Học giả Mỹ hiến kế chặn Hải quân Trung Quốc bành trướng trên biển

Bảo An |

(Soha.vn) - Theo kế sách này, Mỹ có thể sử dụng các hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ biển để vô hiệu hóa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.

Trong một báo cáo mới công bố, các học giả tại Viện nghiên cứu chiến lược RAND (Mỹ) đã khuyên Lầu Năm Góc nên xem xét vô hiệu hóa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc bằng chiến lược “phong tỏa từ xa”, sử dụng các tên lửa chống hạm trên bờ tại các chốt chặn trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bản báo cáo mang tiêu đề “Sử dụng tên lửa đất đối hạm ở Tây Thái Bình Dương” đã phân tích phương án quân sự, trong đó, Mỹ có thể ngăn chặn các hoạt động của Hải quân Trung Quốc bằng cách sử dụng một mạng lưới tên lửa chống hạm trên bờ. Với ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm đáng kể trong những năm tới, tên lửa chống hạm trên bờ sẽ là một lựa chọn không mấy tốn kém.

Báo cáo của RAND được công bố đúng vào thời điểm Nhật Bản tuyên bố đang tiến hành một cuộc tập trận triển khai tên lửa đất đối hạm Type-88 tới đảo Miyako. Đây là lần đầu tiên Tokyo thực hiện một cuộc tập trận như vậy. Đối với Hải quân Trung Quốc, eo biển giữa đảo Okinawa và Miyako là cửa ngõ quan trọng ra Thái Bình Dương.

Tên lửa đất đối hạm Type-88 của Nhật Bản.
Tên lửa đất đối hạm Type-88 của Nhật Bản.

Hiện tại, quân đội Mỹ không triển khai tên lửa chống hạm trên bờ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng nếu có khả năng này, quân đội Mỹ có thể sử dụng chúng theo nhiều phương thức khác nhau, từ sáng kiến hợp tác an ninh để giúp các đồng minh trong khu vực cải thiện khả năng chống tiếp cận cho tới ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc hay phong tỏa toàn diện khi xảy ra chiến tranh.

Mặc dù lời khuyên trong báo cáo nghe có vẻ giống một chính sách ngăn chặn, nhưng các tác giả lập luận rằng “chiến lược này không đòi hỏi phải triển khai thường trực các thiết bị quân sự ở Tây Thái Bình Dương và không phải là một phần trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Thay vào đó, nó nên được coi là một phương án có thể được sử dụng nếu Trung Quốc khởi xướng một cuộc xung đột".

Báo cáo chỉ phân tích khả năng cắt đứt tuyến đường biển của Trung Quốc bằng cách sử dụng tên lửa chống hạm trên bờ và không đề cập tới các loại tên lửa chống hạm từ trên không hoặc trên biển. Báo cáo cho rằng tên lửa chống hạm trên bờ không chỉ tạo ảnh hưởng tới khả năng xây dựng sức mạnh của Bắc Kinh, “mà còn tăng đáng kể những vấn đề quân sự mà quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt nếu nước này muốn khởi xướng một cuộc xung đột với các nước láng giềng hay đồng minh của Mỹ.”

Các hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ rất dễ vận hành cũng như có khả năng cơ động chiến lược và chiến thuật. Loại tên lửa này có thế được đặt tại nhiều vị trí trên các chuỗi đảo dài hàng nghìn km. Chúng sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của tên lửa và không quân Trung Quốc. Để minh họa khả năng triển khai tên lửa chống hạm trên bờ, báo cáo đã trình bày cách các tên lửa đất đối hạm tầm ngắn và trung có thể buộc Hải quân Trung Quốc tránh xa khu vực vịnh Malacca, Sunda và Lombok.

Nếu Đài Loan và Nhật Bản tham gia vào một cuộc xung đột với Trung Quốc, các tên lửa chống hạm trên bờ với tầm bắn khoảng 100 đến 200km được đặt tại đảo Okinawa của Nhật Bản và miền bắc Đài Loan có thể khống chế mọi ngả đường của Hải quân Trung Quốc ở phía nam đảo Okinawa. Nếu Đài Loan không muốn tham gia hợp tác chặn những tuyến đường biển này, Nhật Bản có thể triển khai loại tên lửa này với tầm bắn 200km trên quần đảo Ryukyu.

Eo biển Luzon giữa Philippines và Đài Loan, cũng như các tuyến đường biển giữa Philippines và quần đảo Borneo có thể được bao phủ bởi tên lửa đất đối hạm với tầm bắn 100km được triển khai tại Đài Loan, Malaysia và Philippines. Hải quân Trung Quốc có thể nỗ lực vượt qua khu vực biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong trường hợp này, tên lửa chống hạm trên bờ với tầm bắn 200km từ Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể phát huy hiệu quả.

Theo bản báo cáo, nếu Trung Quốc đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại đồng minh của Washington tại khu vực, “Mỹ có thể sẽ muốn những loại vũ khí như vậy được triển khai" "sẽ cần có đủ khả năng để di chuyển nhanh chóng tên lửa chống hạm trên bờ tới các khu vực định sẵn từ lãnh thổ của Mỹ hay các căn cứ của nước này tại châu Á".

Bản báo cáo của RAND chỉ tập trung vào các vấn đề chiến thuật và không phân tích tình hình quân sự, kinh tế và chính trị trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại