Giấc mộng vàng từ ước mơ tan vỡ
Mới đây, trang mạng của Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc cho biết, chương trình "nghiên cứu an toàn và công nghệ then chốt tàu thủy động cơ hạt nhân" và "công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ và ứng dụng mô hình của nó" của Bộ Khoa học công nghệ chính thức được lập hồ sơ, được dư luận cho là tín hiệu Trung Quốc sẽ bắt tay nghiên cứu phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Một bài báo của Thời báo Hoàn Cầu cho rằng giấc mơ đóng tàu sân bay hạt nhân sẽ có nền tảng từ tàu sân bay Ulyanovsk cuối thời Liên Xô. Mặc dù con tàu này không thể đi vào hoạt động, nhưng nó để lại bài học kinh nghiệm cho quá trình thiết kế, chế tạo, có thể dùng để Trung Quốc tham khảo theo đuổi giấc mộng tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc tự hào rằng, Trung Quốc có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển tàu ngầm hạt nhân, việc chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân dù sao cũng là lần đầu tiên tiến hành.
Dự kiến, tàu sân bay hạt nhân Trung Quốc sẽ được "hình dung lại" từ con tàu sân bay từ con tàu mang tên ngôi sao hi vọng của Hải quân Liên Xô mang tên Ulyanovsk vào những thập niên 80 của thế kỷ trước.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Black Sea của Ukraine. Tàu này không chỉ trang bị lò phản ứng hạt nhân, số lượng máy bay trên tàu cũng tăng lên, đồng thời còn lắp máy phóng hơi nước.
Trong lịch sử chế tạo tàu sân bay Liên Xô, tàu Ulyanovsk có thể nói là một cột mốc, về số lượng mang theo máy bay chiến đấu, nó cơ bản tương đương với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ khi đó, hỏa lực tấn công-phòng thủ tự thân chỉ hơn chứ không kém. Lúc đó, giới chuyên gia nhận định tàu sân bay Ulyanovsk đi vào hoạt động thực sự, có thể cơ bản đạt được trình độ đỉnh cao nhất của hải quân toàn cầu trong giai đoạn 1995-2000.
Trước năm 1991, việc đóng tàu hạt nhân này gặp nhiều thuận lợi từ chi phí cho đến mở rộng công xưởng. Tuy nhiên, ngôi sao hi vọng này chẳng tồn tại được lâu, khi Liên Xô tan rã đã cắt đứt triệt để cung ứng vốn cho chương trình này, bỏ lại thân tàu khổng lồ và gây trở ngại cho việc chế tạo các tàu khác.
Năm 1992, chính phủ Ukraine đành phải hạ lệnh vứt bỏ. Vì vậy tàu sân bay Ulyanovsk không chỉ là tàu sân bay động cơ hạt nhân tiên tiến nhất của Liên Xô, mà cũng đã trở thành tàu sân bay cuối cùng của nước này.
Theo truyền thông Trung Quốc, trước mắt Trung Quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nga và Ukraina trong việc thực hiện kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân và dựa vào mẫu thiết kế của tàu Ulyanovsk.
Con hổ giấy Liêu Ninh và bài học kinh nghiệm
Trong khi hải quân Trung Quốc đang tự hào về tàu sân bay Liêu Ninh được coi là "thế mạnh quân sự" của Trung Quốc thì các nước khác lại đánh giá thấp vai trò và sức mạnh của tàu sân bay Liêu Ninh.
Tàu sân bay Liêu Ninh, thuộc lớp Varyag được Ukraine thi công từ những năm 80 thế kỷ trước. Khi Liên Xô sụp đổ quyền sở hữu con tàu được chuyển cho Ukraine, chiếc tàu được để dành, không được bảo dưỡng và sau đó ở tình trạng trơ trụi. Tới đầu năm 1998, tàu không có động cơ, bánh lái, hầu hết các hệ thống hoạt động và được đưa ra bán đấu giá.
Đến năm 2002, tàu về đến Trung Quốc và neo tại cảng Đại Liên thuộc thành phố Liêu Ninh. Ban đầu, nó được mua với giá 20 triệu USD nhằm biến thành một sòng bạc nổi. Sau khi được cải tạo, Trung Quốc cho ra đời tàu sân bay đầu tiên với tên gọi là Liêu Ninh, tàu được neo đậu tại cảng Thanh Đảo, Sơn Đông.
Trên thế giới, các nước đóng tàu sân bay có thể mất từ vài năm còn Trung Quốc thời gian hoàn thành gã khổng lồ trên biển này chỉ bằng 1/10 thời gian của họ. Việc làm gấp rút có thể dẫn đến nhiều chi tiết ẩu.
Tàu sân bay Liêu Ninh dài 300 m, trọng tải 60.000 tấn, sức chứa 30 máy bay. Từ cuối năm 2012, Trung Quốc không ngừng khoa trương về sức mạnh của tàu Liêu Ninh, nhưng Mỹ, phương Tây lại dành cho nó một cái nhìn khinh thường, chỉ là “con hổ giấy”, “lá bài gió”.
Tờ Luận cứ mỗi tuần của Nga ngày 18/10/2012 mô tả Liêu Ninh là một đống đổ nát và được khôi phục lại một cách chắp vá, vĩnh viễn không thể chiến đấu được.
Thậm chí, tờ Thanh niên nhật báo của Trung Quốc, tiến độ làm việc quá khắc nghiệt đã khiến 1 nhà thiết kế tàu sân bay và 14 công nhân khác tử vong trong quá trình tân trang tàu sân bay Liêu Ninh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng thừa nhận tàu sân bay Liêu Ninh mới chỉ hoàn thành chạy thử, nhưng nó vẫn là một chiếc tàu sân bay truyền thống, động cơ tàu hàng không thể tuần tra lâu dài trên biển.
Việc dựng tàu sân bay từ đống đổ nát tiền thân của con tàu Liêu Ninh hiện nay có thể sẽ là bài học để Trung Quốc rút kinh nghiệm khi thực hiện đóng tàu sân bay hạt nhân. Trong tình hình biển Hoa Đông và biển Đông nhanh chóng thay đổi, Trung Quốc càng cấp bách mong muốn mở rộng thực lực hải quân, chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân hơn bất cứ quốc gia nào vì lo sợ con hổ giấy Liêu Ninh có thể không thực hiện được sứ mệnh của mình.