phồn vinh” với các nước láng giềng.
Mấy lời nói thêm
Những diễn biến gần đây nhất (bài phát biểu của V.Putin ngày 20/6/2013, tuyên bố của I.Ivanov, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga ngày 15/7 /2013, D. Rogozin, phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga tháng 4/2013 ..) cho thấy gần như chắc chắn là Nga sẽ rút ra khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung do “người đào mồ chôn Liên Xô” là M. Gorbachov ký với R. Reagan ngày 8/12/1987.
Liên Xô và nay là Nga không còn sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung (theo đúng tinh thần hiệp ước trên) trong khi trong bối cảnh hiện nay thì tên lửa tầm trung của Trung Quốc thực ra là một loại vũ khí chiến lược vì nó có thể với tới bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Nga (hiện Trung Quốc có hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm trung kiểu Đông Phong-4 (tầm bắn 4.750km, Đông Phong-3 (2.650km), “Đông Phong-25 (1.700km) và một số loại khác.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!