Trung Quốc xây căn cứ tàu sân bay: Dòng nhựa độc nuôi sống đường lưỡi bò

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu sân bay mới ở Hải Nam, từ đây dòng nhựa độc mang tên vũ lực sẽ nuôi dưỡng cho đường lưỡi bò phi lý tồn tại.

Hải quân Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng căn cứ tàu sân bay ở đảo Hải Nam và dự án này được xúc tiến rất nhanh. Chúng ta thấy được gì qua động thái này? 

Trung Quốc muốn khống chế tuyến hàng hải trên biển Đông

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á.

Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực.

	Cầu cảng dành cho tàu sân bay của Trung Quốc đang được xây dựng ở Hải Nam (ảnh chụp từ vệ tinh)

Cầu cảng dành cho tàu sân bay của Trung Quốc đang được xây dựng ở Hải Nam (ảnh chụp từ vệ tinh)

	Đảo Hải Nam nằm gần tuyến hàng hải đi qua biển Đông, cũng là nơi bắt đầu của đường lưỡi bò

Đảo Hải Nam nằm gần tuyến hàng hải đi qua biển Đông, cũng là nơi bắt đầu của đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc ngang ngược đề ra

Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.

Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz).

Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

Do Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất nên luôn đóng một vị trí quan trọng trong bản đồ địa chính trị của thế giới. Thế kỷ trước đây là chiến tuyến nóng bỏng của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Ngày nay, Liên Xô đã sụp đổ, nước Nga không còn duy trì được vị thế như cũ nhưng có vẻ biển Đông lại nổi sóng mạnh hơn.

Trung Quốc sau nhiều năm chờ thời bây giờ đã trỗi dậy với những tham vọng lớn lao, họ liên tiếp gây ra những căng thẳng trên biển Đông hòng kiểm soát biển Đông. Khống chế biển Đông nghĩa là có thể khống chế dòng hàng hóa thế giới nhất là dòng năng lượng, tạo nên những ảnh hưởng chính trị, kinh tế đến hàng loạt các nước ở Đông Á cho đến Trung Đông. Với căn cứ nằm trên đảo Hải Nam gần với tuyến hàng hải qua biển Đông, Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế tuyến đường này.

Hải Nam là “cái gốc” của đường lưỡi bò 

Nhìn về mặt địa lý có thể thấy, đảo Hải Nam chính là nơi bắt đầu của đường lưỡi bò. Nhưng đấy chỉ là cái gốc theo nghĩa đen, sâu xa hơn các căn cứ quân sự ở Hải Nam quyết định sự tồn tại phi pháp của đường lưỡi bò.

Việc Trung Quốc ngang ngược vẽ ra đường lưỡi bò bao trọn gần hết diện tích biển Đông có những nguyên nhân sâu xa như sau: 

Trước hết phải thấy rằng biển Đông là con đường yết hầu của hải quân Trung Quốc nếu muốn vươn ra những đại dương bao la. Biển Hoa Đông với bên kia bờ là những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan khiến hướng đi ra phía đông hầu như bị phong tỏa. Do vậy con đường đi xuống phía nam, qua biển Đông là con đường yết hầu của Trung Quốc. Từ đây, hải quân Trung Quốc có thể tỏa đi khắp các đại dương và can dự vào những vấn đề của thế giới để tương xứng với giấc mộng siêu cường của mình.

Thứ hai Trung Quốc muốn kiểm soát tuyến đường biển nhộn nhịp trên biển Đông.

Thứ ba là Trung Quốc muốn vơ vét nguồn lợi dầu khí cũng như hải sản dồi dào ở biển Đông.

Tất nhiên không ai công nhận yêu sách phi lý ấy. Hàng loạt các nước có chủ quyền và lợi ích liên quan đều lên tiếng phản đối và tăng cường tiềm lực quân sự của mình trên biển Đông. Thậm chí Philippin đã nộp đơn khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài quốc tế.

	Căn cứ tàu ngầm ở vịnh Du Lâm, thành phố Tam Á đảo Hải Nam

Căn cứ tàu ngầm ở vịnh Du Lâm, thành phố Tam Á đảo Hải Nam

	Sau tàu Liêu Ninh liệu còn có tàu sân bay nào của Trung Quốc để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò?

Sau tàu Liêu Ninh liệu còn có tàu sân bay nào của Trung Quốc để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò?

Không có công lý, điều duy nhất giúp đường lưỡi bò có thể tồn tại đó là dùng vũ lực. Do vậy Trung Quốc hối hả tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam. Trước đó thế giới đã hết sức quan ngại với căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Du Lâm, nhưng như vậy là chưa đủ, Trung Quốc tiếp tục xây thêm căn cứ dành cho tàu sân bay.

Theo phân tích, cầu cảng vẫn đang được xây dựng này dài 600 mét và rộng 120 mét, đủ lớn để cho hai tàu sân bay neo đậu, tương tự cầu cảng tàu sân bay tại căn cứ của Hạm đội Bắc Hải. Điều này gợi ý về kế hoạch tàu sân bay tham vọng của Trung Quốc với ít nhất bốn tàu sân bay trong tương lai.Việc xây dựng căn cứ đang diễn ra tất bật và những diễn biến mới nhất cho thấy việc đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ sớm được tiến hành.

Nằm cách cầu cảng chưa đầy 3 km là một căn cứ tên lửa đất đối không, hệ thống tên lửa HQ-12 SAM đã được triển khai tại đây. Trước đó, Trung Quốc đã ưu tiên trang bị cho căn cứ Hải quân ở Hải Nam những tàu chiến hiện đại nhất như các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 093, tàu lớp Lữ Dương II 052C, tàu lớp Giang Khải 054A...

Có thể khẳng định rằng, Trung Quốc quyết biến Hải Nam thành một căn cứ quân sự khổng lồ, dùng vũ lực đảm bảo cho đường lưỡi bò phi pháp tồn tại. Căn cứ quân sự ở Hải Nam chính là “cái gốc”, từ đó dòng nhựa độc mang tên “vũ lực” sẽ lan tỏa khắp biển Đông và đường lưỡi bò theo đó lan rộng ra khắp các đại dương như tham vọng của người Trung Quốc.

Nhưng liệu tham vọng đấy có thành hiện thực? Lịch sử thế giới đã chỉ ra rằng những kẻ hiếu chiến, muốn bá quyền thế giới đêu chuốc lấy những thất bại nặng nề.

	Không có công lý, điều duy nhất giúp đường lưỡi bò phi pháp tồn tại là vũ lực

Không có công lý, điều duy nhất giúp đường lưỡi bò phi pháp tồn tại là vũ lực

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại