Trung Quốc vùng vẫy tìm đường thoát
Người Trung Quốc chắc hẳn rất khó thở với những căn cứ quân sự Mỹ hiện diện ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ tìm cách vùng vẫy thoát ra khỏi cái thòng lọng mà Mỹ tròng vào cổ họ.
Trung Quốc nhận thấy con đường trở thành một siêu cường là phải thoát được vòng bao vây của Mỹ và các đồng minh. Từ nhận thức như vậy nên họ bất chấp tất cả, thực hiện những hành vi trái với pháp luật và thông lệ quốc tế để hòng độc chiếm biển Đông.
Họ ngang ngược đưa ra “đường lưỡi bò” phi pháp, gia tăng căng thẳng với các nước như Việt Nam, Philippines, Mỹ trong vấn đề biển Đông. Nhưng có vẻ như Trung Quốc càng vùng vẫy thì Mỹ càng muốn siết chặt hơn. Mỹ tăng cường sự hiện diện ở biển Đông và những mũi nhọn chiến lược được họ lựa chọn là Philippines, Singapore, Australia.
Philippines và tiền đồn Mỹ ở biển Đông
Tại Đông Nam Á và Biển Đông, Philippines đóng vai trò trung tâm, nước này từng là nơi cung cấp 2 căn cứ quân sự lớn nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark) cho quân đội Mỹ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ buộc phải từ bỏ 2 căn cứ này nhưng đến năm 1998, việc 2 nước ký Hiệp định “thăm viếng quân sự” đã tạo điều kiện cho quân đội Mỹ quay trở lại đây.
Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, chính quyền Bush đã coi Philippines là “quốc gia tiền đồn trong cuộc chiến khủng bố toàn cầu”, đồng thời với danh nghĩa hỗ trợ chính phủ Philippines vây quét phần tử khủng bố, Mỹ đã cử khoảng 600 nhân viên quân sự thay nhau đến Philippines để hợp tác trong các lĩnh vực như: cố vấn, huấn luyện, tình báo và trang bị vũ khí…
Gần đây những căng thẳng trên biển Đông khiến Philippines càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong cuộc bao vây của Mỹ với Trung Quốc. Philippines là nơi mà Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ với vấn đề biển Đông, cũng là nơi mà Mỹ thể hiện vai trò, vị thế của mình trong các vấn đề của thế giới.
Mỹ đã nhất trí tăng viện trợ quân sự cho Philippines lên 30 triệu USD để mua sắm trang thiết bị quân sự. Quân đội Mỹ sẽ luân chuyển tại các căn cứ tạm thời ở Philippines, nơi Mỹ đã duy trì khoảng 600 binh lính đặc nhiệm từ 10 năm nay. Subic không phải là căn cứ hải quân thường trực của Mỹ, nhưng tại đây sẽ triển khai dịch vụ hậu cần cho hải quân Mỹ dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa một công ty nhà thầu quốc phòng Mỹ với một cơ sở sửa chữa đóng tàu của Philippines tại vịnh Subic. Cơ sở này sẽ mở cửa cho các tàu chiến Mỹ ra vào lần đầu tiên trong gần 20 năm qua. Nó cũng cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và hậu cần cho các khách hàng khác ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Vị trí chiến lược của Subic nơi Mỹ sẽ bố trí lực lượng hải quân chiến lược
Tàu sân bay của Mỹ neo đậu ở căn cứ Subic, Philippines
Hiện nay Mỹ đang có những tiếp xúc dồn dập với Philippines để bố trí tàu chiến và tàu trinh sát của Mỹ tại lãnh thổ Philippines theo phương thức luân chuyển đồng thời tăng cường tần suất hoạt động có liên quan như tập trận chung, huấn luyện chung, tàu chiến và máy bay chiến đấu đến thăm..; Cũng như bán hoặc cho Philippines thuê tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ.
Singapore và tàu tàng hình Mỹ
Tại Singapore, Mỹ đã bắt đầu triển khai một số tàu chiến loại nhỏ. Singapore tuy không phải là đồng minh của Mỹ nhưng do vị trí địa lý đặc biệt, án ngữ eo biển Malacca và luôn có thái độ tích cực đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương nên lâu nay Mỹ vẫn coi trọng việc đầu tư quân sự vào quốc đảo này.
Ngay từ 10 năm trước, sau khi buộc phải rút quân khỏi Philippines, Mỹ đã chuyển trung tâm chỉ huy của Hạm đội 7 về Singapore, đồng thời Singapore cũng trở thành trung tâm để tàu sân bay, tàu chiến Mỹ neo đậu, tiếp tế, sửa chữa, tập trận chung… Để phối hợp với sự điều chỉnh quân sự, trong năm 2011, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó, ông Robert Gates đã lần đầu tiên công khai tuyên bố sẽ triển khai 4 tàu chiến ven bờ kiểu mới tại căn cứ hải quân Changi ở Singapore. Đây là loại chiến hạm mới tàng hình, tốc độ cao hoạt động ven biển để dễ dàng tiếp cận các eo biển nối Đông Nam Á với Ấn Độ Dương.
Tàu tầu dương tàng hình lớp LCS của Mỹ sẽ triển khai tại Singapore
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel lên thăm chiến hạm USS Freedom lớp LCS tại Singapore ngày 2/6/2013
Australia, chốt chặn cuối cùng ở phía Nam
Tại Australia, Mỹ sẽ coi quốc gia này là cứ điểm mới để bố trí binh lực. Australia nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhưng phía Bắc của nước này rất gần Biển Đông và các eo biển quan trọng của Đông Nam Á. Australia vừa là điểm cuối cùng trong chuỗi đảo thứ 2 vươn dài về phía Nam của Mỹ vừa là một trong những đồng minh trung thành nhất của Mỹ. Tuy nhiên, trong quá khứ, do trọng tâm chiến lược của Mỹ tập trung tại Đông Bắc Á nên Mỹ không đóng quân tại Australia mà sử dụng phương thức cùng chia sẻ 2 trạm theo dõi vệ tinh.
Để quán triệt phương châm triển khai quân sự về phía Nam, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ – Australia tổ chức hồi tháng 11/2010 đã quyết định đàm phán để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước trên lãnh thổ Australia. Trong hội nghị tổ chức vào tháng 9/2011, một hiệp định mới đã được ra đời với 3 công việc ưu tiên:
Một là, Mỹ sẽ triển khai 2.500 quân lính thủy đánh bộ đến Australia trong vòng 5 năm tới; Hai là, Mỹ sẽ triển khai các máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu hiện đại đến vùng lãnh thổ phía Bắc Australia đồng thời mở rộng việc sử dụng các căn cứ hải quân tại Australia;
Ba là, tàu sân bay và tàu ngầm Mỹ sẽ nhiều hơn các căn cứ hải quân ở phía Nam để tăng cường các hoạt động trinh sát và tuần tra.
Ngày 3/4/2012, hơn 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đã rời Hawaii đến khu vực Robertson Barrack nằm ở ngoại ô thành phố cảng Darwin phía Bắc Australia. Việc Mỹ có kế hoạch triển khai 2.500 quân tại căn cứ Darwin có chỗ độc đáo của nó. Tại đây, Mỹ có một trạm ra đa quan trọng bậc nhất châu Á-Thái Bình Dương. Nhờ điều kiện địa lý khí quyển có một không hai cho phép truyền âm thanh ở mức hoàn hảo, trạm ra đa Darwin trở thành một “máy hút bụi” khổng lồ đón nhận tất cả thông tin vô tuyến từ Vladivostok, Trung Quốc, tới Đông Nam Á và phân loại các thông tin này để phục vụ các hoạt động tình báo quân sự.
Quần đảo Cocos mà Australia đang nắm quyền kiểm soát, nằm ở Ấn Độ Dương gần Indonesia sẽ là nơi đắc địa có thể thay thế căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia Mỹ thuê của Anh. Căn cứ không quân tại Cocos rất thuận lợi cho máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ tiến hành thường xuyên các chuyến bay trinh sát ở Biển Đông.
Ngoài ra, Mỹ còn có kế hoạch mở rộng xây dựng căn cứ không quân tại quần đảo Cocos để sử dụng máy bay P-8 nhằm tăng cường hoạt động giám sát Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Căn cứ quân sự ở Darwin và Cocos là những chốt chặn cuối cùng ở phía Nam
Các tàu chiến tại căn cứ Darwin, Australia
Việc bố trí lại các lực lượng lùi xa về phía Nam Thái Bình Dương được coi là đối sách nhằm tăng cường khả năng công-thủ của quân đội Mỹ. Chúng nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Trung Quốc.
Chế ngự được các vùng biển này, Mỹ sẽ có thể áp đặt một sức ép tiềm ẩn đối với Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực. Các cố vấn của Lầu Năm Góc từ lâu nay đã biện hộ cho kiểu chính sách như thế này bằng cách tuyên bố rằng lợi thế đặc biệt của Mỹ nằm trong khả năng kiểm soát những đường biển chính trên thế giới, một lợi thế mà không một cường quốc nào khác có được.
Việc thực hiện những kế hoạch địa-chính trị/quân sự khổng lồ này sẽ gây ra một sự chuyển biến trong quân đội Mỹ và quan hệ đồng minh. Một tài liệu của Lầu Năm Góc dự báo: Điều này sẽ tăng thêm sức mạnh thể chế và tập trung vào sự hiện diện, khả năng triển khai và sức mạnh răn đe ở châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng trọng tâm chú ý sẽ đặt vào lực lượng hải quân - đặc biệt là các tàu sân bay và các hạm đội tàu chiến - và vào những máy bay và tên lửa đời mới nhất. Nước Mỹ dự kiến sẽ đầu tư một lượng tiền đáng kể để trang bị các loại vũ khí cho quân đội chống lại chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc và “chống xâm nhập khu vực” của các đối thủ tiềm tàng.
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc phản đối điều này. Trung Quôc nhạy cảm trước mối đe dọa tiềm ẩn, ra sức tăng cường binh lực, xây dựng hạm đội mạnh nhằm thoát khỏi cái thòng lọng Mỹ đang siết chặt dần.